25/04/2016 09:04 GMT+7

Phương thức đào tạo tiến sĩ không giống ai

THANH HÀ ghi
THANH HÀ ghi

TTO - Sau diễn đàn “Một cái tặc lưỡi, một tiến sĩ dỏm ra đời”, câu chuyện đào tạo tiến sĩ tại Học viện Khoa học xã hội tiếp tục được nhiều chuyên gia, nhà giáo dục và cả nghiên cứu sinh có ý kiến.

GS.TSKH Phạm Sỹ Tiến - Ảnh: T.H.
GS.TSKH Phạm Sỹ Tiến - Ảnh: T.H.

“Khi tuyển chọn NCS, người ta đã mở rộng đầu vào và đào tạo những người không cần thiết phải có trình độ tiến sĩ!

GS.TSKH Phạm Sỹ Tiến

* GS.TSKH Phạm Sỹ Tiến:

Không nên mở rộng đầu vào đào tạo tiến sĩ

Hiện tại, các nghiên cứu sinh (NCS) dự thi tuyển vào một cơ sở đào tạo tiến sĩ nào đó (là trường đại học hay viện nghiên cứu) khá dễ dàng. Sau khi được tuyển chọn chính thức, cơ sở đào tạo chỉ định một nhà khoa học nào đó (thuộc hoặc là cộng tác viên của cơ sở đào tạo) chịu trách nhiệm hướng dẫn khoa học cho NCS.

Để đào tạo tiến sĩ có chất lượng, nên cải tiến quy trình tuyển chọn và đào tạo này.

Trước hết, cơ sở đào tạo tiến sĩ phải công bố công khai những hướng nghiên cứu và đề tài nghiên cứu mà cơ sở đang thực hiện hoặc đã đăng ký với các cơ quan quản lý, hoặc hợp đồng với doanh nghiệp. Hướng nghiên cứu thể hiện các nhà khoa học của cơ sở đang tích cực hoạt động khoa học trong những lĩnh vực nhất định, luôn cập nhật tình hình nghiên cứu ở lĩnh vực đó.

Trên cơ sở hướng nghiên cứu, đề tài nghiên cứu, cơ sở đào tạo tuyển chọn NCS để làm người cộng tác, hỗ trợ cho các nhà khoa học của cơ sở đó tiến hành nghiên cứu theo các đề tài đã được định hướng. Và NCS phải chuẩn bị năng lực hoặc kinh nghiệm thực hiện đề tài nghiên cứu của mình. Như vậy công việc của NCS mới có ý nghĩa thiết thực, hoặc ý nghĩa khoa học rộng lớn.

Tất nhiên cũng có ngoại lệ là NCS có vấn đề cấp bách thực sự cần cơ sở đào tạo hỗ trợ thực hiện.

Ở Việt Nam còn có tình trạng nhiều tiến sĩ sau khi có học vị này xong, không hề tham gia công tác nghiên cứu hay giảng dạy. Một tỉ lệ đáng kể tiến sĩ của chúng ta đang làm công tác quản lý, không gắn với các hoạt động giảng dạy hay nghiên cứu khoa học nào.

Theo tôi, hiện tượng đó có thể do công việc nghiên cứu của họ ít hoặc hết ý nghĩa rồi, đã lạc hậu.

Hơn nữa khi tuyển chọn NCS, người ta đã mở rộng đầu vào và đào tạo những người không cần thiết phải có trình độ tiến sĩ. Đầu vào đào tạo trình độ đại học có thể mở rộng, nhưng đầu vào của đào tạo tiến sĩ không cần mở rộng.

* TS Lê Đông Phương (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam):

TS Lê Đông Phương - Ảnh: T.H.
TS Lê Đông Phương - Ảnh: T.H.

 

Còn nhiều tồn tại trong đào tạo tiến sĩ

Khi bàn về chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ của một cơ sở đào tạo, hiện nay chúng ta đang thiếu những thông tin cơ bản để đánh giá quy mô đào tạo có phù hợp, chỉ tiêu có bị vượt khả năng, dẫn đến ảnh hưởng chất lượng đào tạo hay không.

Một trong những thông tin quan trọng là định mức hướng dẫn NCS của các thầy. Hiện trạng thực tế ai cũng biết là số lượng NCS hướng dẫn thường vượt quy định, do các GS, PGS hướng dẫn đồng thời ở nhiều cơ sở đào tạo.

Nếu giao chỉ tiêu căn cứ trên số lượng GS, PGS công bố sẽ không chính xác, vì hiện nay chưa quản lý được số lượng NCS các thầy hướng dẫn.

Đây là một vấn đề không quá khó về công nghệ hay quá tốn kém, nhưng không hiểu sao ta vẫn chưa làm được.

Chỉ cần có một phần mềm quản lý, thường xuyên cập nhật danh sách các thầy ở từng chuyên ngành, tên NCS và tên luận án đang được hướng dẫn.

Làm như vậy mới có thể tính đúng, tính đủ định mức, giảm tải cho các thầy, đưa chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ của các cơ sở đào tạo về con số thật, đúng với năng lực đào tạo thực có.

Còn một tồn tại khác trong đào tạo tiến sĩ, đó là việc không thể đào tạo tiến sĩ theo hình thức tập trung, để NCS có môi trường học thuật, cùng làm việc với thầy và các nhà khoa học khác, nâng cao chất lượng nghiên cứu của luận án.

Phần lớn người làm tiến sĩ đều đang đi làm. Có quy định về đào tạo, nhưng các quy định khác về nhân sự, tiền lương, về quản lý cán bộ... lại không đồng bộ.

Do đó, không NCS nào muốn “chuyển khẩu” về cơ sở đào tạo, vì đi khỏi cơ quan là mất chỗ, mất biên chế.

Cơ sở đào tạo cũng không muốn nhận và không thể nhận NCS về quản lý, ví dụ như Học viện Khoa học xã hội mỗi năm có 350 chỉ tiêu, cùng lúc phải quản lý ít nhất hơn 1.000 NCS, sẽ không thể lo nổi toàn bộ chi phí nghiên cứu, lương thưởng, bảo hiểm...

Phương thức đào tạo tiến sĩ không giống ai của chúng ta hiện nay ảnh hưởng nhiều đến chất lượng nghiên cứu khoa học trong các luận án.

Theo tôi, một trong những giải pháp tức thời, có thể thực hiện được ngay để chỉnh đốn chất lượng đào tạo tiến sĩ là yêu cầu các cơ sở đào tạo bắt buộc phải thực hiện việc công bố công khai toàn văn tất cả các luận án trước phiên bảo vệ cuối cùng, để tiếp nhận phản biện xã hội.

Các ý kiến đóng góp, thậm chí phản đối sẽ tạo áp lực nhất định để cơ sở đào tạo, người hướng dẫn và bản thân NCS không thể dễ dãi, hời hợt với việc cho “ra lò” một tiến sĩ dỏm!

Nước ngoài tuyển chọn NCS rất khắt khe

Mỗi nước có cách tuyển chọn NCS và hướng dẫn nghiên cứu khác nhau. Nhưng có điểm chung là tuyển chọn NCS rất khắt khe dựa trên năng lực của NCS.

Sau khi tuyển chọn được NCS, các trường đại học ở Mỹ thường dùng hai năm đầu để trang bị thêm kiến thức cho NCS.

Giáo sư là người chỉ ra các kiến thức NCS cần bổ túc thêm. Đó cũng là thời gian người thầy quan sát khả năng của NCS. Các NCS phải trải qua một cuộc thi kiểm tra toàn diện (comprehensive exam), vượt qua kỳ thi này NCS mới chính thức thực hiện nghiên cứu khoa học với các kiến thức được bổ túc.

Họ thường được nhận tài trợ từ nguồn tài chính mà giáo sư được cấp (nhất là các lĩnh vực kỹ thuật).

Trước khi bảo vệ luận án, nhiều trường đại học trên thế giới yêu cầu NCS phải có một số công bố khoa học trên tạp chí khoa học có uy tín, bài công bố được xét duyệt kỹ. Đó là một biện pháp đảm bảo tính khoa học đề tài nghiên cứu của NCS.

Nếu so sánh với quy trình, với phương thức đào tạo tiến sĩ của các nước thì cách đào tạo của ta hiện nay hơi dễ dãi, và nó thể hiện ngay vào chất lượng của sản phẩm.

Cần làm rõ chất lượng luận án tiến sĩ ở nước ta

Là một NCS, tôi xin được chia sẻ mấy ý kiến dưới đây về việc đào tạo tiến sĩ ở nước ta.

Muốn đào tạo một tiến sĩ có chất lượng, nhất thiết cơ sở đào tạo phải tuân theo quy trình chặt chẽ, từ khi NCS trúng tuyển đầu vào cho đến vòng bảo vệ cuối cùng. Không cơ sở đào tạo tiến sĩ nào dám làm tắt, bởi uy tín, sự cạnh tranh, sự kiểm tra đánh giá của Bộ GD-ĐT...

Trên lý thuyết là vậy, nhưng thực tế thì sao? Hiện tại ở ta quy trình đó được thực hiện với chất lượng như thế nào? Và còn những điều khác quyết định sự ra đời của một tiến sĩ thực thụ, có được bảo đảm: sự mạnh mẽ trong nghiên cứu khoa học, sự trong sáng trước những cám dỗ về vật chất, đạo đức của người làm khoa học...?

Theo tôi, chất lượng của các luận án tiến sĩ ở ta hiện nay là vấn đề cần được làm rõ. Một đề tài của luận án được cho là hay, khá hay nhạt nhẽo tùy vào cách tiếp cận.

Tuy nhiên, không thể lấy một đề tài ở nước khác để nói rằng đề tài tương tự ở Việt Nam là hay, có ý nghĩa.

Như trong một số luận án của Học viện Khoa học xã hội chẳng hạn, ví dụ đề tài nghiên cứu “Hành vi nịnh trong tiếng Việt” thì tác động tích cực của đề tài là gì, diễn ra ở đâu... hay chỉ nêu được những con số, những biểu đồ kẻ thật đẹp trong luận án? Tựa như, chỉ tôi thấy hay còn các bạn thì chưa, cách lập luận đó khó thuyết phục được dư luận!

Xác định đề tài nghiên cứu là một quá trình lâu dài, xuất phát từ thực tiễn, và mục tiêu của đề tài phải hướng đến phát triển xã hội.

Trong quá trình làm luận án, NCS sẽ phát triển năng lực cá nhân bằng việc đầu tư chất xám, công sức của mình vào đó.

Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cần xem đó là việc vượt qua một cuộc thi, chứng tỏ NCS đạt được yêu cầu nhất định, không hề là điểm kết thúc cho việc học tập, nghiên cứu.

Lắm lúc tiến sĩ phải tiếp tục nghiên cứu, quay trở lại làm việc với đề tài mình đã chọn trước đây. Nhiều luận án tiến sĩ bây giờ đi vào nghiên cứu những mảng hẹp, rất hẹp, nhưng thành công của đề tài thì không thể gói gọn trong không gian hẹp được.

Đánh giá việc đào tạo tiến sĩ phải dựa trên nền tảng của sự kiểm soát (vai trò quản lý của Nhà nước), bằng uy tín - chất lượng - thương hiệu (của cơ sở đào tạo), và quan trọng hơn, những vị vừa “ra lò” tiến sĩ phải là tấm gương về nghiên cứu khoa học, tinh thần tìm tòi học hỏi, sự lao động miệt mài.

Kết quả nghiên cứu của tiến sĩ phải là những đóng góp cân đong đo đếm được cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa - an ninh quốc phòng... của địa phương nói riêng và đất nước nói chung, chứ không phải là những nghiên cứu cho vui, đọc lên thấy lạ hoặc “huề cả làng”...

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG

THANH HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên