13/05/2018 10:09 GMT+7

Quán trà tắt… đèn, ngồi nghe chuyện của nhau

TẤT ĐẠT
TẤT ĐẠT

TTO - Một quán trà trên đường Châu Thới, quận 10, TP.HCM trở thành không gian để các bạn trẻ tắt đèn, ngồi nghe chuyện của nhau.

Quán trà tắt… đèn, ngồi nghe chuyện của nhau - Ảnh 1.

Hai người tham gia làm quen bằng trò cầm tay nhau vẽ tranh - Ảnh: TẤT ĐẠT

Ý tưởng về Tắt…đèn có nền tảng từ một hoạt động dành cho sinh viên vào hai năm trước do Lê My và Linh Chi (cựu sinh viên Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM) đồng tổ chức.

Theo đó, tắt... đèn được hiểu theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen. Đây là một cuộc trò chuyện chỉ có bóng tối, âm nhạc du dương, hương thơm của trà, vị ngọt của bánh và những câu chuyện đầy cảm hứng giữa các thế hệ người trẻ. Dấu ba chấm chính là sự chuyển biến từ tắt - bóng tối sang đèn - ánh sáng, từ những trăn trở đến những lời giải đáp.

Trở lại nhưng với vai trò là người tham gia, Linh Chi cho rằng mỗi người đều có nhu cầu được nói và được nghe, từ đó ta nhận về sự đồng cảm. Với các buổi trò chuyện "mở đèn", hai người tham gia thường sẽ có những định kiến và đánh giá nhất định về đối phương thông qua ngoại hình. Từ đó, đôi khi ta khó mở lời với người đối diện. Một số trường hợp, người này sẽ cảm thấy bị "lép vế" hơn so với người kia về địa vị xã hội, công việc, tình cảm…

Nhưng theo Lê My, "Tắt…đèn, đúng theo nghĩa đen của nó, khiến hai người tham gia không có giả định gì về nhau. Từ đó, họ sẽ tâm sự với nhau một cách tự nhiên và thoải mái nhất".

Quán trà tắt… đèn, ngồi nghe chuyện của nhau - Ảnh 2.

Không gian buổi trò chuyện chỉ có hương trà, vị bánh và tiếng nhạc du dương - Ảnh: TẤT ĐẠT

Khi đến quán, người tham gia được nhân viên bịt mắt bằng mảnh vải đen và được dẫn lối đến ngồi ở một bàn trà nhỏ. Tại đây, họ sẽ được ngồi cùng bàn với một người lạ mà ban tổ chức hoạt động đã sắp xếp dựa trên thông tin họ đã cung cấp trước đó.

Đôi bên làm quen với nhau bằng một vài trò chơi nhỏ khi mảnh vải vẫn che khuất tầm mắt. Và khi tắt đèn, mảnh vải buông xuống, cuộc trò chuyện bắt đầu.

Ở số đầu tiên, Tắt…đèn chọn chủ đề "Trước khi tôi ra trường" với đối tượng tham gia là các cựu sinh viên và sinh viên ĐH KHXH&NV. Theo Lê My, đây như một lời tri ân cho những điều của quá khứ. Hoạt động lần này có sự tham gia tổ chức bởi người đồng sáng lập quán trà, Tom và những cộng sự khác.

Ái Linh, cựu sinh viên Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM, ấn tượng với cách thức trò chuyện với một người hoàn toàn lạ. Nếu như thường lệ, khi có nhu cầu giải bày tâm sự, người ta thường tìm đến những người thân quen và tin tưởng thì ở đây lại trái ngược hoàn toàn. Thế nhưng đây vẫn là một hoạt động văn minh và đảm bảo được tính riêng tư.

Linh chia sẻ thêm: "Sự văn minh của Tắt…đèn nằm ở đèn tắt. Bước vào không gian này, mình sẽ không đánh giá, chỉ là chia sẻ bằng những gì mình thật sự có".

Còn với Phạm Như, sinh viên năm hai, Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM, điều thú vị của hoạt động nằm ở điểm người tham gia sẽ không định hướng trước được cuộc trò chuyện. Như cảm thấy tự do và không bị ràng buộc bởi các quy chuẩn xã hội, sự đánh giá của đối phương… Chính sự không quen biết nhau khiến bạn cảm thấy thoải mái để chia sẻ.

Sau khi tham gia, Như hiểu về Tắt…đèn với nhiều tầng nghĩa hơn nữa: "Khi tắt đèn, mình không sử dụng được nhãn quan khiến việc nghe và cảm nhận không gian xung quanh được tập trung nhiều hơn. Từ đó, những cảm xúc và câu chuyện của bản thân có cơ hội được lộ diện. Và khi tắt đèn, bản ngã của mình cũng được lột tả một cách sâu sắc".

Thú vui giải trí của trẻ thời nay khác ngày xưa thế nào? Thú vui giải trí của trẻ thời nay khác ngày xưa thế nào?

TTO - Thời đại công nghệ và mạng Internet đã làm thay đổi cả một lối sống. Trẻ ngày xưa chơi lêu lổng bị mẹ lôi về, thì ngày nay bị mẹ tống ra ngoài để khỏi cắm mặt vào iPad.

TẤT ĐẠT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: tắt đèn