Cả châu Âu giờ đây hầu như chỉ còn cuộc đua giữa Liverpool và M.C là hấp dẫn - Ảnh: ENGLISH BREAK
Và chỉ còn lại một Premier League luôn đầy bất ngờ để khán giả thưởng thức đến những vòng đấu cuối cùng.
Với Serie A hay Ligue 1, ngày Juventus và PSG chính thức đăng quang chỉ là một cột mốc để ban tổ chức đến trao giải. Còn thật ra, hai đội bóng này đã vô địch từ khoảng 10 vòng đấu đầu tiên.
Chỉ mỗi Premier League có "lời nguyền"
Ở Serie A, Juventus vừa ăn mừng chức vô địch liên tiếp lần thứ 8. Còn với PSG, mạch 6 lần vô địch của họ từ năm 2013 đến nay chỉ duy nhất một lần bị xen vào bởi Monaco (vô địch mùa 2016-2017). Bundesliga cũng chẳng khác gì khi Bayern Munich đang tiến gần chức vô địch thứ 7 liên tiếp.
La Liga hấp dẫn hơn nhiều so với 3 giải đấu kể trên nhờ vào hai cực Barca - Real Madrid (R.M). Nhưng cuộc đua song mã triền miên cũng dẫn đến nhàm chán. 15 năm qua, chỉ duy nhất một lần ngôi vô địch thoát khỏi tay Barca - R.M (Atletico mùa 2013-2014).
Thêm vào đó, Barca và R.M chủ yếu đặt mục tiêu ở Champions League nên cuộc đua vô địch La Liga vì thế không mang quá nhiều giá trị với CĐV hai CLB này.
Còn Premier League, sự hấp dẫn thể hiện rất rõ qua "lời nguyền" dành cho nhà vô địch trong một thập niên qua. Kể từ Manchester United (M.U) của mùa giải 2008-2009, không còn nhà vô địch nào bảo vệ thành công ngôi vị của mình ở mùa giải năm sau nữa.
Mùa này, Manchester City (M.C) đang đứng trước cơ hội lớn để phá bỏ lời nguyền đó, nếu họ vượt qua thách thức cực lớn từ Liverpool.
Năm nào cũng có "giants-killer"
Sự hấp dẫn của Premier League đến từ rất nhiều yếu tố: cuộc đua top 4, cuộc đua trụ hạng và sự "muôn hình vạn trạng" của các đội bóng.
La Liga dù có những đội bóng biết cách gây khó dễ cho các đại gia nhưng đó luôn là những cái tên cố định, điển hình như Sevilla. Còn ở Premier League, cứ mỗi mùa giải, người hâm mộ Anh lại chờ đón một chú "ngựa ô" mới.
Đặc sản của bóng đá Anh nằm ở các "giants-killer" (sát thủ trước những đại gia) - những đội bóng nằm đâu đó giữa bảng xếp hạng nhưng luôn "đá như lên đồng" khi gặp các đối thủ mạnh. Những mùa giải trước, các đại diện này gồm West Ham, Leicester, Crystal Palace... và ở mùa giải này, vai trò "giants-killer" nằm trong tay Wolverhampton.
Với trận thắng trước Arsenal hồi giữa tuần, Wolverhampton xem như đã đánh bại mọi đối thủ trong top 6 (riêng Liverpool bại trận ở Cúp FA), trừ M.C. Dù không thất bại nhưng M.C cũng bị "bầy sói" cầm chân ở lượt đi.
Đồ họa: N. THÀNH
Tiền tạo nên khác biệt
Để xây dựng được một giải đấu hấp dẫn như vậy, ban tổ chức Premier League có rất nhiều cách thức khác biệt so với những giải đấu khác. Điểm khác biệt cơ bản nằm ở sự công bằng tài chính.
Trong vài năm gần đây, La Liga liên tục công bố những tin tích cực về sự công bằng trong việc chia tiền bản quyền truyền hình.
Cách đây 5 năm, sự chênh lệch trong việc chia tiền giữa Barca, R.M và nhóm cuối bảng là cực kỳ khủng khiếp. Điển hình như ở mùa giải 2013-2014, Barca - Real nhận khoảng 155 triệu euro mỗi đội, trong khi nhóm các đội cuối bảng chỉ được vỏn vẹn 18 triệu euro (tương đương 1/9).
Còn ở mùa 2017-2018, Barca và R.M vẫn nhận chừng đó tiền nhưng các đội cuối bảng được nâng mức chia thưởng lên khoảng 43 triệu euro.
Tỉ lệ tiền thưởng giữa đội chót bảng và đội vô địch ở La Liga là 1:3,6. Con số này tương đương với Ligue 1 (cũng 1:3,6) và Bundesliga (1:3,4), nhỉnh hơn một chút so với Serie A (1:4,5).
Nhưng ở Premier League, họ từ lâu đã vượt xa mức "công bằng" của La Liga. Mùa 2017-2018, đội vô địch M.C nhận được 173 triệu euro trong khi đội chót bảng West Brom nhận tới 109 triệu euro, tức tỉ lệ là 1:1,6. Từ đây có thể thấy đội chót bảng của Premier League giàu hơn gấp đôi đội chót bảng của La Liga.
Nhờ nguồn tiền dồi dào, các đội bóng trung bình của Premier League có thể nâng cấp đội hình thoải mái. Và cũng chính vì miếng bánh khổng lồ này, họ luôn phải chiến đấu đến tận cùng sức lực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận