18/11/2022 16:28 GMT+7

Phó Ban Nội chính Trung ương nói về việc đề nghị truy tố, xét xử bà Nhàn AIC

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

TTO - Phó Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học dẫn lại khoản 2 điều 290 Bộ luật tố tụng hình sự quy định sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa, trong đó nêu rõ bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả thì có thể xét xử vắng mặt.

Phó Ban Nội chính Trung ương nói về việc đề nghị truy tố, xét xử bà Nhàn AIC - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thái Học - Ảnh: THÀNH CHUNG

Tại buổi làm việc thông báo kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ đối với vụ Việt Á, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết đang tập trung chỉ đạo quyết liệt nhưng diện rất rộng, đối tượng nhiều và liên quan đến cán bộ đảng viên.

Quá trình xem xét xử lý đòi hỏi khẩn trương nhưng thận trọng, đánh giá bối cảnh tình hình nào dẫn đến vi phạm và có phân hóa.

Theo ông Học, vừa qua Bộ Chính trị có kết luận để có chủ trương phân hóa trong quá trình xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên.

Kết luận của Bộ Chính trị là cơ sở, đường lối, chủ trương để có phân tích đối tượng nào xử lý nghiêm, đối tượng nào được giảm nhẹ, đối tượng nào được miễn. Còn trong quá trình xử lý hình sự, các cơ quan chức năng phân tích đánh giá một cách toàn diện vụ án để tình tiết nào tăng nặng, tình tiết nào giảm nhẹ, tình tiết nào là khoan hồng.

"Hiện nay ở trung ương và các địa phương đang nghiên cứu và đẩy nhanh tiến độ để xử lý, và chủ trương của Ban Chỉ đạo là sớm kết thúc quá trình xem xét xử lý" - ông Học nói.

Tuổi Trẻ cũng đề nghị lãnh đạo Ban Nội chính cho biết về quan điểm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo liên quan đến việc điều tra vụ án AIC  việc các bị can, trong đó có bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, bỏ trốn nhưng vẫn bị đề nghị truy tố thì việc truy tố, xét xử như thế nào.

Trả lời nội dung này, ông Nguyễn Thái Học nêu rõ Tổng bí thư nhiều lần nói dù có trốn ra nước ngoài cũng không thoát được sự trừng trị của pháp luật.

Hiện nay Ban Chỉ đạo giao cho các cơ quan tiến hành tố tụng nghiên cứu các quy định luật pháp để truy tố, xét xử các bị can, bị cáo theo đúng quy định pháp luật. Nếu trốn ra nước ngoài, quy định của pháp luật chúng ta vẫn có thể xử vắng mặt thì tiến hành xử vắng mặt.

Ông Học dẫn lại khoản 2 điều 290 Bộ luật tố tụng hình sự quy định sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa, trong đó nêu rõ bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả thì có thể xét xử vắng mặt.

Vụ Vạn Thịnh Phát vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo

Phó Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học nêu rõ thời gian qua đã phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều vụ án có quy mô lớn, phức tạp, chưa từng có, được nhân dân đồng tình.

Tiếp sau đó phóng viên đã đề nghị lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương cho biết quan điểm chỉ đạo xử lý vụ Vạn Thịnh Phát như thế nào khi đánh giá đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, chưa từng có?

Trả lời nội dung này, ông Học nêu rõ vụ án này đã được đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Ông nói Thường trực Ban Chỉ đạo cho rằng sai phạm liên quan đến Công ty Vạn Thịnh Phát đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp diễn ra trong thời gian khá dài.

"Thường trực Ban Chỉ đạo giao trách nhiệm cho các cơ quan có liên quan làm rõ xử lý. Ví dụ Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ có trách nhiệm kiểm tra cấp ủy, tổ chức đảng nào liên quan. Cơ quan điều tra tập trung điều tra nội dung nào, đối tượng nào để sớm đưa ra xử lý. 

Chúng ta làm đồng bộ kể cả cấp địa phương và trung ương. Địa phương nào trong quá trình triển khai thực hiện các dự án có liên quan đối tượng này vẫn phải phát hiện xử lý, kể cả trong kỷ luật Đảng và pháp luật nhà nước", ông Học nói thêm.

Khoản 2 điều 290 Bộ luật tố tụng hình sự quy định sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa

Tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp: a) Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả; b) Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa; c) Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận; d) Nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử.

Tổng bí thư chủ trì họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Tổng bí thư chủ trì họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

TTO - Sáng 18-11, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Ban chỉ đạo nhằm xem xét nhiều nội dung quan trọng.

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên