07/06/2010 02:57 GMT+7

Qua miền độc dược

TẤN VŨ
TẤN VŨ

Người Cơ Tu sống ở những miền đất nơi đầu nguồn con nước. Giữa chốn núi rừng thâm u đơn độc, ngàn đời nay họ khéo léo biến nguồn độc dược trong thiên nhiên thành phương kế tìm miếng ăn, bảo vệ bản làng và chống lại kẻ thù xâm lược...

z0zQQGDT.jpgPhóng to

Già Clâu Nâm với những mũi tên độc chứa những bí quyết về chất độc Ch’pơơr - Ảnh: Tấn Vũ

Chiến binh Clâu Nâm

Tôi vào làng Pơning lúc trời chập choạng tối. Già làng Clâu Nâm đãi khách bằng món thịt heo xông khói. Hũ rượu sâm Ba Kích màu tím có mùi đắng chát vơi dần bên bếp lửa. Ngoài trời sương đêm bắt đầu lộp độp trên tàn cây.

Clâu Nâm tuổi đã ngoài 80, người đàn ông trải qua hai cuộc trường chinh nhưng so với trai tráng trong làng bây giờ ông vẫn là tay “cự phách”. Bởi chỉ mình ông mới có khả năng chế nhựa độc từ Ch’pơơr thành kịch độc. Ngày xưa, người làng Pơning sống bằng việc săn bắn thú rừng thì ông là thợ săn giỏi nhất.

Già Nâm kể: “Hồi đó, những con heo rừng nặng hơn 1 tạ trúng tên độc chạy chưa đầy 100m bị khô máu, đứng tim mà chết. Bây giờ thì không còn săn con hổ nữa, nhưng ngày xưa khi săn hổ dùng tên độc thì êm lắm, hổ trúng tên chạy chưa quá 20 sải tay thì gục ngã”.

Rút mũi tên treo trên ống tre lồ ô màu nâu cũ kỹ, già Nâm căn dặn: “Cẩn thận đấy! Không được để độc ở đầu mũi tên làm trầy da. Không có bác sĩ hay một thứ lá rừng nào có thể cứu được cháu đâu!”. Nói xong ông vội vã cho các mũi tên vào lại ống tre, đậy nắp cẩn thận rồi đặt vào vị trí cũ.

Nhiều người dân làng Pơning kể rằng tố chất một thủ lĩnh núi rừng lừng lẫy của già Nâm đã bộc lộ từ ngày còn bé. 13 tuổi, cậu bé Clâu Nâm đã biết sử dụng giáo mác và cung tên thuần thục. 15 tuổi, Clâu Nâm có thể chế thuốc độc Ch’pơơr rồi cùng cha hạ một con gấu phải nhờ đến chín người khiêng về làng.

Ch’pơơr giết thù

Già Nâm kể giờ ở nơi thượng nguồn con sông Lăng, chỉ còn một cây Ch’pơơr. Độc tố của nó mạnh nhất khi lấy nhựa vào đầu mùa thu. Lấy nhựa độc phải lấy phần thân dưới, cách 3m tính từ mặt đất thì độc mới phát huy hết tác dụng.

Nhựa độc Ch’pơơr có màu trắng đục như mủ cao su. Người Cơ Tu lấy nhựa độc này bỏ vào ống nứa, khi cần đem ra chế biến và sử dụng. Để có được một mũi tên độc, nhựa Ch’pơơr phải nấu trong hai ngày đêm đến khi chuyển thành một chất sền sệt màu đen, sau đó cho thêm bồ hóng từ khói bếp và răng rắn độc xay nhuyễn rồi trộn đều.

Muốn biết độc mạnh hay yếu, chỉ cần mang một con chuột nhỏ hoặc con ếch dùng que tăm nhọn rạch dưới da bôi hợp chất này vào, nếu con vật chết ngay lập tức thì việc nấu độc đã thành công.

“Năm đó tôi đánh đồn A Tép có tốn viên đạn nào đâu, chỉ dùng toàn Ch’pơơr” - già Nâm cười nói.

Rít một hơi thuốc lào thật sâu rồi phì phèo nhả khói, già Nâm kể tiếp: “Hồi đó sáu tên lính ở đồn này đi càn, chúng ra rẫy giết người dân đang trồng sắn rồi đốt tất cả các kho chứa lương thực. Chúng bắt thêm hai con heo lớn về đồn. Đó là một ngày của tháng 10-1961, tôi cùng hai du kích khác ở làng Pơning là Alăng Rơi và Zơrâm Brah bàn cách đánh đồn. Tôi chuẩn bị hơn 120 mũi tên độc Ch’pơơr cực mạnh. Đứng trưa nhưng ngoài trời mưa dầm, sương mù đặc quánh núi rừng. Tôi bò vào cổng đồn theo hướng bếp. Hai du kích còn lại theo hướng cổng chính và từ sau lưng. Một tên đang đi tiểu bị tôi bắn phập một mũi tên ngay tim không kịp la một tiếng đã ngã nhào xuống vực. Tiến vào bên trong, một tên khác đang ôm súng loay hoay thì dính tiếp hai mũi tên trước ngực mà không kịp rên. Lần lượt bảy tên lính bị ba chúng tôi hạ trước tên Hoang, trưởng đồn, bị dính tên khi nó phát hiện chúng tôi mà chưa kịp bóp cò”.

Sau trận đánh kinh hoàng của ba thanh niên người Cơ Tu, hai ngày sau đồn A Tép được trực thăng thu dọn và rút quân vĩnh viễn khỏi khu vực này.

Huyền thoại về “dịch P’rong”

Không sợ ma như người Khùa, không sợ máu gà như người Ve, người Cơ Tu ở vùng cao Quảng Nam sợ nhất là dịch P’rong. Một loại dịch bệnh bắt nguồn từ khói một loài cây bí ẩn mọc giữa đại ngàn Trường Sơn. Người Cơ Tu ở làng A Rui chưa ai từng nhớ rõ khu vườn mình ở thuở thiếu thời, bởi họ thường xuyên dịch chuyển làng nếu nghi ngờ có dịch P’rong.

“Tôi không biết mình bao nhiêu tuổi. Chỉ biết đã ăn mừng gần 100 mùa lúa mới. Bảy lần chuyển làng vì dịch bệnh P’rong. Khu làng mới này được chuyển đến đã gần 20 năm” - già Acho tiết lộ.

Theo già Acho, lúc đầu khu làng của ông ở một thảo nguyên mênh mông cây cỏ xanh tốt rất nhiều cá suối và thú rừng. Cuộc sống đang bình yên bỗng dưng qua một đêm rất nhiều người già và trẻ con lăn ra chết. Người Cơ Tu cho rằng những cây P’rong bị đốt cháy và khói của chúng mang đến thảm họa cho làng.

Khi biết làng bị trúng độc P’rong, người ta lặng lẽ chạy theo chiều gió đến vùng núi khác. Già Acho quả quyết ở thượng nguồn con sông Lăng vẫn còn ba cây P’rong cao thẳng, cành lá xanh tốt, nhiều nhánh, vỏ cây màu trắng.

Truyền thuyết kể rằng làng Patíih bị giặc mùa tấn công, cả làng bị giết sạch chỉ còn một thanh niên sống sót tên là Bh’riu Pr’ti tăng. Trước lúc ngất đi, chàng trai nghe tiếng nói: “Hãy đến thượng nguồn con sông Lăng tìm cây mà trả thù”. Nghe vậy chàng trai thôi khóc, mang lương thực ngược sông Lăng để tìm cây.

Một hôm chàng đi đến cánh rừng rậm, nơi có bốn cây cao đứng thẳng tắp, cành lá sum sê. Một cây lên tiếng: “Ngươi hãy lấy thân ta làm cung tên, lấy vỏ của ta làm thuốc đốt, lấy mủ của ta làm nhựa độc mà trả thù cho làng”. Bh’riu Pr’ti tăng nhìn xuống đất thấy rất nhiều xương chim thú chết quanh thân cây. Chàng theo lời dặn của P’rong và đã trả thù cho dân làng bằng cách đốt vỏ P’rong ở đầu ngôi làng của kẻ địch.

Già làng cho biết thời phong kiến vẫn còn nhiều người Cơ Tu dùng P’rong để trả thù trong các cuộc chiến tranh giành lãnh địa hoặc nạn giặc mùa. Nhiều ngôi làng bị xóa sạch bởi P’rong.

Nỗi ám ảnh về độc P’rong còn dai dẳng tới tận ngày nay. Trong cuốn sách viết về văn hóa người Cơ Tu của tác giả Briu Liếc, hiện là chủ tịch huyện Tây Giang, có nói đến dịch bệnh P’rong và loài cây bí ẩn này. Ông cho biết: “Khi xây theo quy hoạch, chúng tôi đều hỏi kỹ dân khu vực đó có ở được không bởi họ mà lắc đầu thì có vận động cũng không ai đến ở”.

___________________

Những bí ẩn về loài độc dược mang tên lá ngón. ít ai ngờ loài lá tưởng chỉ mang lại ám ảnh về sự tự tử đã được cư dân miền biên ải dùng vào mục đích tiêu diệt quân thù...

Kỳ tới: Món độc ở đồn Apal

TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên