![]() |
Già làng A Lăng Zeng với loài lá ngón cực độc - Ảnh: Tấn Vũ |
Kỳ 1: Những chiến binh của đại ngàn
Giải phóng đồn A Pal
Lá ngón có tên khoa học là Gensemium elegans benth (Medica elegant Gandn), còn có các tên gọi khác là thuốc rút ruột, hồ mạn trường, hồ mạn đằng, đại trà đằng, hoàng đằng, câu vẫn, đoạn trường thảo... Lá ngón thuộc họ cây bụi, thân gỗ nhỏ thẳng, mọc phổ biến ở vùng núi nước ta. Ở VN và Trung Quốc, lá ngón được xem là một trong bốn loài cây độc nhất (độc bảng A). Lá ngón thường mọc ở vùng núi có độ cao 200-2.000m. Lá ngón còn được tìm thấy ở Bắc Mỹ, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, đông bắc Thái Lan và Myanmar... |
A Lăng Zeng kể lại: “Đó là một sáng mùa hè tháng 8-1960, thằng Dũng đồn trưởng có biệt danh Dũng “sáu ngón” xua quân giết hại dân lành một cách dã man. Được cấp trên giao nhiệm vụ, sáu du kích trong bản gồm tôi, A Lăng Úa, A Lăng Hú, A Lăng Pó, A On và Bnước Nai quyết định đánh đồn.
Chiều trước đó một ngày, tôi huy động anh em trong làng chia nhau tìm lá ngón. Đêm tối trời, sáu anh em chia nhau giã nhỏ lá ngón, suốt đêm vận chuyển đến con suối đầu đồn mai phục. Tờ mờ sáng, đợi khi thằng đầu bếp đi lấy nước về nấu cơm, anh em quyết định ngâm tất cả lá ngón hái từ hôm trước đã giã nhuyễn xuống suối. Một màu xanh lơ hòa theo dòng nước chảy về xuôi. Bữa cơm sáng hôm đó trở thành một trận ngộ độc tập thể kinh hoàng của đám lính. Cả đồn nháo nhào, một giờ sau, kết quả có hơn 30 tên địch bị ngộ độc thức ăn mà chết.
Ngay trong ngày hôm đó, địch điều động nhiều chuyến trực thăng chở tất cả quân binh đi cấp cứu. Chúng còn chở cả lương thực, thực phẩm về miền xuôi vì nghi có người đầu độc trong gạo. Nhưng đến khi chúng phát hiện lá ngón ngâm ở con suối thượng nguồn thì chuyện đã rồi. Từ ngày đó địch không còn dám dùng nước suối để sinh hoạt mà chở từng phuy nước bằng máy bay để dùng. Đồn A Pal bị cô lập, ít lâu sau thì giải phóng”.
Già A Lăng Zeng còn kể người Cơ Tu nhiều đời trước đã biết dùng lá ngón và độc dược để đánh Pháp. Già Zeng nhớ lại: “Khi đó tôi mới 13 -14 tuổi, chưa đánh trận được nhưng thấy ghét chúng. Tôi còn nhớ, làng của tôi đã giết nhiều quân Pháp bằng lá cây này. Họ thu được bốn khẩu súng về bảo tôi đem giấu trong núi”.
“Ma ngón” ở Tr’hy
Gần 9 giờ sáng nhưng đường vào xã vùng cao Tr’hy của huyện Tây Giang vẫn chìm trong sương núi. Màn sương đặc quánh bám lấy chân người chợt tan nhanh khi mặt trời xuất hiện. Nửa giờ sau, nắng rót đều cả cánh rừng. Rừng già vàng óng như ai rót mật. Con đường vào làng xuyên qua những cánh đồng hoang, cỏ tranh dại lúp xúp vai người. Từng đàn ong cần mẫn hút mật bên những rừng hoa vàng rực rỡ. Làng Tr’hy nằm ở lưng chừng đồi với những dãy nhà đan xen nhìn xuống thung lũng xanh thẳm bạt ngàn trước mặt.
Già làng Coor Tic lui cui gọt tỉa những bức tượng nhà mồ tuyệt đẹp dành cho người chết. Gần chục bức tượng to bằng bắp tay, dài hơn gang tay với những hình thù kỳ quái, trong đó có một bức tượng người phụ nữ mang bầu ngồi khóc thảm thiết. Ngừng tay rựa, Coor Tic thở dài: “Bức tượng này mình làm cho con Tía ở làng bên cạnh. Em gái nó, con Tài, mới chết cách đây ba ngày, nó khóc dài ngoài rẫy, mình làm tượng để ngoài mồ cho con Tài biết nỗi lòng của chị”.
Chỉ vì xấu hổ với nhà chồng mà Tài tìm đến cái chết bằng lá ngón. Trước đó, nhà chồng có đám cưới, Tài có mời cha ruột của mình băng rừng từ A Lưới (Thừa Thiên - Huế) vào dự. Trong men rượu chếnh choáng, cha ruột của Tài có ý xin cha chồng một cái ché làm kỷ niệm. Ý định này không được chấp thuận, xấu hổ với nhà chồng, Tài ra rẫy nhai lá ngón kết liễu đời mình.
Tiếc thương người chết, khắc tượng để ở nhà mồ cho linh hồn người chết siêu thoát, nhưng về phần mình Coor Tíc vẫn đinh ninh cái chết của Tài là do “ma ngón” dẫn lối. Theo già Tíc, trước đây việc lá ngón lần đầu tiên được phát hiện tại làng Tr’hy là nỗi hãi hùng cho người dân bản địa. Cây ngón mọc sâu trong rừng già và ít khi thấy nó. Thế nhưng từ ngày một người dân phát hiện lá ngón, loài cây này cứ tràn về sinh sôi nảy nở nhanh chóng một cách lạ thường khắp bản làng. Nơi nào có phên dậu, có giàn leo là có lá ngón. Những cánh rẫy cũ, cây cỏ mọc ngang vai người là thiên đường cho loài cây này bộc phát. “Có lần tôi phát hiện cây ngón leo ngay vườn rào nhà mình. Vợ tôi ngửa mặt lên trời than: “Ma ngón đã đến nhà mình!”. Hoảng quá, tôi đào gốc chặt cây băm nát, đốt và xúc tro đi đổ ngoài suối. Nhưng ít lâu sau nơi đó một cây ngón con lại đâm chồi nảy lộc” - Coor Tic than vãn.
Dẫn chúng tôi ra cánh rừng đầu thôn, bứt một cành lá xanh, Coor Tic nhăn trán: “Đó! Ngón chính là hắn đó. Nó mọc nhanh hơn lúa, lớn mau hơn bắp. Đọt lá ngón có màu xanh non mơn mởn và dịch chuyển theo hướng mặt trời như hoa hướng dương. Người Cơ Tu cho rằng thời khắc đứng trưa, lúc đọt cây ngón thẳng đứng là độc tố của nó phát huy hết tác dụng, cực kỳ nguy hiểm. Người lớn chỉ cần nhai nuốt ba lá ngón là hết phương cứu chữa. Lá to nhất của cây ngón chỉ bằng hai ngón tay. Như để che giấu sự tàn độc của mình, cây ngón nở hoa đẹp rạng ngời, hoa ngón nổi bật giữa rừng già trong nắng trưa. Hoa có năm cánh vàng rực rỡ và nhụy li ti quyến rũ lạ thường. Người Cơ Tu cho rằng con ong không hút mật cây ngón vì khả năng nhận biết của loài vật này, nhưng con dê, con mang núi vẫn ăn lá ngón một cách bình thường mà không chết vẫn còn là điều bí ẩn của rừng xanh.
Kết thúc về câu chuyện lá ngón, già làng A Lăng Zeng trầm ngâm: “Không có con ma ngón nào hiện hữu cả. Muốn diệt trừ ma ngón phải diệt trừ trong sâu thẳm ý thức của người dân. Phải lý giải cho người dân hiểu rằng có nhiều cách giải quyết mâu thuẫn hơn là tìm đến cái chết bằng lá ngón. Có như vậy mới bị diệt trừ tận gốc “ma ngón” và mang lại cuộc sống yên bình cho người dân khốn khó ở chốn xa xôi này”.
Bắt đầu từ ý thức của già làng, hẳn những nỗi sợ hãi về ma ngón sẽ bớt đi nỗi ám ảnh cho vùng biên ải này...
Đón đọc số tới: Những âm mưu quanh trái bóng Phía sau tỉ số trận đấu, phía sau nước mắt, nụ cười của thắng - thua trong bóng đá, thế giới tội phạm toàn cầu đã sắp đặt những âm mưu như thế nào? Một nhà báo đã thâm nhập sâu vào các đường dây tội phạm từ Á sang Âu và mang về những tường trình nóng bỏng... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận