29/07/2021 19:03 GMT+7

Quy định hàng hóa thiết yếu vẫn làm khó doanh nghiệp, người dân

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TTO - Phải quy định hàng hóa thiết yếu dựa trên cả chuỗi giá trị chứ không chỉ khâu tiêu thụ. Bởi vì nếu không đảm bảo hàng hóa cho sản xuất lương thực thực phẩm đầu vào thì trong vài tháng nữa có thể thiếu hụt hàng hóa.

Đó là ý kiến được nhiều lãnh đạo ngành nông nghiệp các địa phương đưa ra tại diễn đàn "Kết nối cung cầu sản phẩm trồng trọt trong điều kiện giãn cách phòng, chống COVID-19" do Bộ NN&PTNT tổ chức chiều 29-7.

Vẫn khó ở khâu lưu thông hàng hóa

Quy định hàng hóa thiết yếu vẫn làm khó doanh nghiệp, người dân - Ảnh 1.

Dù có nhiều tháo gỡ nhưng quy định hàng hóa thiết yếu vẫn là rào cản lớn đối với tiêu thụ nông sản thực phẩm của người dân - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Huỳnh Quang Đức, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, cho biết hiện tỉnh này đang tồn 1.400 tấn nhãn, ngoài ra còn lượng khá lớn dưa hấu và rau màu. Do các tỉnh đồng loạt thắt chặt vận chuyển nên rất khó khăn trong vận chuyển và tiêu thụ hàng hóa. Đáng lo nhất là mặt hàng dừa 2 tháng nữa thu hoạch rộ, trong khi ngành này đòi hỏi lao động lâu năm kinh nghiệm nên khó tổ chức.

Đại diện của Bến Tre cho rằng cần có đánh giá lại về các mặt hàng thiết yếu, không chỉ tập trung vào người tiêu thụ nữa mà phải chú trọng đến cả khối sản xuất. “Không uống cà phê không sao nhưng người sản xuất cà phê có thể 'chết'”, ông Đức nói.

Theo ông Trương Kiến Thọ, phó giám đốc Sở NN&PTNT An Giang, tỉnh này cũng gặp khó khăn giống Long An, với vấn đề chủ yếu nằm ở quả chanh. Nguyên do là các thương lái thu mua chanh đều qua chợ đầu mối và bị ngưng trệ tại đó.

An Giang còn 140.000 ha lúa chưa thu hoạch, với sản lượng ước đạt 800.000 tấn là áp lực tiêu thụ rất lớn vì một số kho như Tổng công ty Lương thực lại giảm sức mua. Điều này khiến thương lái tạm ngưng việc thu mua. Hơn nữa, do yêu cầu sản xuất 3 tại chỗ khiến công nhân ngại đi làm, khiến nhà máy xay xát khó hoạt động, và không thể dự trữ.

Ông Thọ cho rằng, Bộ NN&PTNT cần kiến nghị Thủ tướng đưa hoạt động sản xuất nông nghiệp là thiết yếu, cần được ưu tiên. Một số nơi chưa đánh giá đúng mức độ của hoạt động này dẫn tới việc vận chuyển vật tư nông nghiệp khó khăn, nông dân xuống giống chậm, nguy cơ gây mất an ninh lương thực.

Còn ông Nguyễn Chí Thiện, phó giám đốc Sở NN&PTNT Long An, cho biết mặt hàng chanh đang mùa thu hoạch với sản lượng mỗi ngày là 2.000 tấn. Ngoài ra, Long An cũng đang tìm nguồn tiêu thụ dưa lưới, rau má, thanh long, lúa nếp...

Về vấn đề vận chuyển, tỉnh Long An cho biết hiện một số nơi yêu cầu lái xe nông sản cần có QR Code "luồng xanh" và giấy xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, chở thanh long từ Long An ra tới Hà Nội thì thời hạn 3 ngày là không đủ. Do đó, Long An đề nghị Bộ GTVT công bố các điểm test nhanh dọc đường để lái xe chủ động.

Sẽ sớm có danh mục hàng hóa cấm lưu thông

Theo ông Võ Quan Huy, giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, thời gian qua các cơ quan chức năng đã quyết liệt trong phòng chống dịch bệnh, bước đầu ghi nhận kết quả. Nhưng trong số đó có những chỉ đạo quá tay, gây ra khó khăn không cần thiết.

Hiện nay, những nơi đến vụ thu hoạch như nhãn, chanh, lúa, sầu riêng đang bị ách tắc do đội ngũ thu hoạch bị đứt gãy vì yêu cầu công nhân chuyên biệt.

Quy định hàng hóa thiết yếu vẫn làm khó doanh nghiệp, người dân - Ảnh 2.

Nhiều địa phương và doanh nghiệp đề xuất sớm ban hành danh mục hàng cấm vận chuyển thay cho danh mục hàng hóa thiết yếu - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nếu không tập trung vào sản xuất mà chỉ quan tâm đến cung ứng thì chuỗi sẽ bị gián đoạn trong vòng 2 tháng tới.

Bà Phạm Thị Ngọc Hà, tổng giám đốc Công ty TNHH San Hà Foods, cho hay đang có tình trạng nghịch lý sản phẩm ở nông trại thì dư thừa, mà không cách nào đưa đến tay người tiêu dùng. Trong khi đó, cây trồng, vật nuôi có giới hạn nuôi trồng, không thể kéo dài mãi.

Bà Hà đề xuất đặt những điểm test nhanh trên các tuyến vận tải để giảm thời gian lưu thông hàng hóa.

Giải đáp một phần những kiến nghị trên, ông Trần Thanh Nam, thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết vừa có văn bản gửi các tỉnh về việc coi vật tư nông nghiệp (phân bón, giống cây trồng vật nuôi, thức ăn chăn nuôi…) là mặt hàng thiết yếu. Ngày 30-7, đoàn công tác 970 của Bộ NN&PTNT sẽ gửi thêm công văn nữa cho các tỉnh để sớm đưa lưu thông các loại hàng hóa này trở lại bình thường.

“Nhưng chủ động vẫn là sở nông nghiệp tại địa phương, sở có giấy giới thiệu, xác nhận cho đi thì các trạm ưu tiên cho đi. Nếu liệt kê từng mặt hàng thì nhiều quá. Nếu có giấy giới thiệu của sở nông nghiệp thì cho qua sẽ nhanh hơn”, ông Nam đề xuất với các địa phương.

Ông Phạm Anh Tuấn, thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, cho rằng khái niệm hàng thiết yếu kê ra không biết bao nhiêu mới đủ. Nên Bộ Thông tin và truyền thông đã phối hợp với Bộ Công thương thống nhất có văn bản báo Chính phủ ban hành danh mục hàng hóa cấm vận chuyển, còn lại là hàng hóa được lưu thông bình thường. “Hiện văn bản đề xuất này đã được gửi tới Thủ tướng chờ ký”, ông Tuấn cho biết.

NÓNG: Chính phủ gỡ lưu thông hàng hóa, không kiểm tra xe chở hàng có QR từ 0h ngày 30-7 NÓNG: Chính phủ gỡ lưu thông hàng hóa, không kiểm tra xe chở hàng có QR từ 0h ngày 30-7

TTO - Không kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch với xe có giấy nhận diện QR Code còn thời hạn do ngành giao thông vận tải cấp.

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên