Phóng to |
Đức vua Norodom Sihamoni (áo đen) và các thành viên Đảng CPP chụp ảnh lưu niệm trong cuộc họp quốc hội mới đầu tiên sáng 23-9 - Ảnh: Reuters |
CTV Tuổi Trẻ từ Phnom Penh cho biết an ninh được thắt chặt tại các khu vực xung quanh quốc hội và nhiều cơ quan nhà nước. Nhiều toán cảnh sát và quân cảnh trấn giữ các điểm trọng yếu ở thủ đô, nhiều con đường có rào chắn dây thép gai dựng lên, đề phòng mọi tình huống xấu nhất xảy ra.
Cuộc họp được tiến hành theo quy định của hiến pháp vương quốc là sau 60 ngày kể từ ngày bỏ phiếu quốc hội phải họp phiên đầu tiên. Tuy nhiên, trong nghị trường quốc hội chỉ có 68 tân nghị sĩ của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền tham dự dưới sự điều khiển của nghị sĩ cao niên nhất là ông Heng Samrin, chủ tịch quốc hội khóa V, chủ tịch danh dự Đảng CPP.
55 ghế còn lại bị bỏ trống do Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) đối lập tẩy chay cuộc họp để phản đối kết quả bầu cử mà theo họ là có gian lận.
Dù vậy, chương trình nghị sự của cuộc họp vẫn như thường lệ. Buổi chiều cùng ngày các nghị sĩ vào hoàng cung dự lễ tuyên thệ trước Quốc vương Sihamoni và tiếp nhận tư cách miễn trừ của một nghị sĩ. Sang ngày 24-9, quốc hội sẽ bầu bộ máy lãnh đạo và thông qua thành phần nội các chính phủ nhiệm kỳ V.
Trao đổi với CTV Tuổi Trẻ chiều 22-9, quốc vụ khanh nhà nước Phay Siphan, người phát ngôn Chính phủ Campuchia, nói: “Không có gì có thể cản trở cuộc họp đầu tiên của Quốc hội khóa V. Mọi việc đã đi đúng trình tự hiến pháp, tôn trọng ý nguyện của cử tri, tuân theo ý chỉ của quốc vương. Việc phe đối lập tẩy chay cuộc họp là điều không bình thường. Họ phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, đất nước về quyết định của mình. Hành động của họ chỉ có hại cho sự hòa hợp, đoàn kết dân tộc, ảnh hưởng đến quyền lợi tối thượng của nhân dân, gây hình ảnh xấu cho đất nước”.
Theo tu chính Hiến pháp năm 2006, một đảng chỉ cần giành một đa số thường (50%+1) trong quốc hội mới sẽ có quyền thành lập chính phủ mới. Do đó, chắc chắn ông Hun Sen, phó chủ tịch CPP, vốn liên tục đứng đầu cơ quan hành pháp tối cao Campuchia từ năm 1985 đến nay, sẽ tiếp tục giữ trọng trách thủ tướng thêm một nhiệm kỳ đến năm 2018.
Cho đến lúc này phe đối lập vẫn chưa chính thức tuyên bố từ bỏ ghế trong quốc hội, nên theo quy định của hiến pháp, 55 ghế của họ vẫn còn bỏ ngỏ. Nếu phe đối lập vẫn tiếp tục đấu tranh thông qua nghị trường, sớm hay muộn họ phải tham gia quốc hội nhưng sẽ mất vai trò tham gia lãnh đạo cơ quan luật pháp tối cao. |
Phe đối lập trước nay vẫn phản đối cuộc bỏ phiếu, đòi thành lập một ủy ban đặc biệt có sự tham gia của Liên Hiệp Quốc để điều tra vi phạm bầu cử. Quốc vương Sihamoni, với tư cách được hiến định là biểu tượng của sự đoàn kết quốc gia, ra chiếu chỉ để lãnh đạo hai đảng gặp nhau tại hoàng cung dưới sự chủ trì của ông nhưng tình trạng bất đồng giữa hai bên vẫn chưa tháo gỡ được.
Theo tiết lộ của một số nguồn tin cậy, thủ lĩnh đảng đối lập Sam Rainsy đã không còn tự coi mình là người chiến thắng mà cho rằng trong cuộc chạy đua vừa qua, cả hai đảng đều “cùng thắng” và nay hai bên cần phải “cân bằng quyền lực” bằng cách để đảng đối lập kiểm soát quốc hội còn Đảng CPP của ông Hun Sen nắm cơ quan hành pháp, tức chính phủ hoàng gia. CPP dĩ nhiên không đồng ý điều này.
Với hành động tẩy chay phiên họp đầu tiên của quốc hội, đảng đối lập mất cơ hội tham gia cơ chế lãnh đạo của cơ quan hành pháp tối cao để trở thành một đối lập mạnh trong quốc hội mới.
Quốc vụ khanh nhà nước Phay Siphan cho biết CPP đã chuẩn bị một chương trình cải cách sâu rộng, nhằm tăng thêm hiệu lực quản lý và điều hành đất nước cho chính phủ trong nhiệm kỳ mới.
Trong khi đó thủ lĩnh đối lập Sam Rainsy cho biết trên trang mạng cá nhân của mình rằng tất cả nghị sĩ đối lập đã tuyên thệ trước tượng Vua Jayavrman 7 là sẽ hi sinh thân mình vì đất nước, không phản bội tổ quốc Campuchia, kiên quyết không phản lại ý chí của nhân dân, đấu tranh không khoan nhượng với độc tài, tham nhũng, bạo lực và bất công xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận