25/11/2004 22:05 GMT+7

Quy Nhơn, 300 ngày trong câu hát phân ly

VŨ NGỌC LIỄN (Nhà nghiên cứu sân khấu - Bình Định)
VŨ NGỌC LIỄN (Nhà nghiên cứu sân khấu - Bình Định)

TT - Ở cơ quan chi hội văn nghệ Liên khu V, các anh trong ban chấp hành chi hội như Phan Thao, Nguyễn Văn Bổng, Tế Hanh, Khương Hữu Dụng, Nguyễn Thành Long, Phan Huỳnh Điểu... đều dần dần đi tập kết ra Hà Nội.

OAFB5nC3.jpgPhóng to
Ra đi và đã trở về. Tại lễ mừng thọ 80 tuổi, đồng chí Phan Diễn (bí thư Thành ủy Đà Nẵng) đọc lời chúc GS Hoàng Châu Ký

Tôi được phân công ở lại giải quyết mọi việc còn lại hoặc mới xảy ra của chi hội đến lúc bàn giao cho đối phương xong mới đi chuyến tàu cuối cùng ra miền Bắc.

Những chuyến vào - ra

Thời gian này nhiều thanh niên lo lắng, nam thì sợ bị bắt vào lính ngụy, nữ thì sợ bị ép lấy chồng ngụy quyền; kể cả một số thiếu niên như hai chị em tên Năm và Sáu mới 14, 15 tuổi cũng kiếm cách vượt con sông Vệ (Quảng Ngãi) rồi đi bộ vào Quy Nhơn đến gặp tôi xin vào văn công để được đi tập kết.

Với trường hợp này, cũng như mấy trường hợp tương tự, tôi đều đã nhận và đề tên vào danh sách văn công ngay mà không tuyển chọn gì cả. Nhưng rồi trước tình hình này tôi cũng phải xin lãnh đạo cấp trên cho phép được tuyển thêm một số diễn viên để gửi ra Bắc bổ sung cho đoàn văn công của khu đã tập kết.

Gọi là tuyển nhưng thực tế chỉ làm qua loa, xem hình thể tương đối gọn gàng, cho hát hay ngâm vài câu nghe giọng khá là tuyển. Ra Bắc được rồi thì ngoài ấy sẽ tuyển lại kỹ, sắp xếp sau.

Số lượng được tuyển này cũng khá đông. Cô Trinh thì được anh Phan Huỳnh Điểu chọn, cô Kim Anh thì do anh Vân Đông tuyển trước ở Quảng Ngãi đưa vào. Trong số này có một số thành diễn viên Đoàn kịch dân ca Liên khu V như cô Bích Liên, cô Hữu Ích, cô Năm, cô Sáu...

Cô Trinh sau đó là tổ trưởng tổ ca của Đoàn ca múa nhạc trung ương (nay là Nhà hát Giao hưởng); cô Trì thì được đi học ở Liên Xô, nay dạy thanh nhạc ở TP.HCM; các cô Kim Anh và cô Đành là nghệ sĩ múa trong Đoàn múa Bông Sen... Còn anh Đặng Hùng là nghệ sĩ nhân dân của nghệ thuật múa. Một số anh chị em khác chuyển ngành và trở thành bác sĩ, giáo viên... Nói chung là những anh chị em ấy thành đạt cả.

Để góp phần gây không khí phấn khởi cho nhân dân ở vùng đất sắp bàn giao cho đối phương, giảm nhẹ tư tưởng lo âu của chuyện đi - ở, Nhà nước đã cử một đoàn cán bộ cao cấp do ông Hoài Thanh dẫn đầu vào thăm Khu V.

Trong phái đoàn này còn có ông Nguyễn Chánh - nguyên bí thư khu ủy và là tư lệnh quân khu đã tập kết nay lại trở về. Bất ngờ hơn cả, cùng đi theo đoàn cán bộ cao cấp còn có Đoàn kịch nói trung ương, Đoàn kịch nói Nam bộ, Đoàn tuồng Khu V... đã tập kết ở Hà Nội nay cũng trở về biểu diễn một số tiết mục trước lúc trở ra.

Hôm Đoàn kịch trung ương biểu diễn buổi đầu, tôi thay mặt chi hội văn nghệ sở tại đọc lời chào mừng và giới thiệu buổi diễn. Chị Song Kim trong ban phụ trách đoàn bảo tôi ngồi để chị thoa phấn. Tôi trả lời tôi đâu phải diễn viên mà hóa trang. Chị bảo dù không phải diễn viên nhưng ra trước quần chúng phải thoa chút phấn vì lịch sự, để tôn trọng đồng bào. Thế là tôi phải để thoa phấn lên mặt, khi bước lên diễn đàn cứ ngường ngượng mãi.

Nếu tôi nhớ không nhầm thì lúc tập kết, bộ phận hát bội (các nghệ sĩ hát bội Bình Định và Quảng Nam gộp lại) đi chuyến tàu sớm nhất, hình như vào khoảng tháng 8 hoặc 9-1954 vì phải có mặt ở Hà Nội cho kịp thời gian khai mạc Đại hội văn công toàn quốc lần thứ nhất.

Hai bộ phận kịch bài chòi và ca múa nhạc đi sau vì còn phải bổ sung lực lượng. Chuyến tàu này cập bến Quý Cao (Thái Bình) vì gặp sóng gió không cập cảng Sầm Sơn được.

Về Hà Nội nghỉ ngơi vài tuần để lấy lại sức, tất cả chúng tôi đều phải tập trung ở Chèm (ngoại thành Hà Nội) học chính trị.

Sau hai tuần học, cả ba bộ phận đều nhận lệnh xuất quân xuống tàu trở về Quy Nhơn cùng mười đoàn văn công bạn như Đoàn kịch nói trung ương (cụ Thế Lữ, bà Song Kim, anh Đào Mộng Long, chị Trúc Quỳnh... đều có mặt trong chuyến này), Đoàn văn công Nam bộ (gồm cải lương, kịch nói, ca múa nhạc, nghệ sĩ Tám Danh, Ba Du, Nguyễn Ngọc Bạch, Quốc Hương... cũng đi chuyến này), Đoàn ca múa nhạc trung ương (gần 100 người), Đoàn múa rối và một số đơn vị nghệ thuật khác nữa...

Một đội quân nghệ thuật rất hùng hậu cùng tập trung biểu diễn phục vụ đồng bào ở khu vực tập kết 300 ngày từ nam sông Vệ đến Quy Nhơn rồi rút quân ra Bắc bằng chuyến tàu chuyển quân cuối cùng ngày 16-5-1955.

Đêm nào cũng diễn theo từng cụm dân cư, người xem đông nghịt, đi xem văn công lúc này đồng nghĩa với việc chia tay tiễn biệt nhau...

Cũng có thể nói đó là một đợt biểu diễn với qui mô chưa từng có và ắt hẳn không khí ấy không bao giờ gặp lại.

Một trong những buổi nói chuyện về Hiệp định Genève, chúng tôi diễn một vở kịch vui ngắn, lấy tên là vở Trương Phi thắc mắc:

Anh Khánh cao, cao đến 1,8m (thân sinh nghệ sĩ Trà Giang) đóng vai vợ Trương Phi. Anh Cá, diễn viên tuồng cao 1,6m, đóng vai Trương Phi.

Trương Phi đòi phải tiếp tục kháng chiến vì đã thắng ở Điện Biên Phủ, Tây nguyên... không chịu tập kết ra Bắc. Vợ Trương Phi khuyên chồng phải bình tâm. Bác Hồ và trung ương đã chủ trương như vậy thì chắc chủ trương ấy đúng, Trương Phi vẫn không nghe.

Thế là Khổng Minh do tôi đóng vai xuất hiện, giải thích đầy đủ và Trương Phi hiểu rõ tình thế, xin chấp hành lệnh tập kết.

Tất nhiên đây là vở kịch vui, diễn cương nhưng được khán giả vỗ tay nhiệt tình tán thưởng. Không khí rộn rã, vui vẻ, nỗi buồn chia ly cũng nhờ vậy mà dịu đi, hai năm xa cách cũng thấy như gần lại...

Bàn giao Quy Nhơn

Ông Nguyễn Chánh trở lại Khu V trong đoàn đại biểu của trung ương, gặp một số cán bộ hiện còn ở Quy Nhơn nói chuyện tình hình.

Ông nói với chúng tôi: “Tôi nghe trước đây các anh đã bàn nhau và giữ một số văn nghệ sĩ ở lại, đổi tên, đổi vùng để hoạt động công khai, chẳng hạn anh Hoàng Châu Ký vào Nha Trang, đổi tên mở một nhà xuất bản. Các bạn thật là lãng mạn, coi kẻ thù như trẻ con.

Tổ chức khu ủy không duyệt phương án này là đúng. Chúng ta đương sắp xếp để bàn giao Quy Nhơn rồi xuống tàu đi ra miền Bắc. Nhưng chúng ta vẫn đề phòng khả năng địch kiếm cách chần chừ không bàn giao Hải Phòng cho ta thì ta cũng không bàn giao Quy Nhơn cho họ.

Nếu kẻ địch vây Quy Nhơn thì ta cũng quyết mở một con đường máu đánh ra... Cuộc đấu tranh giữa ta và địch còn dài lâu, phức tạp”.

Buổi nói chuyện của ông Chánh nghiêm khắc và cởi mở ấy đã giúp nhiều cho anh em về tư tưởng.

Tôi là ủy viên ban công tác bàn giao Quy Nhơn cho đối phương. Tôi phụ trách bàn giao mảng công tác văn hóa, nhân danh các cơ quan văn hóa - văn nghệ cấp khu. Đại diện của đối phương đến tiếp quản là ông Đoàn Nê.

Chúng tôi đã thảo sẵn văn bản bàn giao trong đó có bảng kê các vật liệu, tài liệu để bàn giao. Ông Đoàn Nê đọc xong tỏ lời cảm ơn nhưng không chịu nhận những tài liệu, sách báo, biểu ngữ của ta, nói rất lịch sự rằng: “Chúng tôi nhận những vật này rồi chỉ để thủ tiêu, lãng phí”. Tôi vận dụng các điều khoản trong Hiệp định Genève.

Giữa buổi ông ta đồng ý nhận hai máy chữ và hai chiếc xe đạp của hội văn nghệ, còn những tư liệu, sách báo thì không nhận. Chúng tôi cứ vin vào Hiệp định Genève để buộc ông ta phải nhận. Chỉ như thế mà đấu tranh với nhau mất trọn một buổi.

Thời gian này tôi có sáng tác hò vè, bí mật gửi ra Quảng Nam. Bài sau đây có được đưa ra hát chèo đò dọc trên sông Thu Bồn vài ba lần:

Nước sông con chảy về sông cáiAnh trai Thu Bồn, em gái Hà NhaChiều nay hò hẹn đôi taXuôi về một bến nước pha màu trờiChữ rằng thống nhất anh ơiHẹn trên sông biếc một lời sắt đinhĐã hết lửa binh, chúng mình vui sướngNở một nụ cười tin tưởng tương laiMái chèo nhịp nước khoan thaiBóng em in nước thành hai người chèo.

Để có được cái ngày xuôi về một bến ấy, cả dân tộc này đã nỗ lực chèo chống suốt 20 năm...

-------------------

* Kỳ tới: Một chuyến tàu bão táp

------------------

Tin, bài liên quan:

* Kỳ 4: Cà Mau: 200 ngày và 50 năm* Kỳ 3: Thời gian đệm - nhìn từ khoảng sâu ký ức* Kỳ 2: Đi và ở* Kỳ 1: Vì có lửa nên có khói

VŨ NGỌC LIỄN (Nhà nghiên cứu sân khấu - Bình Định)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên