Quảng bá nghệ thuật dân tộc: không dễ
Hà Nội là nơi hội tụ rất nhiều loại hình âm nhạc dân tộc như tuồng, chèo, cải lương, ca trù, xẩm... nhưng chưa kết hợp và khai thác hiệu quả đối với khách du lịch.
Hiện nay có rất nhiều nhà hát đóng trên địa bàn thành phố: Nhà hát Chèo trung ương và Hà Nội, Nhà hát Cải lương, Nhà hát Tuồng... mỗi nhà hát đều có một phương thức quảng bá nghệ thuật dân tộc đến với khách du lịch. Nhưng trừ Nhà hát múa rối nước Thăng Long hằng ngày đều đặn ba suất diễn thì những nhà hát khác đều có "nỗi lòng".
![]() |
Du khách xem múa rối nước trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử tại Thảo cầm viên TP.HCM - Ảnh: T.T.D. |
Nhà hát Tuồng Việt Nam: phập phù vì... tour không mặn mà!
Ðể thu hút khách du lịch nước ngoài quan tâm đến nghệ thuật tuồng, nhà hát đã tiến hành xây dựng trang web song ngữ Anh - Việt giới thiệu về nhà hát cũng như nghệ thuật tuồng của Việt Nam và lịch biểu diễn phục vụ khách. Ðặc biệt, từ đầu năm 2008, Nhà hát Tuồng tổ chức các buổi biểu diễn định kỳ tại rạp Hồng Hà vào chiều thứ tư và thứ năm hằng tuần để phục vụ khách du lịch nước ngoài.
NSND Hoàng Khiềm (giám đốc nhà hát) cho biết: "Chương trình bao gồm các tiết mục tuồng cổ đặc sắc: Ông già cõng vợ đi xem hội, Lân mẹ đẻ lân con, Hòa tấu nhã nhạc cung đình Huế, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo được gói gọn trong một giờ. Các tiết mục được biểu diễn bằng động tác là chính, rất hạn chế ngôn ngữ do vậy không phải là khó hiểu, thậm chí có khách du lịch sau khi xem xong rất thích thú và nhiều lần quay trở lại. Tuy nhiên, dù nỗ lực như thế song các buổi diễn vẫn không thu hút được nhiều khách. Theo tôi, nguyên nhân chính là do các tour du lịch vẫn chưa mặn mà".
Nhà hát chèo: sẽ sáng đèn sân khấu nhỏ
Nhà hát Chèo Hà Nội trong bốn năm gần đây đã tạo được mối quan hệ khá tốt với các công ty du lịch để sáng đèn mỗi tuần hai buổi và giới thiệu các trích đoạn chèo.
Bà Trịnh Thúy Mùi - giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội - cho biết: "Từ năm 2004 nhà hát chúng tôi đã đỏ đèn vào các tối thứ tư và thứ sáu hằng tuần để phục vụ khách du lịch nước ngoài. Với quy mô trên 100 chỗ, các buổi biểu diễn đều kín khách. Các trích đoạn chèo cổ như Thị Mầu lên chùa, Súy Vân giả dại, Tấm Cám, Tuần ty đào Huế... được biểu diễn tại đây đã đem đến cho du khách sự yêu thích đặc biệt với bộ môn nghệ thuật này. Ðể các buổi biểu diễn được thường xuyên, chúng tôi đã kết hợp với các công ty du lịch tổ chức các tour cho khách. Sự kết hợp này hiện nay có thể nói là khá hiệu quả".
Trong khi đó, Nhà hát Chèo Việt Nam cũng đang chuẩn bị chương trình để biểu diễn các trích đoạn phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước. Ðến trung tuần tháng 1-2010, sân khấu nhỏ của Nhà hát Kim Mã sẽ có các buổi biểu diễn cuối tuần phục vụ khách du lịch, đặc biệt là du khách nước ngoài.
"Tại sân khấu nhỏ, chúng tôi sẽ dàn dựng các trích đoạn chèo truyền thống như: Súy Vân giả dại, Tuần ty đào Huế, Thị Mầu lên chùa, Phù thủy, Vu quy... Xen vào các trích đoạn chèo là các màn hát múa dân gian như: hầu đồng, ca trù, xẩm... Ðể đẩy mạnh công tác quảng bá với công chúng, nhà hát đang tiến hành lập trang web song ngữ Anh- Việt, cuối tháng này sẽ đi vào hoạt động, giới thiệu cụ thể từng chương trình đến với khách du lịch" - ông Hà Quốc Minh, giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, chia sẻ.
Chiếu xẩm với tinh thần tự nguyện
"Công chúng không quay lưng với nghệ thuật dân tộc". Ðó là khẳng định của ông Thao Giang, phó giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, khi chiếu xẩm tối thứ bảy hằng tuần ở chợ Ðồng Xuân đang chuẩn bị cho đêm diễn thứ 1.000.
Vì chiếu xẩm hoạt động miễn phí nên mỗi tối có hàng ngàn lượt khách xem biểu diễn, trong đó có rất nhiều khách du lịch. Ða số người xem đều cảm thấy thích thú với loại hình biểu diễn này.
Bằng chiếu xẩm giữa chợ, năm năm nay trung tâm đã biểu diễn đều dặn vào mỗi tối thứ bảy cuối tuần và trở thành điểm đến lý tưởng cho rất nhiều người yêu âm nhạc trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam cũng chỉ giới thiệu được một phần nào số lượng các tác phẩm âm nhạc dân gian, vì họ chỉ là một trung tâm hoạt động với tinh thần tự nguyện và yêu quý nghề của các nghệ sĩ, phần thù lao và lương bổng hầu như không có.
Vì vậy, làm sao để khai thác hiệu quả và "có thu" cho những người làm nghệ thuật dân gian là việc không hề đơn giản.
TP.HCM: “khởi” mà không “động” Từ năm 2005 TP.HCM đã có chủ trương "đưa nghệ thuật vào phục vụ du khách". Theo đó, Sở Du lịch TP.HCM đã phối hợp cùng một số đơn vị nhà hát trong thành phố dàn dựng các chương trình nghệ thuật truyền thống phục vụ du khách nước ngoài. Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang sau đó đã trình làng các chương trình cải lương tổng hợp gồm các trích đoạn Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, Lữ Bố hí Ðiêu Thuyền, Thiếu phụ Nam Xương, Dạ cổ hoài lang... do nhóm Thắp sáng niềm tin biểu diễn. Công ty Tổ chức biểu diễn nghệ thuật TP.HCM có chương trình "Bức tranh quê hương" với các tiết mục ca múa được dàn dựng công phu. Nhà hát ca múa nhạc Bông Sen có chương trình "Hội ngộ Sài Gòn". Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM có tiết mục múa Bát Thiên Vương cùng những trích đoạn đặc trưng: Châu xán tá thanh long đao, Tạ Ôn Ðình chém Khương Linh Tá... Ðề án khi đó cũng đề xuất cải tiến nâng cấp rạp Kim Châu thành một điểm diễn thường xuyên của nghệ thuật truyền thống, đồng thời còn là nơi trưng bày, bán một số sản phẩm quà lưu niệm phục vụ du khách. Năm 2007, Nhà hát rối nước Rồng Vàng ra đời với tiêu chí biểu diễn phục vụ khách du lịch nước ngoài, Tây balô khu vực quận 1. Bên cạnh đó, nhà thiết kế Sỹ Hoàng cũng thường xuyên tổ chức chương trình ca nhạc dân tộc (nhạc cung đình, nhạc dân gian) tại quán trà Ðiểm Một Thời phục vụ khách nước ngoài, trong đó có cả những vị bộ trưởng tham dự hội nghị APEC, hoàng gia Thụy Ðiển... Tuy nhiên sau bốn năm, các chương trình này đều đã lần lượt "chết yểu" vì nhiều yếu tố: thiếu khán giả, giá vé cao, điểm diễn không phù hợp... Giải thích cho thực trạng này, ông Phan Quốc Hùng - giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang - cho rằng đã không có sự đồng bộ giữa các nhà hát và công ty du lịch, chỉ có "khởi" mà không có "động" dẫn đến việc diễn mà không có khán giả. Dự án nâng cấp rạp Kim Châu với số tiền đầu tư lên đến 13 tỉ đồng cũng đã... ngưng vô thời hạn (rạp này hiện nay là điểm diễn thường xuyên của sân khấu kịch Hồng Vân). Chỉ trừ một "điểm sáng" còn trụ lại là Nhà hát rối nước Rồng Vàng của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn do biết cách tiết chế thời lượng, tạo không khí trình diễn sinh động và kiên trì tiếp thị đến các hãng lữ hành cũng như phát tờ rơi đến tận tay khách du lịch. Tuy nhiên, việc đưa nghệ thuật vào phục vụ du khách vẫn luôn là mong muốn của các nghệ sĩ TP.HCM bởi lượng khách nước ngoài lưu trú tại đây ngày càng tăng. Việc bà bầu Hồng Vân cho ra mắt sân khấu Super Bowl với địa thế gần sân bay vào đầu năm 2010 cũng là nhắm đến đối tượng khách nước ngoài. H.OANH |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận