20/10/2021 10:00 GMT+7

Phục hồi chức năng: bài toán sống còn sau đột quỵ

T.T
T.T

Dù tỉ lệ tử vong do đột quỵ ngày càng giảm, tuy nhiên vẫn để lại cho bệnh nhân những di chứng nặng nề. Phục hồi chức năng là giải pháp quan trọng để người bị đột quỵ giảm sự phụ thuộc vào người thân.

Phục hồi chức năng: bài toán sống còn sau đột quỵ - Ảnh 1.

Đột quỵ não là một dạng bệnh lý gây tổn thương nặng và phức tạp - Ảnh: GETTY IMAGES

Theo Tổ chức Đột quỵ Thế giới (WSO), những cơn đột quỵ đang là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 trên thế giới và là nguyên nhân tốp đầu gây tàn tật ở người trưởng thành. Hiện có khoảng 17 triệu người mắc đột quỵ mỗi năm, với khoảng 6 triệu người tử vong và 5 triệu người sống sót với các di chứng nặng nề.

Giảm gánh nặng cho bệnh nhân

Đột quỵ não là một dạng bệnh lý gây tổn thương nặng và phức tạp. Có sự kết hợp của rất nhiều dạng biến chứng ở trong cùng một người bệnh như liệt tay, chân, liệt nửa người, co cứng cơ, liệt mặt, rối loạn lời nói, rối loạn về cảm giác, tâm lý, trầm cảm. Nặng nề hơn là các rối loạn về nhận thức như mất khả năng định hướng, sự chú ý, trí nhớ và tư duy.

Đột quỵ não còn có rất nhiều biến chứng nguy hiểm khác như rối loạn nuốt, viêm phổi do hít phải thức ăn, đồ uống; loét da; viêm tắc mạch máu; đại tiểu tiện không tự chủ; teo cơ; nhiễm trùng đường hô hấp, tiết niệu,…

Theo BS CKII Nguyễn Thị Phương Nga - trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Thống Nhất - từ một người bình thường khi trải qua cơn đột quỵ não họ trở thành tàn phế, không còn khả năng tự chăm sóc bản thân, là gánh nặng cho chính bản thân, gia đình và xã hội.

"Vấn đề phục hồi chức năng sau đột quỵ là vô cùng quan trọng, góp phần giảm thiểu các khiếm khuyết, biến chứng tái phát để người bệnh nâng cao khả năng sống độc lập, nâng cao chất lượng sống và hòa nhập cộng đồng", BS Nga chia sẻ.

Kích thước và vị trí tổn thương não sẽ ảnh hưởng đến khả năng và mức độ hồi phục của những người sống sót sau đột quỵ. Quá trình hồi phục của mỗi người bệnh sẽ khác nhau, phần lớn cần được vật lý trị liệu để phục hồi chức năng. Các nghiên cứu cho thấy chỉ khoảng 10% bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, 25% khác hồi phục kèm một số biến chứng không đáng kể.

Cần một quá trình lâu dài

Việc phục hồi chức năng sau đột quỵ cần toàn diện, sớm và tùy thuộc vào giai đoạn tiến triển của bệnh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phục hồi chức năng sau đột quỵ não được chia thành 4 giai đoạn bao gồm: giai đoạn cấp/tối cấp (24h đầu tiên sau đột quỵ), giai đoạn phục hồi sớm (sau 24h đến 3 tháng đầu), giai đoạn phục hồi muộn (3-6 tháng) và giai đoạn mạn tính (sau 6 tháng).

BS Nguyễn Thị Phương Nga cho biết sau giai đoạn hồi sức cứu lấy tính mạng bệnh nhân thì việc chăm sóc chiếm vị trí quan trọng, chăm sóc nội khoa kết hợp với phục hồi chức năng.

"Đây là giai đoạn cần can thiệp phục hồi chức năng sớm để hạn chế tối đa những biến chứng có thể xảy ra như viêm phổi, teo cơ, cứng khớp,... Ở giai đoạn hồi phục sớm, cần hỗ trợ bệnh nhân tập các tư thế thụ động, sau đó mới bắt đầu các bài tập chủ động", BS Nga cho hay.

Phục hồi chức năng: bài toán sống còn sau đột quỵ - Ảnh 2.

Bác sĩ Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM châm cứu phục hồi chức năng vận động sau đột quỵ não cho bệnh nhân

Nội dung các hoạt động phục hồi chức năng bao gồm: đặt tư thế người bệnh thích hợp tránh cứng khớp, biến dạng khớp, cần vận động khớp thường xuyên. Tập phục hồi các cơ bên liệt, vận động đề phòng co rút và biến dạng khớp, cố gắng tập đi và di chuyển độc lập.

Đồng thời, gia đình cần hỗ trợ để người bệnh tự làm các hoạt động chăm sóc bản thân như: ăn uống, vệ sinh cá nhân (rửa mặt, tắm rửa, đi vệ sinh,...). Đặc biệt, người thân cần biết cách hỗ trợ người bệnh di chuyển từ giường sang xe lăn và ngược lại.

Ngoài ra, các bài tập ngôn ngữ trị liệu cũng rất cần thiết ở giai đoạn người bệnh đã có những tiến triển hồi phục tốt nhằm giúp cho họ có khả năng giao tiếp được với mọi người và có thể tự độc lập trong sinh hoạt hàng ngày, cũng như trong hoạt động nghề nghiệp về sau của họ.

Đột quỵ làm thay đổi đột ngột cuộc sống không chỉ của bệnh nhân mà cả người thân của họ. Sự thích nghi đầu tiên là người thân cần phải chấp nhận vai trò chăm sóc của mình. Ý chí của người bệnh và sự hỗ trợ của người thân là các yếu tố quan trọng tạo lên thành công của việc tập phục hồi chức năng.

T.T
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên