26/06/2008 08:38 GMT+7

Quản "cá lớn", nương "cá bé"

XUÂN TRUNG
XUÂN TRUNG

TT - Cuộc đua giảm giá vé xe đò đang gây nhiều tranh cãi, đặc biệt trong tình hình giá cả xăng dầu đang quá đắt đỏ. Sự tranh cãi chủ yếu giữa những người trong cuộc với nỗi lo "cá lớn nuốt cá bé”. Đó có phải là điều đáng lo hay không khi mà giá vé càng giảm, hành khách càng được lợi?

Có thể thấy ngay rằng quả là đáng lo đối với doanh nghiệp "cá bé”. Ông chủ nhiệm Hợp tác xã xe khách Đông Bắc đã kêu: "Các doanh nghiệp lớn đang thực hiện chủ trương hạ giá vé để loại bỏ các doanh nghiệp nhỏ không gồng nổi lỗ lã”.

Không chỉ kêu, có "cá bé” đã dẫn ra hậu quả của cuộc đua: không ít hãng "sắp phá sản" hoặc "sắp giải nghệ" vì đã bán bớt xe hoặc bán toàn bộ xe.

Như vậy, câu chuyện này sẽ càng thêm căng thẳng nếu giá vé xe đò tiếp tục giảm. Lúc đó nhiều "cá bé” chắc chắn bị phá sản, bị loại khỏi cuộc đua. Và như có người cảnh báo: "cá lớn" sẽ tăng giá vé trở lại, thậm chí tăng cao để bù lại phần lỗ lã mà họ đã mất trong cuộc đua. Nếu tình huống này xảy ra thì hóa ra người tiêu dùng chẳng được lợi gì cả nếu không nói còn bị thiệt vì giá vé cao mà lại ít sự chọn lựa hơn.

Liệu có cách nào cứu "cá bé” để bảo đảm thị trường có nhiều đối thủ trong cuộc cạnh tranh này? Có ý kiến đề nghị phải đưa ra khung giá vé sàn để "cá lớn" không thể giảm giá vô tội vạ. Nhưng định khung giá sàn thì lại làm giảm đi sự cạnh tranh. Luật cạnh tranh (có hiệu lực từ 1-7-2005) đã qui định "thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp" là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh (khoản 1 điều 8). Vả lại, nếu doanh nghiệp có thể tiết giảm chi phí, đầu tư cải tiến kỹ thuật… để giảm giá thì định giá sàn quả là không có lợi cho người tiêu dùng.

Vậy có cách nào để các doanh nghiệp cạnh tranh giảm giá vé mà "cá lớn" không nuốt "cá bé”? Theo một chuyên gia về chống độc quyền, đó là cách quản "cá lớn" và nương "cá bé”. Đây là công cụ hữu hiệu mà nhiều quốc gia đã áp dụng thành công. Họ qui định rất rõ rằng các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường (chiếm phần lớn thị phần) muốn tăng hay giảm giá phải giải trình rõ ràng lý do và được sự đồng ý của một cơ quan nhà nước, chứ không thể giảm giá bao nhiêu cũng được. Còn các doanh nghiệp nhỏ hay doanh nghiệp mới gia nhập thị trường có thể điều chỉnh giá thoải mái (chỉ cần báo cáo, không cần sự đồng ý của nhà nước). Đây là cách khuyến khích và bảo vệ những doanh nghiệp "cá bé”, bởi nếu không họ sẽ khó tồn tại khi các doanh nghiệp lớn tung ra các chiêu "lấy thịt đè người". Luật cạnh tranh của ta cũng có qui định "doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể" (khoản 1 điều 11), nhưng không qui định các doanh nghiệp này phải giải trình khi muốn điều chỉnh giá. Điều này rất cần được xem lại để bảo đảm tạo lập một môi trường cạnh tranh lành mạnh có lợi cho người tiêu dùng.

Bà Trần Ngọc Bình, nguyên thứ trưởng Bộ Bưu chính - viễn thông, từng nói rằng nếu qui định con số 30% thì diện doanh nghiệp thống lĩnh thị trường sẽ không ít và sẽ gây phức tạp cho cơ quan quản lý cạnh tranh. Bởi Nhà nước quản càng ít và càng hiệu quả càng tốt. Chính nhờ sự mở ra cạnh tranh trong viễn thông mà hiện nay giá cước điện thoại di động ngày càng giảm. Chứ trước đây mặc dù giá cước cao, VNPT vẫn không bị áp lực phải giảm giá. Đến khi xuất hiện nhiều doanh nghiệp viễn thông cạnh tranh dữ dội cũng từng có ý kiến phải có giá sàn cước viễn thông. May mà điều này đã không xảy ra.

Tất nhiên, chuyện cạnh tranh trong viễn thông không hoàn toàn giống trong vận tải, nhưng về nguyên lý cạnh tranh vẫn không khác mấy. Càng có nhiều doanh nghiệp cạnh tranh, người tiêu dùng càng được lợi với điều kiện Nhà nước giữ được vai trò trọng tài kiểm soát giá của các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường.

XUÂN TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên