16/05/2009 01:12 GMT+7

Quảng cáo một đằng, bán hàng một nẻo

 BẠCH HOÀN
 BẠCH HOÀN

TT - Gần đây nhiều cơ sở bán hàng liên tục tung ra các chiêu quảng cáo hấp dẫn như: hàng siêu rẻ, bảo hành chính hãng, chất lượng cực tốt… Tuy nhiên, không phải thông tin quảng cáo nào cũng đúng sự thật.

3iQLedWg.jpgPhóng to
Để tránh mắc bẫy quảng cáo quá sự thật, trước khi mua hàng người tiêu dùng cần so sánh giá nhiều nơi - Ảnh: T.Đạm

Những trò quảng cáo quá mức sự thật này thường xuất hiện ở hàng điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng…

Một là mua, hai là… mất tiền

“Chuyên bán sỉ, lẻ các loại máy tính, linh kiện máy tính; đại hạ giá mỗi ngày, hàng chính hãng, giao hàng tận nơi miễn phí, bảo hành miễn phí một năm tại nhà…”. Thấy thông tin quảng cáo khá hấp dẫn của một công ty tin học có trụ sở khá lớn trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.Tân Bình, TP.HCM, chị N.T.N.Dung đặt mua một dàn máy vi tính giá gần 5 triệu đồng. Công ty cho biết sẽ giao hàng miễn phí, riêng hàng nếu khách không đồng ý có thể trả lại. Sau khi chị Dung đặt cọc 2 triệu đồng, chiều hôm sau khi nhân viên của công ty này mang hàng đến nhà, chị Dung nhờ một kỹ sư tin học kiểm tra máy thì phát hiện đa số linh kiện là hàng dỏm, trôi nổi trên thị trường, hàng Trung Quốc…

Mặc dù cấu hình của máy vẫn đúng như cam kết ban đầu, nhưng với kinh nghiệm anh kỹ sư này cho biết khi trục trặc xảy ra, việc bảo hành, sửa chữa rất khó khăn. Đem hàng trả lại, chị Dung bất ngờ bị công ty yêu cầu phải trả số tiền 10% giá trị chiếc máy (tức khoảng 500.000 đồng).

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông T. - đại diện công ty này - cho hay khi đã đặt cọc tiền, một là khách hàng mua máy, hai là khách hàng mất tiền(!?). Và từ trước đến giờ công ty đều làm vậy nên đã thành thông lệ. “Trong giấy đặt cọc tiền đã ghi điều khoản này nhưng do khách hàng không chú ý nên… ráng chịu!” - ông T. tỉnh bơ. Mặc dù sau khi thương lượng, ông T. đã giảm mức phí xuống còn 5% nhưng vẫn khẳng định đây là trường hợp ngoại lệ, còn lại các khách hàng khác đều phải trừ đúng 10%.

Theo phản ảnh của nhiều người tiêu dùng, việc quảng cáo một đằng bán hàng một nẻo đang diễn ra khá phổ biến. Thậm chí nghe lời quảng cáo thì hấp dẫn, nhưng khi đến mua hoặc là hàng đã hết, hay nếu còn cũng không giống như công bố của doanh nghiệp, cả về hình thức lẫn chất lượng. Một cán bộ Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN cho biết cơ quan này thường xuyên nhận được phản ảnh của người tiêu dùng về việc bán hàng hóa không đúng như công bố của các doanh nghiệp.

Tránh cách nào?

Hiện nay, rất nhiều trung tâm bán hàng điện máy tung ra các chương trình giảm giá để lôi kéo khách hàng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu tại một trung tâm bán hàng điện máy ở Q.5, TP.HCM, mặc dù là trung tâm lớn cũng dùng chiêu tăng giá rồi mới giảm giá. Một số sản phẩm như tủ lạnh, máy giặt… được giảm giá khoảng vài trăm ngàn đồng nhưng trước khi giảm trung tâm này cũng tăng lên mức giá tương đương.

Ông Trần Vinh Nhung, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết hiện nay Chính phủ đang khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường khuyến mãi, giảm giá, tặng quà cho người tiêu dùng để tăng sức mua. Chỉ ở một số trường hợp khuyến mãi nhất định, doanh nghiệp mới phải đăng ký lên Sở Công thương. Do đó, sở không thể quản lý hết tất cả các chương trình khuyến mãi trên địa bàn.

Đối với các trường hợp quảng cáo chất lượng sản phẩm không đúng như thực tế, các chuyên gia trong lĩnh vực tiêu dùng cho rằng biện pháp hữu hiệu nhất là… người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình. Vì vậy, trước khi mua cần so sánh giá ở nhiều nơi, kiểm tra kỹ chất lượng hàng. Để tránh mua phải hàng dỏm, chỉ nên coi thông tin doanh nghiệp công bố là thông tin tham khảo. Đối với các mặt hàng điện tử, điện lạnh, trước khi mua nên tham khảo ý kiến của những người có hiểu biết về lĩnh vực đó.

 BẠCH HOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên