![]() |
Minh họa: Thái Sinh |
Xa quê với bao ngỡ ngàng giữa sự hoa lệ của Sài Gòn. Nhập học được một tuần, số tiền mang vào chỉ đủ cho tôi nộp nửa năm học phí và ở ký túc xá. Thật ra, tôi cũng không quá lo lắng với việc mình đã gần hết tiền chi tiêu, nhưng đi học cả ngày mà không có tiền để ăn cơm, bụng lúc nào cũng sôi lên vì đói quả là điều đáng sợ.
Vì hoàn cảnh gia đình, đi thi đại học tôi xác định mình chỉ có thể tiếp tục con đường học tập tại Sài Gòn, chỉ có nơi đây tôi mới có thể vừa đi làm thêm vừa học. Thế là sau những buổi học, tôi rong ruổi với chiếc xe đạp đi xin việc mọi nơi. Nhưng dạy thêm thì phải có tiền nộp cho chỗ giới thiệu việc làm, nên tôi như vô định vì chưa biết mình có thể làm gì. Buổi chiều nhá nhem tối ấy, tôi đạp xe đi học vòng cua dưới cầu Sài Gòn, qua cảng than, đường vắng người qua lại, không được sáng lắm. Tôi thấy quán cà phê nhỏ nằm bên đường để bảng cần người phụ bán cà phê. Sau một thoáng đắn đo, tôi dừng lại và vào quán gặp chủ để xin việc. Tiếp tôi là hai bác lớn tuổi người miền Tây. Tôi cũng trình bày việc tôi chỉ phụ vào buổi chiều tới đêm sau giờ học. Sau khi hỏi thăm hoàn cảnh, bác đã nhận tôi vào làm, lương tháng là 300.000 đồng và ăn cơm tối. Năm 1998 đó là số tiền không nhỏ mà lại không lo ăn cơm khi chiều tan học thì còn gì bằng!
Tôi bắt đầu công việc sau một tuần đặt chân vào Sài Gòn. Công việc của tôi cũng nhẹ nhàng. Chiều tôi đến dọn dẹp, rửa ly và các vật dụng khác, nấu nước sôi để bán buổi tối. Tôi được ăn cơm cùng gia đình của hai bác. Đó chỉ là bữa cơm đạm bạc nhưng với tôi thì có lẽ hơn cả tuyệt vời vì bác gái nấu ăn rất ngon. Nơi này tôi đã học được nhiều điều cần thiết. Tôi có thể pha cà phê và các món giải khát, thời gian sau tôi đến làm sớm hơn để phụ bác nấu cơm tối và cũng học được cách nấu nhiều món ăn của miền Nam ngon tuyệt. Bác gái hay góp ý cho tôi trong cách giao tiếp, dạy tôi những kiến thức phải có cho một cô gái khi bước ra xã hội.
Bạn tôi khi biết tôi làm ở quán cà phê đã khóc vì lo lắng, vì sợ những quán cà phê làm những điều đen tối như báo chí hay đưa tin. Nhưng tôi trấn an bạn tôi rằng, làm ở quán tôi học được rất nhiều điều. Những buổi làm đầu tiên, bác gái đã cho tôi về lúc 21 giờ vì sợ tôi đi một mình qua cầu Sài Gòn về khu báo chí của quận 2 nguy hiểm. Lần đầu tiên đi về tôi đã vừa đi vừa khóc, vừa sợ và cũng đầy tủi thân. Thế rồi mọi việc tốt hơn, tôi nâng dần giờ về sau giờ làm thêm, thêm dần tới sau này tôi có thể đi xe đạp giữa Sài Gòn một giờ sáng mà cũng không lo sợ. Nơi này, bác gái đã dỗ dành tôi khi tôi bật khóc vì một đám choai choai vào quán để hút heroin. Lần đầu tiên thấy bằng mắt những điều mình chỉ biết qua sách vở làm sao tôi không sợ. Thế nhưng bác gái đã nói: đó chính là mặt trái của xã hội, thật ra bên cạnh những người được tới trường và vượt qua hoàn cảnh như tôi, vẫn còn những đứa trẻ sớm hư hỏng vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Tôi làm ở quán Hoàng Dung hơn nửa năm thì nghỉ, vì quán cũng vắng khách, nếu không tự giác nghỉ thì sẽ là gánh nặng cho hai bác. Và vì giờ tôi cũng đã quen đường sá, tôi đi làm hai, ba chỗ khác nhau để đủ tiền cho học hành, chi tiêu. Thế nhưng, lâu lâu tôi vẫn ghé thăm hai bác, được ăn cơm ấm áp của gia đình cho thỏa bớt nỗi nhớ quê. Ngày ấy, cuộc sống quá khó khăn làm gì có số điện thoại để liên lạc. Tôi học xong năm 2002 thì về quê. Lúc trở lại Sài Gòn thì quán cũ đầy kỷ niệm đã bị san bằng, có công trình đang làm dang dở. Tôi luôn trách mình đã không lấy địa chỉ dưới quê của hai bác.
Giờ đây, tôi công tác ở công an tỉnh, phòng tôi làm chuyên mục an ninh để phát trên đài truyền hình của địa phương. Có đôi khi đồng nghiệp quay phim về các quán cà phê trá hình. Tôi thấy mình may mắn khi giữa chốn thành phố đầy rẫy cạm bẫy lại gặp hai bác hiền lành và tử tế. Có lẽ mọi người hay nhìn nhận các cô gái làm ở quán cà phê thì không tốt hay một dạng người lười biếng nào đó. Nhưng với tôi, đã từng bươn chải rất nhiều việc từ quán cà phê, quán ăn, quán nhậu... để có thể hoàn thành con đường học vấn của mình, tôi không có cái nhìn bảo thủ như thế, vì nghề nào mà không phải chảy mồ hôi và nước mắt để đổi lấy đồng lương.
Và tôi luôn nhớ về vợ chồng bác chủ quán cà phê Hoàng Dung, nơi tôi đã nhận đồng tiền lương đầu tiên và là nơi tôi đã học được nhiều điều không có trong sách vở. Hai bác giờ cũng hơn 70 tuổi rồi, nhưng biết đâu hai bác có thể đọc bài viết của tôi và nhớ về tôi, một cô bé người Quảng Ngãi đến xin việc làm, vụng về và nói giọng miền Trung khiến hai bác phải mỉm cười. Và cũng để hai bác biết rằng, với tôi hai bác là hiện thân của những gì tốt đẹp nhất.
Áo Trắng số 20 ra ngày 1/11/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận