Phóng to |
* Trong bài Chuyện người con gái sầu riêng tác giả viết:
“Nghệ sĩ Kim Cương là cô đào chánh của trên 100 vở cải lương…”.
Tôi là dân mê cải lương sao chẳng biết chuyện này? Nhờ cô Tú chỉ giùm vở cải lương nào có cô Kim Cương làm “đào chánh” như tác giả bài báo trên viết.
- Kỳ nữ - NSND Kim Cương là nghệ sĩ kịch nói Nam bộ nổi tiếng từ hơn nửa thế kỷ nay. Ngoài diễn kịch, bà còn là tác giả kịch bản (với bút danh Hoàng Dũng), từng được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là “Nghệ sĩ viết nhiều kịch bản kịch nói nhất Việt Nam”. Chưa ai thấy bà chuyển sang làm đào chánh hát cải lương khi nào.
Trích ẩu!
* Tạp chí THT số 782 (ngày 18-7-2012) có bài viết trích Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của cụ Đồ Chiểu như sau:
“Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh - Tấm lòng son để lại ánh trăng rằm - Đồn Lang sa một khắc đặng trẻ hờn - Tủi phận bạc trôi theo dòng nước”…
Cô Tú thấy sao?
- Đoạn trên không phải là thơ bốn câu, mà là một câu phú gồm hai vế đối nhau rất chỉnh, nguyên văn:
“Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gởi lại bóng trăng rằm
Đồn Lang Sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ”…
Trích dẫn kiểu này, người bị trích chỉ có nước mếu!
Chiếu chỉ thời vua Lê
* Tôi năm nay đã 76 tuổi, nhờ cô Tú xem giúp một việc: Năm 1990, tộc họ tôi ở miền Trung có viết lại phả hệ, đoạn mở đầu như sau: “Cách đây hơn 500 năm, vua Lê Thánh Tông ra chiếu chỉ mở rộng biên cương, di dân lập ấp…”.
Nhân vật, sự kiện và thời điểm nêu trên có đúng không? Lại nữa, “Thái Đức nhị niên” là năm nào, vào thời vua nào? Cám ơn cô Tú nhiều.
- Lê Tư Thành (Lê Thánh Tông) sinh năm 1442, lên ngôi vua năm 1460 (18 tuổi), mất năm 1497 (hưởng dương 55 tuổi). Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào tháng 5 (âm lịch) năm Tân Sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 12 (năm 1481), vua có xuống chiếu lập sở đồn điền, nội dung: “Mở đồn điền là để dùng hết tiềm lực của nghề nông, mở rộng nguồn tích trữ cho nhà nước. Nay lệnh cho các xứ định đồn điền thành ba bậc thượng, trung, hạ…” (Tập II; bản 1993; trang 484). Như vậy, thời gian, nhân vật, sự kiện nêu trong phả hệ nhà bác cơ bản đúng so với sự thật lịch sử. Riêng Thái Đức là niên hiệu của vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc (? - 1793). Ông lên ngôi hoàng đế vào năm Mậu Tuất 1778 (nguyên niên), do đó “Thái Đức nhị niên” ứng với năm 1779.
Chuyện ma mèo ma chó
* Báo TT&ĐS số 83-ngày 17-5-2012 trang 15-bài Có hay không chuyện linh miêu kéo người chết lâm sàng trở lại trần thế? Theo bài báo này thì linh miêu chính là con mèo đen. Đơn thuần nó cũng mang những đặc điểm hệt như mèo tam thể, nhị thể hay mèo mun, mèo mướp… Nhưng vì hình dạng khá đặc biệt và được chấp bút trong rất nhiều câu chuyện mang đậm tính liêu trai nên mèo đen trở nên bí ẩn và được gọi nhiều hơn với cái tên Hán Việt là linh miêu. Xin nhờ cô Tú giải thích giùm: Mèo mun và mèo đen khác nhau thế nào? Nhà tôi cũng có nuôi một con mèo đen, liệu nó có phải là linh miêu không?
- Mèo mun hay mèo đen chỉ là một thứ, đều có bộ lông màu đen. Nó có phải là linh miêu hay không, tùy ở trí tưởng tượng và lòng tin của con người. Đối với người mê tín thì mấy ông Táo lăn lóc dưới gốc cây đa cũng có thể cho là linh vật, cần đến đó thắp nhang cúng bái.
Về chuyện mèo nhà bạn có phải là linh miêu hay không xin hỏi tác giả bài báo ấy.
Canada có tỉnh ủy?
* Báo PNVN số 103 - ngày 27-8-2012 - mục Thế giới 360O, tác giả TT viết:
“Ngày 27-8-1927, 5 người phụ nữ gồm: Emily Murphy, nữ thẩm phán đầu tiên của Canada, Irene Marryat Parlby, nữ tỉnh ủy viên đầu tiên của Canada tại tỉnh Alberta…
Bộ ở bên Canada cũng có tỉnh ủy và tỉnh ủy viên sao?
- Làm gì có. Thật chết cười!
Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận