Phóng to |
Mô hình cầu Mỹ Lợi |
Theo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, đến cuối tháng 3-2010 sẽ thông xe cầu Cần Thơ - chiếc cầu dây văng dài nhất Đông Nam Á nối tỉnh Vĩnh Long và TP Cần Thơ. Như vậy, còn vài tháng nữa mọi người đi và về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sẽ không còn lo cảnh kẹt phà Cần Thơ.
Chúng tôi đến công trình xây dựng cầu Hàm Luông nối TP Bến Tre và huyện Mỏ Cày (tỉnh Bến Tre), nơi đang có khoảng 300 kỹ sư và công nhân xây cầu. Sau gần hai năm rưỡi thi công, đến ngày 22-11-2009 cầu Hàm Luông dài 1.277,2m và rộng 16m đã làm lễ hợp long nối đôi bờ sông Hàm Luông. Theo Ban quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông vận tải), các đơn vị thi công đang phấn đấu thông xe cầu Hàm Luông trước Tết Nguyên đán 2010. Và như vậy tết này người dân không còn sợ cảnh kẹt phà và chờ phà Hàm Luông.
Trong khi đó, Sở Giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Long cho biết kế hoạch trước tết âm lịch 2010 tỉnh sẽ thông xe cầu Trà Ôn thay phà Trà Ôn. Theo Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, kế hoạch đến năm 2011 sẽ hoàn thành xây dựng cầu Đầm Cùng trên tuyến quốc lộ 1 từ Cà Mau về Năm Căn. Ban quản lý dự án 7 còn cho biết đang xúc tiến dự án xây dựng cầu Mỹ Lợi trên quốc lộ 50 thay phà Mỹ Lợi và dự kiến cuối quý 2-2010 sẽ khởi công với tổng vốn đầu tư khoảng 1.600 tỉ đồng.
Tiếp nối cầu Hàm Luông, trong tương lai người dân tỉnh Trà Vinh sẽ đi TP.HCM nhanh hơn nữa khi xây dựng cầu Cổ Chiên (nối tỉnh Bến Tre và Trà Vinh) thay phà Cổ Chiên. Như vậy, khi có cầu Cổ Chiên, tỉnh Bến Tre mới thật sự không còn là một “ốc đảo” vì cầu và đường nối liền Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang.
Cầu Vàm Cống (An Giang - Đồng Tháp) sẽ được xây dựng có quy mô lớn như cầu Cần Thơ, còn cầu Cao Lãnh sẽ được xây dựng có quy mô lớn như cầu Mỹ Thuận. Khi có những chiếc cầu này, người dân sẽ không còn nỗi nhọc nhằn chờ phà Vàm Cống và phà Cao Lãnh. Một cán bộ Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết Chính phủ Úc đã đồng ý viện trợ hơn 10 triệu USD để thiết kế kỹ thuật cầu Cao Lãnh và sau khi có kết quả về thiết kế kỹ thuật, Chính phủ Úc sẽ xem xét viện trợ công trình này.
Trong khi đó, các đơn vị chức năng đang lập dự án hỗ trợ kỹ thuật dự án xây dựng cầu Vàm Cống bằng nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đồng thời các cơ quan thẩm quyền cũng đang xem xét vay vốn ODA của Hàn Quốc.
Hai chiếc cầu trên sẽ kết nối với đường cao tốc Lộ Tẻ (Cần Thơ) - Rạch Sỏi (Kiên Giang) sẽ được xây dựng và liên kết với dự án đường hành lang ven biển phía nam từ Năm Căn (Cà Mau) đến Hà Tiên (Kiên Giang). Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, đến năm 2015 các tỉnh miền Tây sẽ có cầu Cao Lãnh và Vàm Cống. Khi đó các cầu này kết nối với đường Hồ Chí Minh thì lưu thông TP.HCM - miền Tây sẽ rút ngắn được 70km.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận