![]() |
Một trong những quán trên 50 tuổi ở Sài Gòn. Mỗi quán có cái riêng của mình để quá "vô kiềm tỏa năng lưu khách" |
Cơm tay cầm
Bạn đã từng nhiều lần qua lại đường Cao Thắng, quận 3 nhưng bạn chắc không để ý tới một quán hẹp nằm giáp giới của mặt tiền đường với một con hẻm nhỏ gần ngã tư Cao Thắng – Nguyễn Đình Chiểu. Cái quán đã lên chức “cụ” với độ dày gần 50 năm kể từ ngày thành lập. Ngay cả cái bảng hiệu “Bánh mì Hòa Mã” cũng đã cũ kỹ với nhiều vết sơn tróc.
Bà Nguyễn Thị Tịnh thời tây ở làng Hoà Mã, ngoại ô Hà Nội đi làm cho hãng thịt nguội cung cấp thực phẩm cho nhà hàng Pháp. Năm 1954, hai vợ chồng vào Nam, mang theo cái tên Hoà Mã quê hương vào kinh doanh ở Sài Gòn. Đầu tiên cửa hàng mở tại 511 đường Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu) sau đó về 52 Cao Thắng cho đến bây giờ.
Ông Lê Minh Ngọc năm nay đã 88 tuổi nhớ lại thời ấy một ổ cascout (bán mì lớn) kèm theo chả, patê bán giá 3- 5 đồng. Bây giờ có thêm bơ tươi. Ngày xưa, công chức cư xá Đô Thành, Bàn Cờ rất khoái ăn bánh mì Hòa Mã. Trong những năm 1960-1970, dân Sài Gòn khi bận việc không nấu nướng kịp thường dùng bành mì – cơm tay cầm – thay cơm hoặc dùng làm thực phẩm cho những chuyến đi xa.
Bà Tịnh vốn xuất thân từ hãng thịt nguội nên vẫn giữ gu Pháp cho quán bánh mì Hòa Mã suốt 50 năm. Không ít khách hàng trung thành ở nước ngoài vẫn về Việt Nam ghé lại Hoà Mã để thưởng thức hương vị bánh mì thịt không thể nào quên.
Mặn mà Nam Bộ
Phước Thành là quán cơm Việt Nam đặc biệt hương vị thuần Nam Bộ có mặt rất lâu ở Sài Gòn, quán được mở cách đây 56 năm – từ năm 1949. chủ đầu tiên của quán ăn tên thường gọi là Hai, người chính gốc Sài Gòn. Vợ chồng bác Hai nay đã đều quy tiên, bác Hai gái năm 2003 đã 89 tuổi, vẫn còn đứng quán. Cái quán có kiến trúc nhà phố, cửa sắt kéo rất bình thường tại 47 Lê Thị Riêng, quận 1.
Vào năm 1949, quán Phước Thành nổi tiếng ở Sài Gòn, với các món canh chua cá lóc, cá bông lau, cá rô kho tộ, lẩu mắm , lẩu lươn… chỉ 5 năm kinh doanh ăn uống Phước Thành đã lên hai lầu.
Đến với Phước Thành dân ghiền món ăn Nam bộ không thể nào quên hương vị đậm đà của mắm, cá, chủ quán rất khó trong việc chọn nguyên liệu. Ví dụ như mắm ruốc phải mua từ Vũng Tàu, mắm Thái mua tận Châu Đốc, mắn sặc mua ở Cà Mau…. Trên 50 rồi vẫn như thế, cứ đúng kỳ là các lò hàng mang tới, không sai một ly.
Vì mắm sặc mua nguyên gốc nên nước dùng lẩu mắm của Phước Thành rất đặc. Khi bỏ tôm, mực vào lẩu, chúng nổi lên chứ không chìm như các loại nước lẩu khác. Vợ chồng bác Hai có 5 người con, 4 người đã định cư ở nước ngoài. Nay chỉ còn người con út là Lê Thị Tuyết kế nghiệp cha, mẹ…
Ông Năm Xuân, 75 tuổi cũng ở Mỹ về, 30 trở lại bước vô quán chảy nước mắt vì cảnh vật tưởng đã mất đi, vẫn giữ nguyên như cũ từ vách tường, công tơ điện tới bức tranh và cái giữ nguyên còn đáng quý hơn là một phong cách ẩm thực rất Nam Bộ. Đậm đà mà ngọt ngào tình quê hương.
Cơm thố Chợ Lớn
Lớn tuổi hơn cả là quán cơm thố Giang Nam ở 45 Tản Đà, quận 5. Quán đóng đô tại đây từ năm 1942 tức là đã 63 năm cha truyền con nối, chủ quán trước đây là ông Trương Bình đã qua đời. Hiện nay người chủ mới là con ruột của ông Bình: ông Trương Diệu Quang cũng đã 63 tuổi.
Thi gan tuế nguyệt cùng quán là những bộ bàn ghế, ở tầng trệt bằng gõ đã lên nước đen bóng, cao quá đầu người. Những khách hàng quen cũ từ ngoài về tìm lại quán có thể quên địa chỉ nhưng chỉ cần đi loanh quanh đường Tản Đà nhìn thấy bộ bàn, ghế cũ lập tức tìm ra quán.Thực đơn của quán mang hương vị Quảng Đông. Ngoài món cơm thố, hấp từng chén dẻo, ngọt là những món ăn rất ngon miệng. Có thể kể ra các món chính: món canh như canh củ sen, sắn dây, artichaut… món mặn như cá mặn hấp thịt bầm, cá chép hấp gừng, cá bóng tượng hấp gừng, thịt dê hầm gừng… Các món ở đây không sử dụng gia vị nhiều, chỉ có một chút ít gừng tôn lên mùi vị cá, thịt thực chất. Những người quen ăn ở quán này nhất trí chấm hai món có điểm cao nhất là món cá hấp mặn hấp thịt bằm và món dê hấp gừng. Khách vào đây có thể ăn cơm đĩa hoặc ăn từng món đều được.
Có một kỷ niệm đáng ghi nhớ đối với chủ quán là dịp gặp gỡ với đoàn làm phim Người tình. Đạo diễn muốn tìm một không khí chợ Lớn ở thập niên 30-40, họ đã bắt gặp quán cơm thố Giang Nam, để tái hiện cuộc sống thường ngày của 60 – 70 năm về trước…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận