23/08/2016 14:31 GMT+7

​Quảng Bình: Khuyến khích xét nghiệm HIV tiền hôn nhân

Nguồn: Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm
Nguồn: Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm

Việc xét nghiệm HIV trước khi kết hôn, trước khi mang thai là rất cần thiết để có những can thiệp kịp thời đối với những phụ nữ mang thai nhiễm HIV, nhằm giảm thiểu sự lây truyền HIV cho con.

Từ ca nhiễm HIV/AIDS được phát hiện đầu tiên vào năm 1994, đến nay luỹ tích các trường hợp nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh Quảng Bình là 1.288; luỹ tích các trường hợp chuyển qua AIDS là 335 và các trường hợp tử vong do AIDS là 114. 

Hiện 8/8 huyện, thành phố, thị xã và 94/159 xã, phường, thị trấn đã phát hiện người nhiễm HIV/AIDS. Chủ yếu trong nhóm tuổi từ 21 - 39 tuổi, chiếm 76%. Hình thái lây nhiễm HIV qua đường tình dục là 78,3%; lây nhiễm qua đường máu là 15,5%; mẹ truyền sang con là 4,5%. Đối tượng nhiễm HIV ở Quảng Bình hiện không còn tập trung trong một số nhóm nguy cơ cao mà đã xuất hiện trong nông dân, ngư dân, cán bộ công chức nhà nước… 

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, tỉnh đã phát hiện 23 trường hợp dương tính với virus HIV, trong đó đủ thành phần: học sinh, sinh viên, bộ đội, công an, giáo viên, nông dân... Chính vì vậy, cần nâng cao kiến thức phòng tránh HIV, cộng đồng nên tự nguyện xét nghiệm HIV, xét nghiệm trước khi kết hôn và trước khi mang thai để có thể dự phòng lây nhiễm HIV cho vợ, chồng, con và những người xung quanh.

Việc xét nghiệm HIV trước khi kết hôn không chỉ đơn thuần thể hiện sự quan tâm đến sức khỏe của mình mà còn là trách nhiệm đối với người chồng, người vợ. Xét nghiệm HIV là cách để theo dõi sức khỏe, nếu phát hiện sớm HIV người bệnh được điều trị sớm, kéo dài tuổi thọ và dự phòng các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho đứa con trong tương lai.

Ngày càng có nhiều phụ nữ mang thai nhiễm HIV mà phần lớn họ không nằm trong nhóm có hành vi nguy cơ cao. Nhiều người lây nhiễm HIV từ chồng, là những người đi làm ăn xa, có hành vi nguy cơ cao như: quan hệ tình dục không an toàn với gái bán dâm, tiêm chích ma túy...

Những người phụ nữ này đến lúc gần sinh, làm xét nghiệm mới biết mình bị nhiễm HIV. Hơn nữa, trong số phụ nữ mang thai nhiễm HIV, nhiều người đã không tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, nguyên nhân chủ yếu là do bản thân họ chủ quan, sợ bị phân biệt, kỳ thị.

Trong thời gian tới, để  thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư, Quảng Bình chú trọng thực hiện tốt mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% người nhiễm HIV đủ điều kiện điều trị theo hướng dẫn điều trị quốc gia được điều trị ARV; 90% người nhiễm HIV điều trị ARV với tải lượng virus dưới ngưỡng lây truyền); Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,2%, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động tuyên tuyền phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, học sinh, sinh viên, công nhân lao động ở các khu công nghiệp; vận động những người có HIV/AIDS và gia đình tham gia vào công tác tuyên truyền, giúp mọi người hiểu biết đúng về HIV/AIDS, làm giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Đẩy mạnh các chương trình can thiệp giảm tác hại, bao gồm: chương trình bơm kim tiêm, bao cao su và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone.

Đặc biệt, chú trọng các địa bàn trọng điểm về ma túy, mại dâm tại thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn, huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy để nâng cao hiệu quả hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

Nguồn: Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên