13/12/2006 15:15 GMT+7

Qua vụ 2 giáo sư nổi tiếng bị TNGT: Không chỉ là nỗi đau!

Theo BẢO MINH - TRẦN THANHSài Gòn giải phóng
Theo BẢO MINH - TRẦN THANHSài Gòn giải phóng

Tuần qua, tin buồn liên tiếp đến với giới khoa học: hai vị giáo sư đầu ngành của thế giới và VN bị tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc vì xe máy ở Hà Nội. Một người vẫn đang trong tình trạng nguy kịch, một người đã tử nạn.

8XCqMagW.jpgPhóng to
Cảnh sát giao thông xử lý vi phạm giao thông trên xa lộ Hà Nội (TP.HCM) - Ảnh: VIỆT DŨNG

Nỗi lo trên đường đi

Hôm thứ ba tuần trước (5-12), khi nhà toán học nổi tiếng thế giới, GS Seymour Papert thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (Hoa Kỳ) đang đi bộ trên đường phố Hà Nội thì bị một chiếc xe máy phóng nhanh đâm phải. Ngay sau đó, ông được đưa vào Bệnh viện Việt - Pháp, nhưng vẫn đang trong trạng thái hôn mê và theo lời đồng nghiệp của ông, khả năng tử vong vẫn rất cao.

Sự việc còn đang gây sốc trong dư luận lại có thêm một tin sốc nữa: GS-VS Nguyễn Văn Đạo, nhà cơ học hàng đầu VN, hiện là Chủ tịch Hội đồng Khoa học tự nhiên, Hội đồng Khoa học quốc gia, đã qua đời ngày 11-12 tại Bệnh viện Việt - Đức vì tai nạn giao thông. Trước đó, vào tối 9-12, ông bị một xe máy đâm phải khi đang đi bộ trên đường về nhà ở khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính.

Người thân của cả hai vị giáo sư đều từ chối bình luận nhiều về tai nạn, nhưng dư luận cho rằng, đây không chỉ là nỗi đau mà còn là nỗi hổ thẹn. GS Nguyễn Lân Dũng, người có nhiều kỷ niệm với GS-VS Nguyễn Văn Đạo, đau xót thốt lên: “Chúng tôi oán hận người đi xe máy bất cẩn đã gây nên điều có thể coi là một tội ác nghiêm trọng này”.

Ở một đất nước thanh bình, nơi mà nhiều vị nguyên thủ quốc gia trên thế giới có thể đi bộ ngắm cảnh quanh Hồ Gươm, thì cách hành xử khi tham gia giao thông lại đang ở mức thấp nhất về văn hóa. Không chỉ với người nước ngoài, ngay cả nhiều người dân VN ở đô thị khi ra đường đều có chung nỗi lo... tai nạn. Ngay một cảnh sát giao thông ở Hà Nội mà chúng tôi gặp cũng nói rằng bản thân anh cũng rất sợ tai nạn. “Đi xe trên đường Hà Nội không biết đâu mà lường, ai cũng có thể sơ ý phạm luật, húc phải mình”…

Sẽ có một chiến lược quốc gia về ATGT

wfo7uXGg.jpgPhóng to
Phần lớn vụ TNGT là do thiếu ý thức của người điều khiển phương tiện - Ảnh: SONG PHA
Ở thành phố, có thể nói xe máy chính là nỗi lo sợ nhất đối với người đi bộ. Xe máy là nguyên nhân gây ra 70%-80% số vụ tai nạn giao thông. Xe máy đi chung dòng với ô tô, xe đạp, khi cần leo lên vỉa hè, phá vỡ quy tắc phân làn trên đường, rồi phóng nhanh, vượt ẩu...

Thống kê qua các vụ tai nạn xe máy cho thấy trên 50% người tham gia giao thông không dùng đèn báo khi chuyển hướng, 85% không dùng còi đúng quy định, 70% không dùng phanh tay, 90% không sử dụng đúng quy định bóng đèn chiếu sáng xa gần…

Nói tóm lại, ý thức tham gia giao thông của người đi xe máy đang là vấn đề nghiêm trọng, khiến giao thông xe máy trở thành nỗi kinh hoàng cho người đi bộ. Trên thực tế, để bảo vệ an toàn giao thông, ở đô thị các nút giao thông đều có tín hiệu đèn dành cho người đi bộ. Nhưng theo phản ánh của nhiều người dân, thời gian đèn xanh dành cho người đi bộ qua đường quá ngắn. Mặt khác, thời gian dành cho người đi bộ lại cũng chính là thời gian cho xe cơ giới rẽ trái hay rẽ phải giao cắt với người đi bộ, vì vậy người đi bộ rất dễ dàng bị các loại xe cơ giới đụng phải. Đó là chưa nói đến, với một số người tham gia giao thông ý thức kém, tín hiệu đèn giao thông dường như không có tác dụng.

- Theo thống kê của các ngành chức năng, tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra trên 12.000 vụ TNGT, làm chết gần 11.000 người và làm bị thương 10.000 người. Mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á công bố mức thiệt hại do TNGT tại VN mỗi năm là 885 triệu USD, chiếm hơn 5,5% tổng thu ngân sách cả nước/năm.

- Trước mắt, để bảo đảm trật tự ATGT trong dịp Tết Đinh Hợi sắp tới, Ủy ban ATGT quốc gia và Bộ GT-VT sẽ đề ra các phương án tổ chức, phân luồng giao thông, tăng cường và phối hợp lực lượng hướng dẫn điều tiết giao thông, chống lấn chiếm hành lang ATGT để hạn chế ùn tắc giao thông, nhất là vào những ngày giáp Tết, trọng điểm là Hà Nội và TP.HCM.

Nhìn rộng ra, mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng việc giảm TNGT trong những năm qua vẫn chưa bền vững. Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, thừa nhận: mặc dù các giải pháp ATGT không thiếu, nhưng việc tổ chức thực hiện còn chưa triệt để, sâu rộng và thường xuyên.

Mặt khác, việc thực hiện cũng chưa mang tính chuyên nghiệp cao, chưa theo một lộ trình khoa học với những thứ tự ưu tiên cụ thể. Do đó làm cho công tác ATGT trở nên dàn trải, phân tán và không phát huy hiệu quả tối đa các nguồn lực.

Để khắc phục tình trạng trên, Ủy ban ATGT quốc gia và Bộ GT-VT hiện đang xây dựng để trình Chính phủ Chiến lược ATGT quốc gia giai đoạn 2006-2016. Chiến lược này đề cập một cách toàn diện những vấn đề có liên quan đến công tác ATGT, trong đó có ba lĩnh vực chính: giáo dục ý thức cho người dân; cải thiện cơ sở hạ tầng và phương tiện giao thông; và cưỡng chế, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

“Điểm quan trọng trong chiến lược này là phân cấp trách nhiệm rõ ràng của các bộ, ngành, địa phương trong công tác ATGT”, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết.

Tuy nhiên, dù có thực hiện giải pháp gì đi nữa thì ý thức của tự thân người tham gia giao thông vẫn rất quan trọng. Mỗi người VN khi bước ra đường, cần phải thấy được trách nhiệm đối với tính mạng của mình và của người khác, tránh đi những nỗi đau ngày càng lớn và sự hổ thẹn không đáng có.

Theo BẢO MINH - TRẦN THANHSài Gòn giải phóng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên