Trong lĩnh vực làm đẹp, cánh đàn ông là kẻ đến sau nhưng lại rất khờ khạo. Các chủ thẩm mỹ viện biết thóp họ thiếu kiên nhẫn, ngại mặc cả, mù mờ về kem dưỡng da, về bột ngọc trai, về dầu ô liu nên thỏa sức bịp.
![]() |
Thực chất của “tắm trắng siêu tốc đặc biệt dành cho phái nam” chỉ là công thức của phái nữ pha thêm chất tẩy mạnh pha oxy. Do vậy người tắm cứ có cảm giác ngứa và bị vàng lông. Còn kem duy trì làn da đa số xuất xứ từ Trung Quốc. Ấy vậy mà các quí ông phải móc hầu bao gấp đôi chị em mới đau chứ. Riêng những vị thuốc bắc cũng chả hơn gì. Tại spa, nhân viên bôi một lớp sền sệt (có trời mới biết gồm những thảo dược gì) lên người rồi xoa xoa trong vòng 15 phút. Tiếp đó là tắm nước... lạnh là xong. Đơn giản vậy mà toi 1,5 triệu, trong khi hỗn hợp tẩy trắng và bịch thuốc bắc chỉ đáng giá vài chục ngàn. Đa số quí ông tìm đến dịch vụ làm đẹp một cách lén lút nên khi kết quả không được như ý cũng không dám tố khổ, chỉ ngậm quả đắng, thế nên các cơ sở dịch vụ vẫn cứ còn cơ hội làm tiền.
Đổi mới bằng kéo
Chuyện vợ chồng lục đục, làm ăn không khá, công danh chậm tiến kể cả chậm kiếm được chồng đều được bà C. - một bà thầy có tiếng ở Q.5, TP.HCM - cho rằng tại sự phá tướng. Đó là tại: cái “mũi hất ra của”, “mùi nghèo mạt rệp” hoặc “mắt khổ vì tình”, “chân mày dị tướng”... Với tâm lý vừa được làm đẹp vừa được đổi đời, nhiều chị em đã nhờ bà tư vấn. Nói chung, kiểu gì cũng phải đi sửa gấp nếu muốn đổi đời. Được cái, chuyện cải số mạng cũng đơn giản, bởi phòng giải phẫu của bác sĩ thẩm mỹ nằm ngay lầu trên. Giá cả cũng phải chăng, chỉ 9-11 triệu cho việc sửa mũi.
Theo lời bà C., nhiều nghệ sĩ nhờ sửa tướng ở đây mà trở thành nổi tiếng, sự nghiệp đi lên như diều gặp gió. Thực tế các thân chủ là nghệ sĩ bị ế show thường tìm đến bà L., một diễn viên kiêm chuyên gia tướng số ở Q.8. Rất nhiều người tin vào lời chém gió mà chẳng biết rằng bà là “cò” của một bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ ở một bệnh viện lớn. Sau giải phẫu, phần lớn các hi vọng đổi đời vẫn chỉ là hi vọng. Chị H. (Q.3) chờ mãi mà chẳng thấy bóng người yêu, trong khi cái mũi càng ngày ửng đỏ khó chịu. Ngược lại, đang yêu thì chị Q. (Gò Vấp) suýt bị chồng bỏ vì khuôn mặt trở thành dị hợm sau 4 lần sửa tướng. Nhờ sự than khóc năn nỉ và nhờ hai gia đình can thiệp nên đời mới không bị đổi!
Bùa “điên”
Trong đời sống, các loại bằng cấp là để công nhận chủ nhân của chúng đạt một trình độ nào đó trong lĩnh vực nào đó. Với tư tưởng luôn trọng bằng cấp như hiện nay thì xã hội đã đẻ ra hàng vạn loại hình. Tuy nhiên có một loại bằng đặc biệt, cấp cho đối tượng đặc biệt rất ít người biết tới. Đó là “bằng điên”, nói theo thông thường thì đó là bằng chứng nhận bị bệnh tâm thần. Còn đối tượng đặc biệt chính là các trùm xã hội đen, các thành phần bất hảo cộm cán, có “số má”. Các đối tượng này thừa hiểu với những hoạt động bất hợp pháp, tất yếu ngày nào đó chúng sẽ phải xộ khám. Bởi thế, kiếm tấm “bằng điên” lận sẵn trong lưng, lúc nguy có cái chìa ra, đảm bảo vô tư đi! Để đạt chuẩn... điên, đủ điều kiện được nhận vào Bệnh viện Tâm thần (Hà Nội) “con bệnh” phải tập trước các hành vi ngây ngô, sự nói năng lảm nhảm theo kịch bản.
Điều quan trọng nữa, nhất thiết là phải được người nhà “áp tải” đưa vào bệnh viện khám. Làm xong thủ tục nhập viện và được khoác lên người bộ đồ đặc trưng là coi như thành công một nửa. Mấy tháng tiếp theo, đối tượng phải hòa mình với các người điên và thể hiện vai diễn của mình sao cho giống thực tế. Càng diễn xuất tốt bao nhiêu, càng dễ lọt qua 2 kỳ sát hạch bấy nhiêu. Qua được ải này, các “đại ca giang hồ” sẽ đủ tiêu chuẩn được cấp “bằng điên”, thế là việc sắm bùa hộ mệnh hoàn tất. Gọi nó là bùa hộ mệnh không sai chút nào, không tin thì cứ điểm mặt những trường hợp thoát nạn ngoạn mục của các đàn anh giang hồ Hải Phòng thì rõ. Đó là các trùm Tuấn “tượng”, Tộ “tích”, Dũng “tình”... tất cả đều thoát án tử hình vào phút 89 nhờ có “bằng điên”. Đúng là trên cả tuyệt vời, “bằng điên” rõ là đáng đồng tiền bát gạo thật.
![]() |
Ép rùa quá đáng
Lâu nay cái tật khoa trương, háo danh luôn tồn tại trong đời sống người Việt. Mỗi khi có sự kiện phong tặng danh hiệu, kể cả xứng tầm hay chưa xứng tầm, đều trở thành dịp hoan hỉ của đám đông. Từ truyền thống đó, có một tiến sĩ đang vận động để phong tặng danh hiệu “bảo vật quốc gia” cho rùa Hồ Gươm. Giờ đây mọi học sinh cấp trung học đều hiểu rằng chuyện trả kiếm ở Hồ Gươm là truyền thuyết mang tính huyền thoại. Còn các nhà hoa học khẳng định rùa hiện tại ở hồ không liên quan trực tiếp với Lê Lợi và rùa Hồ Gươm chỉ mang ý nghĩa biểu tượng văn hóa. Mặt khác, để trở thành bảo vật quốc gia phải lập hồ sơ để Hội đồng Di sản quốc gia xem xét. Thế nhưng về mặt khoa học không thể đồng nhất huyền thoại với lịch sử, cho nên việc hoàn chỉnh hồ sơ là bất khả thi. Mặc dù có tật háo danh nhiều người cũng phải thừa nhận ý kiến: Thôi thì cứ đưa cụ vào sách đỏ để người dân có ý thức bảo vệ, chứ ép danh quá đáng dễ trở thành trò cười!
Hôn môi xa
Ở TP.HCM bây giờ cứ ra ngõ là gặp Trung tâm ngoại ngữ (TTNN), thậm chí nhiều nơi chỉ cách khoảng 50m lại có một trung tâm. Với hơn 400 cơ sở thì thành phố đang bị bão hòa, vậy mà hàng năm vẫn có trên 40 TTNN nữa ra đời. Tình trạng trường ế khiến các TT phải tìm đủ cách thu hút người học, trong đó chiêu cổ điển nhất nhưng hiệu quả nhất vẫn là giảm học phí, tặng học bổng. Quảng cáo trưng ra đủ loại “học bổng bạc”, “học bổng vàng”, “học bổng kim cương”. Trước kia, phải đăng ký học mới được nhận học bổng, nhưng giờ đây thì không có mặt cũng được tặng học bổng.
Đây là phương châm tiếp thị kiểu “hôn môi xa”. Như chị P. (Q.9) có con đang học trường tiểu học cơ sở, bỗng dưng một hôm về khoe với mẹ là nhận được học bổng ngoại ngữ trị giá 1,5 triệu. Nhưng chưa kịp ngạc nhiên thì nhận được điện thoại của TTNN hối thúc “đưa cháu đến kiểm tra xếp lớp”. Sau cuộc tiếp xúc sơ sơ, giáo viên nức nở khen trình độ tiếng Anh của trẻ rồi động viên chị đóng học phí. Có 6 triệu đồng cho hai tháng rưỡi học, trừ “bổng” đi chỉ phải đóng 4,5 triệu thôi! Biết con mình không theo kịp giáo trình và túi tiền không theo kịp mức phí, chị P. tìm kế hoãn binh. Thế là những ngày sau, TT liên tục điện thoại để... khen con và giục mẹ. Thực ra, miếng mồi học bổng chỉ để cho oai, bởi các học viên đều được giảm học phí 1,5 triệu. Có những TT còn trương băng rôn cực sốc “giảm 70% học phí nếu đóng trước cho 3 năm học”. Nhiều người tưởng bở mà không biết rằng đây là cái ách, đã choàng vào thì khó gỡ ra. Thứ nhất, chắc gì ta theo được suốt 3 năm. Thứ hai, khi nhận ra nơi này dạy dở, thì sự đã rồi. Cuối cùng, các trung tâm thường thay đổi chỗ dạy, lắm khi quá xa nhà. Thế là đành ngậm ngùi “hôn môi xa” món tiền đã đóng.
Quá khẩu thành tàn
Theo dân gian truyền tụng, thịt bìm bịp có tác dụng chữa chứng đau lưng, tê thấp, suy nhược cơ thể. Đặc biệt bìm bịp ngâm rượu rất công hiệu về khoản bổ thận tráng dương. Điều này khiến các quí ông sùng bái bìm bịp, suy tôn chúng lên làm vị thuốc thần. Chính vì thế bìm bịp đang bị săn lùng ráo riết, có nguy cơ tuyệt chủng mặc dù trước đây giống chim này có rất nhiều ở miền Tây. Để bẫy bìm bịp, người ta dùng lồng đặt sát mặt đất, gần những bụi rậm cạnh đầm hồ. Ngoài việc gài mồi, người ta hay dùng bìm bịp cái dẫn dụ con đực. Nghe tiếng chim cái kêu, con đực tìm đến lớ ngớ là sập bẫy và cuối cùng nằm gọn trong bình rượu của quí ông. Ác độc hơn, người ta còn tìm đến tổ chúng để bẻ gãy chân chim non. Theo lời đồn đại, thấy chân chim con bị thương, lập tức chim mẹ đi tìm bằng được loại lá cây thuốc về đắp. Lúc đó người rình chỉ việc chộp lấy loại thuốc đặc biệt đó đem về dùng. Do nhu cầu tiêu thụ cao nên hiện giá bìm bịp ở miền Tây khoảng 100.000-150.000đ/con, còn tại TP.HCM giá được đẩy lên gấp đôi. Ngày nay tiếng bìm bịp kêu chiều đang bặt dần bởi sự quá khẩu thành tàn!
Đánh đề với bà Hỏa
Giữa lúc các thân nhân gia đình số nhà 114 Âu Cơ (Tây Hồ, Hà Nội) buồn nẫu cả ruột vì nhà cửa phút chốc ra tro thì một số người lại hoan hỉ ra mặt. Không phải họ nhẫn tâm, họ vui là vì trúng đề nhờ ăn theo bà Hỏa.
Theo lời đồn đại, hôm đó người trúng ít thì được vài triệu đồng, người nhiều được vài chục triệu, thậm chí nghe đâu có người còn trúng cả tỉ. Con phố chưa hết xôn xao về chuyện hỏa hoạn thì lại nhộn nhạo về trúng đề, trúng mánh. Thực hư chả biết thế nào nhưng quả là hôm xảy ra vụ cháy căn 114 thì 2 số cuối của giải sổ số đặc biệt đúng là 14 thật (số ĐB là 83014). Một sự trùng hợp khác, số điện thoại cứu hỏa cũng là 114. Thực ra, đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng với dân chơi đề thì ở đây phải có sự liên hệ tâm linh nào đó... Có điều dân đề không nghĩ rằng hành vi đánh đề là phạm pháp, dù chỉ chơi 50.000đ. Nhiều người cứ nghĩ: Chơi từ 2 triệu trở lên mới phạm Luật Hình sự, nhưng luật sư cho biết với tỉ lệ 1 ăn 70 thì tiền đánh bạc khi ấy không phải là 50.000đ mà qui thành 355.000đ (50.000x70.000+50.000 vốn). Sơ sẩy là chết như chơi, các anh giai đừng có mà vội mừng nhé.
Tuổi Trẻ Cười số 474 ra ngày 15/04/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận