Với sự dẫn đường của “cò”, lúc 16g19 xe 33H... chạy qua trạm cân mà không rẽ vào cân xe!. Qua khỏi trạm cân 2km, xe của “cò” dừng lại để trả lơ về với xe tải! - Ảnh: T.T.D. |
![]() |
Lúc 16g12 ngày 9-3, xe 33H... ngừng trước nghĩa trang liệt sĩ Trảng Bom, cách trạm cân 3km. Lơ xe xuống “nói chuyện“ với “cò” và sau đó ngồi lên xe “cò” chạy dẫn đường cho xe tải - Ảnh: T.T.D. |
Dò hỏi, chúng tôi được cánh tài xế cho biết do bị động nên “cò” gọi điện “chỉ đạo” phải ém lại dọc đường để nghe ngóng tình hình. Đến giữa trưa, sau khi nhận tín hiệu từ “cò”, đoàn xe tải từ hai hướng ầm ầm lăn bánh qua trạm. Một số xe sau khi gặp “cò” tại trước nghĩa trang liệt sĩ Trảng Bom đã tiếp tục dùng chiêu cũ lưu thông vào làn xe hai bánh, số còn lại đi đường vòng qua các tỉnh lộ để né trạm.
“Cò” xuất chiêu mới, tiếp tục lộng hành
![]() |
Xe tải chở nặng qua trạm cân nhưng không có lực lượng CSGT và thanh tra giao thông làm nhiệm vụ - Ảnh: H.K. |
Tài xế H. cho biết xe ông vào đến điểm hẹn gần khu vực cây xăng ÔĐ (Long Khánh) thì một “cò” đến hỏi “có qua trạm cân không?”. Ông H. nói có, “cò” ra giá 300.000 đồng. “Cò” lên xe chạy trước, xe ông H. chạy theo sau. Gần đến hệ thống camera quan sát, “cò” ra hiệu cho ông H. chạy vào làn xe hai bánh rồi ung dung vượt trạm. Ngang qua chốt cảnh sát giao thông (CSGT), một viên CSGT nhìn vào biển số xe ông H. rồi ngó lơ chỗ khác. Đến ngã tư đèn xanh đèn đỏ đối diện Bưu điện Trảng Bom, “cò” bước đến thò tay qua cabin lấy tiền rồi biến mất.
Tài xế T. của xe 77H... cho biết rạng sáng 9-3, ông nhờ “cò” dắt qua trạm bằng cách né camera quan sát với giá “chặt đẹp” 500.000 đồng. Một số tài xế xe tải chạy tuyến Bắc - Nam cho biết tại quán cà phê đối diện quán cơm TT (Long Khánh), “cò” Tí chuyên lo lót cho xe quá tải qua trạm cân.
13g ngày 9-3, chúng tôi phục trước quán cơm HP 2 (cách trạm cân khoảng 1,5km) để quan sát. 13g30, xe 76K-81... chở hai chiếc xe lu đi từ hướng ngã ba Dầu Giây dừng trước quán cơm. Lập tức có hai “cò” đi xe máy cặp trước đầu xe tải. Ngay lúc đó, ôtô biển số 52V... là chủ hàng áp tải theo xe cũng vừa xuất hiện. Một người đàn ông trên ôtô xuống gặp “cò” trao đổi gì đó, hai phút sau hai “cò” lên xe máy phóng đi, xe tải và xe du lịch rồ ga bám theo sau.
Đến ngã ba đèn xanh đèn đỏ cách hệ thống quan sát và cân sơ bộ khoảng 200m, hai “cò” khoát tay ra hiệu cho tài xế xe tải chuyển hướng rẽ trái vào đường đất chạy song song quốc lộ 1A. Đến trước Công ty TNHH Shing Mark Vina (thuộc Khu công nghiệp Bàu Xéo), xe tải rẽ trái vào đường An Viễn thẳng về hướng Long Thành. Hai “cò” dẫn đường vẫn giữ khoảng cách phía trước.
Đến ngã ba đồi 61, xe tải tiếp tục rẽ phải vào đường Vườn Ngô, chạy khoảng 300m đoàn xe ra đường Lê Duẩn (khu phố 4, thị trấn Trảng Bom) rồi thẳng ra ngã ba Cây Gáo. Quốc lộ 1A hiện ra trước mắt, sau lưng là trạm cân Dầu Giây. Một trong hai “cò” bước đến xe tải nhận một vật gì đó rồi lên xe phóng ngược về hướng trạm cân.
Theo ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ, lộ trình của đoạn đường này khoảng 2,5km. Điều đáng nói là trong khi giới hạn tải trọng của đường chỉ 10 tấn nhưng hầu hết xe lưu thông trên các tỉnh lộ này đều chở không dưới 30 tấn. Ngồi quan sát tại ngã ba Vườn Ngô - Lê Duẩn trong một giờ, chúng tôi ghi nhận có khoảng 20 xe chở hàng quá tải ra vào tỉnh lộ để né trạm cân. Nhiều xe ben chở đất cao lút thùng nối đuôi nhau né trạm. 14g10, xe 60V-07..., 61H-36..., 60N-88..., 60M-79..., 60N-82... chở hàng nặng trĩu chạy vào đường tránh để qua trạm cân một cách bình an vô sự. Xe nào mới đi lần đầu thì có “cò” dẫn đường, xe nào đã thông thuộc thì tự đi.
Tối 9-3, các tài xế cho biết sau khi bị báo chí điểm mặt, một số “cò” đã phát kiến ra chiêu mới để qua trạm cân bằng cách hướng dẫn tài xế chạy bám đuôi xe container để né camera với giá 200.000 đồng (do thùng container dài và cao nên tầm quan sát của camera bị che khuất, không ghi lại được biển số cũng như hình dạng xe tải).
Né trạm ầm ầm cả ngày lẫn đêm
![]() |
Xe quá tải được “cò” dẫn đường đi vào Vườn Ngô ra ngã ba Cây Gáo để né trạm cân - Ảnh: H.K. |
Việc tham gia xử lý đối với các trường hợp xe chở quá tải tại trạm cân thuộc về hai lực lượng CSGT và thanh tra giao thông. Theo phân cấp trách nhiệm, khi hệ thống cân sơ bộ báo hiệu có xe quá tải thì CSGT ra hướng dẫn vào bàn cân tĩnh để cân tải trọng. Nếu dư tải thì thanh tra giao thông lập biên bản xử lý. Như vậy, khi một trong hai lực lượng này vắng mặt hoặc vắng cả hai (cụ thể là trọn chiều 9-3) thì coi như năng lực cưỡng chế tại trạm cân sẽ là con số 0. Xe quá tải vào trạm mà không có CSGT ra hiệu dừng xe đưa vào bàn cân thì cũng... bó tay. Ngược lại khi vắng bóng thanh tra giao thông thì CSGT không thể ra biên bản xử phạt.
Tuy nhiên, trong những ngày đi thực tế tại trạm cân Dầu Giây, chúng tôi thấy rất ít khi có mặt cùng lúc cả hai lực lượng CSGT và thanh tra giao thông. 15g ngày 9-3, chúng tôi rời đường tránh để tiếp cận trạm cân Dầu Giây. Mưa tầm tã. Chốt gác CSGT nằm bên kia đường làm nhiệm vụ phối hợp với trạm cân chỉ còn một... chiếc mũ nằm trơ trọi trên bàn. Khu vực làm việc của lực lượng thanh tra giao thông cũng không một bóng người. Trong các cabin điều hành trạm cân, một vài nhân viên ngồi chăm chú trên màn hình vi tính.
Khác với không khí làm việc lặng lẽ, âm thầm bên trong trạm cân, ngoài đường xe cộ nối đuôi nhau lũ lượt phóng ào ào qua trạm. Xe tải chở hàng nặng qua trạm cân không cần “tế nhị” rà thắng mà ngang nhiên thẳng tiến. Thỉnh thoảng, một vài chiếc chở đúng tải tự động rẽ vào bàn cân, còn hầu hết làm ngơ phóng đi như không hề có sự tồn tại của một trạm cân ở đây. Gần hai giờ quan sát, chúng tôi thấy hệ thống cân cảm ứng sơ bộ phát tín hiệu liên tục (báo hiệu có xe quá tải) nhưng hầu hết những xe này đều ung dung vượt trạm mà không bị bất kỳ một hình thức cưỡng chế nào.
Tương tự, tại các tỉnh lộ, việc phối hợp tuần tra, xử phạt xe quá tải né trạm cũng không được lực lượng CSGT và thanh tra giao thông chú trọng xử lý triệt để. Một số người dân cho biết mấy ngày nay xe tải né trạm cân chạy ầm ầm cả ngày lẫn đêm. Mấy ngày trước, thỉnh thoảng CSGT và thanh tra giao thông còn có mặt, nhưng gần đây chẳng thấy bóng dáng họ đâu!
* Thượng tá Trần Minh Phương (chánh văn phòng Công an tỉnh Đồng Nai): Chưa phát hiện chuyện móc ngoặc! Khi CSGT phát hiện xe lấn làn phải bắt buộc xe vi phạm quay đầu lại để xử lý. Trong quy trình phối hợp cũng quy định rõ CSGT khi phát hiện các xe có dấu hiệu vi phạm có quyền ra hiệu cho xe này vào kiểm tra, hoặc phối hợp với lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, công an huyện yêu cầu những xe quá tải, quá khổ tránh trạm quay về trạm để xử lý. Nhưng trên thực tế, khó khăn đã nảy sinh là bàn cân đưa vào hoạt động xảy ra những điều chưa hợp lý. Đó là việc thiết kế bàn cân trên làn đường ôtô nhưng xe tải đã né, chạy qua làn xe môtô, trong khi camera theo dõi cũng không có. Tôi nghĩ có thể vì mới hoạt động nên ngành giao thông vận tải chưa lường hết được việc này. Khi trạm cân Dầu Giây vừa đi vào hoạt động, “cò” dẫn đường xe quá tải né trạm đã xuất hiện. Sau khi Công an huyện Trảng Bom bắt được một “cò” dẫn xe quá tải, ban giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai đã họp và chỉ đạo lực lượng CSGT tỉnh, Công an huyện Trảng Bom khẩn trương phối hợp với các lực lượng liên quan đặt các biển báo hạn chế ở các đường mà xe tải thường né trạm cân như đi ngã ba Dầu Giây về tỉnh lộ 769, xã Đồi 61... để công an có cơ sở xử lý các trường hợp vi phạm. Đối với một bộ phận “cò” là xe ôm, công an tỉnh cũng yêu cầu Công an huyện Trảng Bom vận động, tuyên truyền cho họ biết không nên dẫn đường cho xe quá khổ, quá tải né trạm cân. Đến giờ này ngành công an chưa phát hiện trường hợp nào móc ngoặc. Nếu có thì đó là hành vi nhận hối lộ và sẽ xử lý nghiêm minh theo pháp luật. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận