07/09/2019 09:20 GMT+7

Quỹ khoa học hoạt động thế nào?

LÊ THANH - THANH HÀ
LÊ THANH - THANH HÀ

TTO - Nhiều nhà khoa học đang lo ngại nghiên cứu khoa học sẽ bị ảnh hưởng khi Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF) và Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) tới đây sẽ phải tự chủ tài chính.

Quỹ khoa học hoạt động thế nào? - Ảnh 1.

Văn phòng Quỹ NAFOSTED nằm khiêm tốn, đìu hiu trong tòa nhà của Bộ KHCN (39 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội) - Ảnh: NAM TRẦN

Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, Bộ Tài chính khẳng định ngân sách vẫn cấp tiền bình thường cho hai quỹ này. Tuổi Trẻ ghi nhận thêm một số ý kiến, kinh nghiệm để các quỹ này hoạt động hiệu quả hơn.

Vẫn chi nhưng có sự điều chỉnh

Trong báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính lý giải, qua rà soát, nhiệm vụ chi của Quỹ NAFOSTED trùng lặp với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, trong khi đó quỹ hoạt động hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước cấp. Hằng năm ngân sách nhà nước phải cấp bù 500 tỉ đồng vốn điều lệ.

Còn với Quỹ NATIF, sau 4 năm hoạt động quỹ chưa có khả năng tài chính độc lập, hằng năm vẫn sử dụng kinh phí từ "bầu sữa" ngân sách nhà nước cấp bù để có đủ số vốn điều lệ là 1.000 tỉ đồng. Thêm nữa, Bộ Tài chính cho biết theo quy định của Luật ngân sách nhà nước năm 2015, từ năm ngân sách 2017, ngân sách nhà nước sẽ không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính ngoài ngân sách.

Mới đây, tháng 8-2019, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa họp đánh giá hiệu quả các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước, trong đó có hai quỹ khoa học nói trên.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, thành viên đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội khẳng định không có đề xuất bỏ Quỹ NATIF và NAFOSTED. Vì ở quốc gia nào, ngân sách nhà nước luôn phải dành một phần chi cho các quỹ khoa học. Đối với Việt Nam, cần phải coi khoa học và công nghệ là yếu tố then chốt, hàng đầu để nâng cao năng suất, chất lượng, động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, qua giám sát, đoàn giám sát nhận thấy có một số bất cập trong cơ chế chi và có sự trùng lắp nhiệm vụ chi của hai quỹ với nhiệm vụ chi của ngân sách nên đề xuất xem xét nhập hai quỹ làm một và nhiệm vụ chi nào thuộc ngân sách thì để ngân sách chi.

Nhà khoa học không bị ảnh hưởng

Cơ chế tài chính của hai quỹ này tới đây sẽ hoạt động như thế nào? Ông Võ Thành Hưng - vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính - cho biết theo Luật ngân sách thì ngân sách không cấp cho các quỹ tài chính ngoài ngân sách nữa. Tuy nhiên, cơ chế cụ thể thế nào thì Quốc hội sẽ quyết. Song, ông Hưng nhấn mạnh các đối tượng thụ hưởng là những nhà khoa học sẽ không bị ảnh hưởng.

"Cách thức quản lý như thế nào thì phải bàn. Tiền ngân sách hằng năm chi cho khoa học công nghệ là 2% tổng chi ngân sách. Bản thân số tiền cấp ngân sách cho hai quỹ này chiếm một phần rất nhỏ trong tổng chi cho khoa học công nghệ hằng năm thôi" - ông Hưng cho hay.

Về cơ chế quản lý quỹ, theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn - thứ trưởng Bộ Tài chính, nhiều ý kiến đề nghị cần xem xét điều chỉnh để hoạt động hiệu quả hơn. Theo một lãnh đạo Bộ Tài chính, hai quỹ khoa học vẫn phải do Bộ KHCN quản lý, vì đây là bộ chuyên ngành, có thể đánh giá được hiệu quả khoa học của dự án, đề tài khoa học. Bộ đưa ra các tiêu chí và phải đấu thầu như thế nào là do Bộ KHCN đưa ra quy định.

Vị thành viên đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị thời gian tới cần đổi mới hoạt động của hai quỹ, hướng đến đảm bảo tính công khai, minh bạch. Việc đánh giá hiệu quả của quỹ cần hướng tới hiệu quả nguồn lực, đổi mới công nghệ và nguyên tắc đảm bảo quản lý chặt chẽ, có giải pháp hài hòa giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ.

Ngân sách nhà nước vẫn chi cho hai quỹ, không có chuyện hai quỹ này tự chủ về tài chính, nhưng cũng cần rà soát những nhiệm vụ của từng quỹ. Những sản phẩm khoa học mà Nhà nước đặt hàng thì ngân sách sẽ chi, lĩnh vực quản lý thuộc bộ nào thì bộ đó làm dự toán và ngân sách cấp tiền cho các bộ, ngành để chi bình thường như hiện nay. Còn những dự án, đề tài của các tổ chức, của các nhà khoa học nghiên cứu phục vụ sản xuất kinh doanh, đổi mới khoa học công nghệ thì quỹ sẽ tài trợ một phần hoặc toàn bộ".

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, thứ trưởng Bộ Tài chính

GS Vũ Hà Văn (giám đốc khoa học của Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn Vingroup):

Nếu để tàn lụi đi các quỹ như NAFOSTED hay NATIF thì rất phí phạm

Chia sẻ từ kinh nghiệm nhiều năm hoạt động nghiên cứu khoa học ở Mỹ, ở cả vai trò người đi nhận tài trợ và người xét cấp tài trợ từ các quỹ hỗ trợ nghiên cứu, tôi thấy nếu để tàn lụi đi các quỹ như NAFOSTED hay NATIF thì rất phí phạm. Vì như NAFOSTED khi thành lập được coi là một bước tiến trong chính sách dành cho nghiên cứu khoa học công nghệ ở Việt Nam.

Vì sao luôn cần các quỹ dành cho nghiên cứu khoa học do nhà nước đầu tư? Vì các quỹ của doanh nghiệp thường chỉ đầu tư cho những lĩnh vực nghiên cứu gắn với lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, tập trung vào những đề tài cụ thể, có tính ứng dụng cho hệ sinh thái của doanh nghiệp.

Còn quỹ của nhà nước sẽ hỗ trợ tất cả các lĩnh vực. Trong đó có những lĩnh vực mà nếu nhà nước không bỏ tiền ra thì sẽ không có ai bỏ tiền đầu tư nghiên cứu. Có những lĩnh vực mà hôm nay chúng ta chưa nhìn ra triển vọng áp dụng, ứng dụng nhưng đã phải đầu tư nghiên cứu chuẩn bị cho tương lai 10-20 năm nữa. Đó cũng chính là một đặc thù của khoa học, phải có tính dự báo, đón đầu. Nhà nước phải "bao" tất cả những lĩnh vực nghiên cứu, nếu không ai làm, không nghiên cứu, đến khi cần sẽ không có, không kịp.

Quỹ khoa học các nước hoạt động ra sao?

Hiện có trên 60 quốc gia thành lập các quỹ đổi mới công nghệ (quỹ đổi mới sáng tạo, quỹ công nghệ quốc gia, quỹ công nghệ... - mô hình tương tự NAFOSTED và NATIF). Đối với các nước đang phát triển, quỹ đổi mới công nghệ giữ vai trò nòng cốt trong cả quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đổi mới mô hình tăng trưởng của quốc gia (Việt Nam thuộc khối các nước có trình độ công nghệ và năng lực hấp thụ công nghệ ở mức thấp - xếp hạng dưới 90).

Hàn Quốc

Những năm 1960, trình độ công nghệ của Hàn Quốc được đánh giá là thấp, lạc hậu nhưng năng lực hấp thụ công nghệ được đánh giá là tốt. Năm 1973, Chính phủ Hàn Quốc thành lập Quỹ công nghệ (KOTEC) nhằm tài trợ cho hoạt động tìm kiếm, giải mã, làm chủ công nghệ mới. Vốn điều lệ của quỹ là 50 triệu USD (tăng lên 100 triệu USD năm 1983 và 500 triệu USD năm 1989). Ngân sách nhà nước chi trả toàn bộ các chi phí hoạt động của quỹ.

Tính đến năm 2014, Quỹ KOTEC đã quản lý và sử dụng gần 40 tỉ USD, tài trợ và bảo lãnh vay trên 600 tỉ USD, tạo ra lượng giá trị trên 9.000 tỉ USD và hàng triệu việc làm.

Malaysia

Malaysia là nước thứ 2 của Đông Nam Á vượt qua được bẫy thu nhập trung bình do thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa. Năm 1997, Malaysia thành lập Quỹ đổi mới sáng tạo (Malaysia Innovation Fund) với vốn điều lệ 100 triệu USD (tăng lên 300 triệu USD năm 2010) nhằm tài trợ cho các doanh nghiệp, viện trường đổi mới công nghệ và thương mại hóa công nghệ tiên tiến. Kinh phí hoạt động thường xuyên được ngân sách nhà nước đảm bảo.

Quỹ góp phần đưa Malaysia trở thành nước dẫn đầu trong khối Asean về công nghệ vi mạch, điện tử bán dẫn và cơ điện tử, vật liệu nano và bắt đầu hình thành nền công nghiệp công nghệ cao.

Trung Quốc

Năm 1993, Trung Quốc thành lập Quỹ công nghệ quốc gia, vốn điều lệ 100 triệu USD (tăng lên 500 triệu USD năm 2003) nhằm tài trợ và hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp có dự án đổi mới công nghệ.

Năm 1998, Trung Quốc cho phép các tỉnh, thành phố trực thuộc thành lập các quỹ công nghệ với vốn điều lệ 50 triệu USD/quỹ từ ngân sách địa phương. Đến năm 2010, 13 tỉnh, thành phố của Trung Quốc có quỹ công nghệ với tổng vốn điều lệ là 650 triệu USD. Hoạt động thường xuyên của tất cả các quỹ công nghệ được ngân sách nhà nước đảm bảo.

Thông qua 19 sàn giao dịch công nghệ, quỹ đã hỗ trợ các giao dịch công nghệ hằng năm có giá trị từ 26-78 tỉ USD, tạo ra hàng chục ngàn doanh nghiệp công nghệ, trong đó có các doanh nghiệp hàng tỉ USD như Levovo, Huawei, Xiaomi, ZTE, Legen, Toongfang, Baidu, Tencent... và tạo ra giá trị hàng chục ngàn tỉ USD.

​1.000 tỉ đồng cho Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia ​1.000 tỉ đồng cho Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia

TT - Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia ra mắt ngày 8-1 là một định chế tài chính mới, quan trọng của Nhà nước, của Chính phủ nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ của đất nước.

LÊ THANH - THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên