|
"Nhiều ý kiến cho rằng tham nhũng trong đất đai là tham nhũng thuộc nhóm đầu bảng, làm kìm hãm quá trình phát triển. Đánh giá nó nghiêm trọng là đánh giá thỏa đáng"
Ông Đặng Hùng Võ (nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường)
Phóng to |
Ảnh: Minh Quang |
"Hàng nghìn tỉ đồng, hàng nghìn hecta đất bị mất, hàng trăm cán bộ bị xử lý nhưng thực tế thì người dân đi giải quyết thủ tục liên quan đến quyền lợi đều mất tiền. Cán bộ nhà nước nhận tiền của dân thấy bình thường, nhận nhiều thành quen, không nhận lại thấy thiếu"
Ông Nguyễn Đình Quyền (ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội)
Tại cuộc đối thoại, Thanh tra Chính phủ chỉ ra các dạng sai phạm, sơ hở về cơ chế chính sách trong lĩnh vực đất đai, đồng thời công bố kết quả khảo sát về những vấn đề ẩn chứa nguy cơ tham nhũng...
Sai phạm ở tất cả các khâu
Mỗi năm cả nước có trên 10 vạn vụ tranh chấp, phản ảnh, khiếu nại, tố cáo sai phạm liên quan đến đất đai. Thực hiện kiểm tra theo chỉ đạo của Thủ tướng về tăng cường quản lý trong lĩnh vực này, cơ quan chức năng phát hiện khoảng 190.000 trường hợp vi phạm với tổng diện tích 8.000ha đất, chủ yếu là bán đất trái luật, cấp đất, giao đất trái thẩm quyền.
Con số trên được ông Lê Thế Chiến - phó vụ trưởng Vụ I, Thanh tra Chính phủ - công bố tại cuộc đối thoại. Theo ông Chiến, qua các cuộc thanh tra phát hiện nhiều dạng sai phạm từ khâu quy hoạch đất đai đến kế hoạch sử dụng đất và đăng ký quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Dạng sai phạm về lập quy hoạch mặc dù ít nhưng hậu quả rất lớn, gây lãng phí, khó khắc phục, thậm chí không sửa chữa được như việc quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất... vào các vùng dân cư tập trung, hoặc quy hoạch đô thị sinh thái nhưng bỏ dở như dự án nhà vườn sinh thái của Công ty TNHH Cao Hà tại tỉnh Hưng Yên.
Nhiều quy hoạch không phát huy được hiệu quả, manh mún, thiếu đồng bộ, dẫn đến tình trạng “quy hoạch treo” hoặc thất thoát, thiệt hại lớn cho nền kinh tế, điển hình là các dự án sân golf tại Sơn Tây, Vân Trì, Đồng Mô (Hà Nội) với diện tích lên đến gần 1.000ha. Thanh tra Chính phủ cũng nêu ra dạng xây dựng, phê duyệt quy hoạch dây dưa kéo dài dẫn đến không đạt mục tiêu kế hoạch.
Ông Tô Văn Đáp, phó chánh thanh tra Bộ Tài nguyên - môi trường, nhận định nhiều nơi tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng, giao đất chưa nghiêm, có sự lợi dụng để tham nhũng, trục lợi; việc giao đất xuất hiện tình trạng không theo quy hoạch hoặc quy hoạch chưa được duyệt, chưa điều chỉnh, làm cho quy hoạch tổng thể bị phá vỡ.
Ông Đáp chỉ ra tham nhũng khá phổ biến ở các hành vi lập phương án bồi thường để tham ô như lập hai phương án bồi thường, một để thanh toán với Nhà nước, một cho người có đất; lập phương án, xác nhận thời điểm sử dụng đất, vị trí đất... có thỏa thuận với người dân để chia lợi nhuận; khai khống diện tích...
Phải giải quyết tổng thể Trên lĩnh vực đất đai, muốn chống tham nhũng có hiệu quả cần giải quyết một cách tổng thể, bao gồm những vấn đề liên quan thể chế, trách nhiệm của các cơ quan, cán bộ quản lý. Muốn hoàn thiện thể chế về đất đai thì phải nỗ lực điều chỉnh cơ chế chính sách quản lý đất đai, cải cách hành chính và thủ tục hành chính. Đặc biệt, có thể nói các quy trình, thủ tục giải quyết các vấn đề đất đai cần cải cách mạnh mẽ hơn. Về con người, cần thay đổi những người thiếu năng lực, trách nhiệm mới có thể chống tham nhũng. |
Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Đặng Hùng Võ cũng nói trong lĩnh vực đất đai nổi lên hai nhóm tham nhũng. Thứ nhất là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền trên đất ở cấp cơ sở xã, huyện.
Khu vực này khả năng tham nhũng cao vì thực tế là những người xin cấp giấy luôn gặp khó khăn khi làm thủ tục, tiếp nhận hồ sơ, xem xét hồ sơ. Thứ hai là hình thức tham nhũng liên quan đến quá trình thu hồi đất, giao đất, thực hiện bồi thường tái định cư. Đây là quá trình có nguy cơ tham nhũng lớn vì việc định giá đất, giao đất cho nhà đầu tư hoặc thu hồi đất cho dự án đều thuộc quyết định của một cơ quan hành chính.
Cán bộ địa chính làm “dịch vụ”
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - viện trưởng Viện Khoa học thanh tra - cho biết qua khảo sát về nguy cơ tham nhũng trong cấp giấy chứng nhận và chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở... cho thấy có bảy nguy cơ lớn về tham nhũng. Trước hết, hồ sơ khi làm thủ tục về đất đai rất phức tạp, có tới 84% số hộ chuyển nhượng nói hồ sơ của mình có trục trặc và 46% phải nhờ qua dịch vụ trung gian. Đáng chú ý, một bộ phận cán bộ đứng ra làm dịch vụ trung gian là cán bộ địa chính, trong đó có tới 15,6% nhận làm trọn gói thủ tục.
Các hộ không thông qua trung gian thì gặp phải sự nhũng nhiễu và kéo dài thời gian ở cấp phường, xã. Cá biệt có trường hợp hồ sơ bị lưu ở phường gần 3.000 ngày, còn lại trung bình là 127 ngày. Từ sự nhũng nhiễu này kéo theo việc chi phí phát sinh như để có sơ đồ thửa đất, chi phí cao nhất lên đến 15,5 triệu đồng; chi phí cao nhất về hồ sơ đất đai mà người dân phải bỏ ra ở cấp phường là 85 triệu đồng.
Ngay tại bộ phận một cửa, tình trạng nhũng nhiễu cũng không ít, có tới 11,4% cán bộ có thái độ sách nhiễu, 15,3% gợi ý tính và đóng thuế giúp. Nếu không có các khoản chi phí tại các bộ phận này, việc hồ sơ bị kéo dài thời gian là đương nhiên.
Tham nhũng còn thể hiện ở việc có sự “hợp tác” giữa cán bộ và người làm dịch vụ trung gian. Tỉ lệ này do các cán bộ trong lĩnh vực đất đai thừa nhận là 12% và do “cò” thừa nhận là 25%. Lợi ích lớn nhất của việc đưa tiền, thuê trung gian... là thời gian làm nhanh nên người dân sẵn sàng chấp nhận các khoản chi. Điều này được ông Hiệp đánh giá là nguy cơ lớn dễ lan tỏa trong quần chúng nhân dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận