Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện |
Luật biểu tình đã được Quốc hội quyết định đưa vào chương trình kỳ họp thứ 11 - tháng 3-2016.
Thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 17-2, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: tại phiên họp thường kỳ tháng 1-2016, Chính phủ đã thảo luận vấn đề này nhưng ý kiến của các thành viên Chính phủ còn rất khác nhau về nội dung dự thảo luật.
Để có thêm thời gian chuẩn bị, đảm bảo chất lượng dự luật khi trình ra Quốc hội, Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình dự án luật này.
Quyền biểu tình là quyền cơ bản của công dân, đã đề cập từ năm 1945 rồi, cứ lùi đi lùi lại mãi, bây giờ lùi đến bao giờ? Đây là vấn đề nếu chúng ta cứ lùi mãi thì hoàn toàn không có lợi về mặt chính trị” |
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp NGUYỄN VĂN HIỆN |
“Xin lùi là thiếu nghiêm túc”
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Tại sao cứ lùi đi lùi lại mãi, do làm không được hay không chịu làm? Chương trình là Quốc hội quyết định, Bộ Chính trị cũng đã quyết định đưa vào chương trình rồi nhưng Chính phủ cứ xin lùi mãi. Thường vụ Quốc hội không đồng ý với việc lùi.
Chính phủ chưa trình dự luật này ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chúng tôi đã biết nội dung như thế nào đâu mà bảo là cho lùi? Tôi cho rằng đây là việc làm thiếu nghiêm túc”.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, “quyền biểu tình là quyền cơ bản của công dân, đã đề cập từ năm 1945 rồi, cứ lùi đi lùi lại mãi, bây giờ lùi đến bao giờ? Đây là vấn đề nếu chúng ta cứ lùi mãi thì hoàn toàn không có lợi về mặt chính trị”.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng: “Hiện nay, văn bản pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này chỉ có nghị định 38.
Nhưng nếu tiếp tục áp dụng nghị định này là trái Hiến pháp bởi Hiến pháp đã quy định quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế bởi luật”.
Ông Khoa cũng phê phán quan điểm lo ngại việc ban hành Luật biểu tình là đổi mới chính trị. “Tôi cho rằng đây là luật để đảm bảo quyền con người, quyền công dân chứ không phải để đổi mới chính trị.
Có ý kiến nói rằng để khi nào tình hình an ninh trật tự đảm bảo ổn định thì mới làm luật này, tôi thấy ý kiến như vậy là không đúng bởi chúng ta làm luật này để đảm bảo an ninh trật tự” - ông Khoa nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp lời: “Tại sao chúng ta lại nói dễ dàng về những văn bản pháp luật trái Hiến pháp như vậy. Tôi đề nghị Ủy ban Pháp luật, các ủy ban rà soát, những văn bản trái pháp luật thì phải trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đình chỉ, bãi bỏ ngay”.
Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ trình dự án Luật biểu tình lên Quốc hội theo đúng chương trình đã được quyết định.
“Chắc là Chính phủ sẽ trình”
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ chiều qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nói rằng việc đề xuất lùi thời hạn trình dự án Luật biểu tình là quan điểm của Chính phủ.
“Tôi sẽ báo cáo lại với Chính phủ để Chính phủ tiếp tục thảo luận, quyết định. Chắc là Chính phủ sẽ trình bởi đến nay cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Công an đã có dự thảo luật, đưa ra Chính phủ thảo luận thì ý kiến cũng 50/50” - ông Cường cho biết.
Quan điểm của cá nhân ông Cường là nên trình dự án luật lên Quốc hội để đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến rồi sau đó ban soạn thảo tiếp thu chỉnh lý, bổ sung.
Trong nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã công khai đề xuất xây dựng Luật biểu tình, coi đây là một trong những đòi hỏi bức xúc của xã hội, đồng thời để đảm bảo quyền con người, quyền công dân được hiến định.
Cách đây hơn một năm, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 12-2014, một số thành viên Chính phủ đề nghị rút dự án Luật biểu tình ra khỏi chương trình nghị sự của Quốc hội nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không đồng tình.
Ông đã yêu cầu Bộ Công an sớm nghiên cứu, xây dựng dự án luật này để trình Quốc hội.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh trình dự án Luật hành chính công Đây là lần đầu tiên cá nhân đại biểu Quốc hội thể hiện sáng kiến lập pháp bằng một sản phẩm đầy đủ hồ sơ, dự thảo luật trình lên phiên họp chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. “Việc xây dựng Luật hành chính công trong thời điểm hiện nay là hết sức cấp thiết, góp phần khắc phục những bất cập trong xây dựng và thực hiện thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh về môi trường kinh doanh, tạo sự chuyển biến tích cực trong quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh, dịch vụ, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế” - đại biểu Trần Thị Quốc Khánh trình bày. Việc làm của bà Khánh đã nhận được sự đồng tình của thường trực Ủy ban Pháp luật. “Đây là sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội và đã được đề xuất từ năm 2013, đại biểu đã có một quá trình chuẩn bị rất công phu với sự tham gia đóng góp của nhiều chuyên gia, sự hỗ trợ của Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp. Dự thảo luật đã được đưa ra xin ý kiến tại nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học...” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết. Nguyện vọng của đại biểu Khánh là được trình dự án luật này ngay tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội (tháng 3-2016). Tuy nhiên qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định cần thời gian nghiên cứu thêm, rà soát các luật liên quan, lấy ý kiến Chính phủ, đảm bảo chất lượng dự thảo trước khi trình Quốc hội. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận