Quá tải!
Vào những ngày này, tại UBND hầu hết các phường, xã luôn đông người đến xin công chứng, chứng thực. Đánh giá ban đầu của UBND các phường, xã, số lượng trường hợp yêu cầu công chứng, chứng thực gấp nhiều lần so những tháng đầu năm. Nhất là khi Nghị định 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực.
Ông Nguyễn Viết Lãng - Phó Chủ tịch UBND xã Việt Long - huyện Thanh Trì cho biết: "Trung bình mỗi ngày cán bộ tư pháp tiếp nhận khoảng 90 trường hợp cấp giấy tờ chứng thực bản sao từ bản chính và các công việc công chứng khác tăng 200% so với cùng thời điểm năm ngoái. Theo quy định mới, nhân dân được tạo điều kiện hơn trước, giảm thủ tục hành chính.
Tuy nhiên để đáp ứng mong mỏi của người dân, có nhiều tuần các cán bộ tư pháp của xã phải làm việc cả ngày thứ bảy. Trước tình trạng số lượng văn bằng yêu cầu công chức, chứng thực quá nhiều, UBND xã đã cử thêm 1 cán bộ tư pháp để tăng cường lực lượng tư pháp của xã".
Tương tự, trong hai ngày 25 và 26-7, tại phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm số lượng người dân đến công chứng, chứng thực tăng khoảng 100% so với thời điểm đầu tháng 6. Ông Trịnh Mạnh Khương - Chủ tịch UBND phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm nói: "Để đảm bảo cán bộ tư pháp hoàn thành cả 10 nội dung trong công tác của mình, chúng tôi chỉ tập trung công chứng, chứng thực vào một buổi trong ngày. Vì vậy, tình trạng quá tải luôn diễn ra".
Yêu cầu công chứng, chứng thực ở các phường như: Phương Liên, Thanh Nhàn cũng không khả quan hơn.
Tập huấn... cưỡi ngựa xem hoa
Một trong những vấn đề đặt ra cho các cán bộ tư pháp cấp phường (xã), quận (huyện) là trình độ nghiệp vụ có hạn. Hầu hết các cán bộ tư pháp cấp phường (xã) đều được tập huấn nghiệp vụ tại quận (huyện) do cán bộ, lãnh đạo phòng công chứng nhà nước thực hiện.
Trong buổi tập huấn, các cán bộ tư pháp được xem văn bằng, giấy tờ giả mạo để có thể phân biệt và một số dấu hiệu để có thể nhận biết các giấy tờ, văn bằng giả. Tuy nhiên thời gian tập huấn chỉ gói gọn trong 1 buổi hoặc 1 ngày để có thể xác định chính xác văn bằng giả là điều không phải dễ. Nhiều ý kiến từ các cán bộ tư pháp lâu năm cho rằng ngoài dụng cụ hỗ trợ trong công tác tư pháp, cán bộ tư pháp phải có kinh nghiệm thực tế. Với thời gian chỉ 1 buổi đến 1 ngày tập huấn thì quá ít.
Ông Nguyễn Văn Đỉnh - Phó Chủ tịch UBND xã Đông Mỹ - huyện Thanh Trì cho rằng: "Cần phải tăng cường thêm công tác tập huấn cho cán bộ tư pháp cấp phường (xã). Vì cán bộ tư pháp cấp phường xã chưa được đào tạo chuyên sâu về công chứng, chứng thực". Cùng chung quan điểm như vậy, ông Đỗ Văn Nghị - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn, Hà Nội có ý kiến: "Cần phải tăng cường cán bộ tư pháp cho cấp phường (xã) để tránh tình trạng quá tải và đảm bảo công việc chứng thực, công chứng tại đây chính xác".
Với thời gian chỉ từ 1 buổi đến 1 ngày, công tác tập huấn cho cán bộ tư pháp cấp phường (xã) chỉ như "cưỡi ngựa, xem hoa". Nên chăng các cán bộ tư pháp cấp phường (xã) phải được đào tạo chuyên sâu hoặc ít nhất là đào tạo ngắn hạn để có chuyên môn cao hơn về công tác công chứng, chứng thực trong thời gian tới.
Theo Nghị định 79/2007/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chứ ký như sau:
Phòng tư pháp huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh (gọi là phòng tư pháp cấp huyện) có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực bản sao từ bản chính và các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài; chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt và ngược lại; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài.
UBND xã, phường, thị trấn (gọi là UBND cấp xã) có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt...
Thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính, chữ ký quy định không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận