Phóng to |
Cây hoa sữa đang bị người dân Tam Kỳ chặt bỏ vì không chịu nổi mùi của nó. |
Hoa sữa khắp chợ cùng quê
Hầu như đường phố nào mới mở của TP Đà Nẵng cũng trồng hoa sữa, nhưng nhiều nhất vẫn là các tuyến phố chính như Nguyễn Văn Linh, Trường Chinh, Đống Đa, Trần Cao Vân... với mật độ khá dày (cách 5m/cây). Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn TP Đà Nẵng đã có hơn 1.000 cây hoa sữa từ 2-7 năm tuổi. Trong đó tập trung ở hai quận Hải Châu, Thanh Khê. Mùa thu về, hoa sữa nở bung trên các đường phố. Mùi thơm của hoa sữa trong buổi sáng còn dễ chịu, nhưng về chiều thì nồng và càng về khuya thì càng trở nên đậm đặc và gây khó thở.
Dù đang mùa hoa sữa nở, nhưng các ngôi nhà mặt tiền ở những tuyến phố này vẫn cửa đóng then cài vì không chịu nổi mùi nồng nặc tỏa khắp không gian. Bịt chiếc khẩu trang gần kín mặt, bà Nguyễn Thị Mai - nhà số 263 Trần Cao Vân, Đà Nẵng - thận trọng từng bước dẫn chúng tôi ra phía bancông ở tầng hai. Hai cây hoa sữa đang mùa trổ hoa che kín mặt tiền ngôi nhà đang được phủ một lớp bạt nilông nhưng mùi vẫn tỏa nồng nặc. Bà Mai phân bua: không phủ bạt che bớt thì không ai chịu nổi mùi của nó.
Không chỉ có nhà bà Mai, hầu hết những ngôi nhà ở dọc hai bên đường Trần Cao Vân, Đống Đa, Nguyễn Văn Linh, Trường Chinh... đều phải tự tìm mọi cách để hạn chế mùi thơm hoa sữa ở hai bên đường. Có người thừa lúc tối trời leo lên chặt bớt cành, hoặc dùng lưỡi hái tỉa bớt hoa. Ông Trần Ban - nhà số 75 Đống Đa - bộc bạch: “Từ ba năm nay hễ đến mùa hoa sữa nở là cả nhà tôi không dám mở cửa ban đêm. Ban ngày đi vắng đóng cửa đã đành, ban đêm ở nhà cũng phải đóng chặt các cửa ra vào lẫn cửa sổ để tránh mùi”.
Bà Hồ Thị Thanh Lâm - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhà ở đường Huỳnh Thúc Kháng, Tam Kỳ - cho biết bà cũng như nhiều người dân trong khu phố muốn chặt bỏ hoàn toàn cây hoa sữa để trồng lại cây khác. Còn trưởng Phòng Quản lý đô thị Tam Kỳ Đặng Bá Dự khẳng định: mùi hoa sữa quả là khó chịu, nên chặt bỏ, nhưng đây là vấn đề “nhạy cảm”. |
Tại thị xã Tam Kỳ đã hơn năm năm nay, hàng nghìn người dân và hành khách đi qua đường Huỳnh Thúc Kháng đều luôn miệng kêu trời mỗi khi hoa sữa trổ bông. Để chung sống với mùi hoa sữa, người dân sống dọc hai bên đường đành phải đeo khẩu trang suốt ngày hoặc đóng kín cửa nhà để tránh mùi thơm bất đắc dĩ mà họ đã phải gánh chịu mỗi khi trời trở gió heo may.
Nhưng hoa sữa không chỉ được trồng ở các đô thị. Dọc tỉnh lộ 607 từ Hội An về Đà Nẵng qua các xã Điện Nam, Điện Dương, Điện Ngọc, Hòa Hải, Hòa Quý... điều dễ nhận thấy là các khu vườn trước nhà của nhiều hộ dân xuất hiện rất nhiều cây hoa sữa. Hai bên đường vào Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc cũng được trồng toàn hoa sữa. Và mùi của hoa khiến cho nhiều công nhân nữ vào giờ tan ca buổi chiều thường chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn.
Khổ vì hoa sữa
Đứng bên vệ đường Huỳnh Thúc Kháng (Tam Kỳ), bác Trần Văn Bốn đạp xe ba gác thở than: “Ngồi lâu thì nhức đầu, mỗi lần chạy chở hàng về, mệt xì hơi lỗ tai, lại thêm mùi hoa sữa nồng nặc, có lúc tui muốn xỉu...”. Hôm nào đạp nhiều thấm mệt, bác Bốn không dám đạp xe về nhà qua đoạn đường hoa sữa, mà đạp xe đi loanh quanh, chờ đến khoảng 9-10 giờ đêm mới vòng qua đường Trần Cao Vân gửi nhờ xe nhà bà con, rồi cẩn thận đeo khẩu trang mới dám về nhà.
Nhiều chuyện bi hài đã từng xảy ra ở con đường có gần 300 cây hoa sữa này. Đó là chuyện hiệu thuốc bắc của lương y Trần Văn Thu luôn ế ẩm bởi con bệnh không dám đến bắt mạch, kê đơn cắt thuốc vào những tháng hoa sữa nở. Còn ông thì nhức đầu, nghẹt thở đành phải đóng cửa nằm nhà chờ cho hoa sữa tàn mới dám mở cửa. Một đêm nằm trong nhà, mặc dù đã đóng kín cửa nhưng cái mùi thơm nồng khó chịu vẫn bám vào làm mất ngủ. Tức quá, giữa đêm khuya ông Thu cầm dao trèo lên cây chặt. Báo hại người nhà một phen hoảng hồn vì sợ ông bị phạt và bị tai nạn, bởi bên trên là đường dây điện cao thế. Chặt xong cây hoa sữa trước nhà, nhưng vẫn chưa hết mùi thơm nồng khó chịu, bởi cả dãy phố hoa sữa mọc ken dày, ông tức mình bảo vợ bán nhà đi chỗ khác.
Với chị Đỗ Thị Tơ - 41 tuổi, ở số nhà 90 Phan Chu Trinh, Hội An - thì mùa hoa sữa nở cũng đồng nghĩa với việc gia đình chị phải di tản đến ngủ nhờ nhà bà ngoại vào ban đêm vì không chịu nổi mùi hoa sữa. Con trai của chị - cháu Đoàn Văn Tuấn, 13 tuổi, học sinh lớp 7 - bị viêm xoang từ hơn ba năm nay từ khi hàng hoa sữa trước nhà chị Tơ trổ hoa. Chị Tơ than phiền hương hoa sữa làm cho bệnh của cháu Tuấn càng trở nặng, còn cửa hàng tạp hóa của chị thì thưa vắng khách từ hơn tháng qua.
Còn vợ chồng anh Nguyễn Văn Sáu ở thôn 4, xã Điện Ngọc cả tháng nay cứ hục hặc suốt. Chuyện bắt đầu từ sau khi anh đi tham quan Hà Nội vào tháng 9-1998 và cạy cục mang về hai bầu giống cây hoa sữa. Anh Sáu quyết định chặt mấy cây xoài cổ thụ trong vườn nhà và trồng hai cây hoa sữa thế chỗ.
Nhờ chăm nom, tưới tắm thường xuyên nên hai cây hoa sữa rất sum sê và chỉ chưa đầy ba năm đã trổ hoa. Từ khi cây hoa sữa trổ hoa, hai đứa con nhà anh Sáu liên tục bị ho, viêm mũi dị ứng nhưng hễ chữa hết thuốc là bệnh lại tái phát và càng nặng hơn vào mùa hoa nở. Tức mình, chị Cúc - vợ anh Sáu - đã nhiều lần dọa chặt nhưng vì nể chồng nên cứ lần khân và lại cãi nhau. Từ đầu tháng chín đến nay, hai cây hoa sữa lại đồng loạt trổ bông. Hai đứa bé lại trở bệnh và thế là “chiến tranh” nổ ra, lần này khá quyết liệt. Chị Cúc tuyên bố một câu xanh rờn: “Nếu ông không chịu đốn hai cây hoa sữa thì mẹ con tui sẽ ra khỏi nhà”. Và anh Sáu chỉ có thể chọn một.
Đi “kiện” cây hoa sữa?
Hàng trăm người dân sống hai bên đường Huỳnh Thúc Kháng, Tam Kỳ mà chúng tôi gặp trong mùa hoa sữa trổ bông, không một ai là không than thở. Ai không chịu nổi thì đeo khẩu trang. Chính vì vậy mà cả tuyến đường Huỳnh Thúc kháng dài hơn 1,5km người ta đổ xô đi mua khẩu trang bịt mũi từ già đến trẻ. Nhiều người đã bị viêm xoang, khó thở, nhức đầu.
Khi nghe hỏi tại sao không chặt bỏ, tất cả đều bảo “làm răng mà dám chặt, đụng vô là bị phạt ngay”. Nhiều người dân ngồi bàn tính tìm cách đục gốc, đổ dâu nhờn và đi tìm mua hóa chất về đổ xuống gốc cho hoa sữa chết. Lại có người bàn nhau cùng viết đơn gửi các cấp chính quyền kể “tội” hoa sữa. Trong lá đơn bà con đang soạn thảo, mỗi người góp một ý và quyết đi “kiện” cây hoa sữa. Người buôn bán thì bảo rằng buôn bán ế ẩm bởi khách không dám đến. Hết mùa hoa lại khổ vì mùa trái hoa sữa chín, nở bung ra bay khắp nhà giống như lông chó. Đến bữa ăn phải đóng cửa vì sợ bay vô thức ăn. Khổ nhất là mấy chị bán đồ ăn nhà bên đường, mùa hoa thì bán ế, đến mùa trái chín cũng bán không được vì khách ngại đến.
Tại nhiều công sở do không chịu nổi mùi hoa sữa, lãnh đạo các cơ quan này đã ra lệnh triệt hạ. Và sáng 13-10, UBND tỉnh Quảng Nam đã cho chặt bớt gần 10 cây hoa sữa trong khuôn viên của UBND tỉnh. Còn anh Nguyễn Sự - chủ tịch HĐND thị xã Hội An - đã trả lời khá hồn nhiên khi được hỏi vì sao lại chọn toàn hoa sữa để trồng mà không chọn loại cây khác: “Thì nghe nhạc, đọc thơ thấy người ta tả cây hoa sữa thi vị quá nên mới quyết định đem giống hoa sữa về trồng. Còn bây giờ biết mùi rồi, thị xã sẽ bàn cách khắc phục. Sắp tới sẽ bứng bớt hoa sữa và trồng chen loại cây khác vào, chỉ để lại mỗi con đường vài cây thôi”.
Mấy hôm nay, chuyện được bàn tán râm ran ở Tam Kỳ là chuyện “đi kiện” cây hoa sữa. Người thì bảo nên chặt bỏ. Lại có người chất vấn: “Chặt bỏ thì được, nhưng thiệt hại hàng trăm triệu đồng ai chịu trách nhiệm?”. Người dân la trời, viết đơn đi “kiện”, còn chính quyền địa phương thị xã Tam Kỳ thì bối rối không biết phải xử sao đây. Chẳng lẽ ra quyết định “trảm” toàn bộ cây hoa sữa dọc tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng? Còn để thì phải làm sao đây với mùi thơm nồng mỗi mùa ra hoa và mùa trái chín? Chuyện nhỏ nhưng mà khó xử. Không biết rồi đây các ngành chức năng Tam Kỳ sẽ “xử” vụ cây hoa sữa này như thế nào?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận