29/01/2005 10:21 GMT+7

Phục dựng phố Hiến: Khó tìm ra dấu vết những kiến trúc cổ

Theo Thể thao và Văn hóa
Theo Thể thao và Văn hóa

UBND tỉnh Hưng Yên đang tiến hành kế hoạch khôi phục phố Hiến. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phúc Lai (Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Hưng Yên), ý tưởng thì rất hay, nhưng sẽ gặp không ít thách thức, từ quy hoạch, giải phóng mặt bằng, và quan trọng hơn là thiếu những cơ sở khoa học.

Eu7lBZJo.jpgPhóng to
Những kiến trúc cổ còn lạiở phố Hiến rất ít
UBND tỉnh Hưng Yên đang tiến hành kế hoạch khôi phục phố Hiến. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phúc Lai (Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Hưng Yên), ý tưởng thì rất hay, nhưng sẽ gặp không ít thách thức, từ quy hoạch, giải phóng mặt bằng, và quan trọng hơn là thiếu những cơ sở khoa học.

Để dựng lại phố Hiến xưa thì vấn đề mấu chốt là phải dựng lại được những ngôi nhà cổ, phố cổ và các thương điếm cổ - những nét đặc trưng của phố Hiến. Dự án hiện đã được triển khai tại phố Hiến Hạ (thị xã Hưng Yên) với việc xây dựng khoảng 20-30 nóc nhà cổ.

"Chưa đủ tư liệu, nhưng cứ giải phóng mặt bằng trước đã"!

Phố Hiến cổ - từng là nơi buôn bán sầm uất "trên bến, dưới thuyền", được hình thành cùng với sự ra đời của cảng sông vào thế kỷ 16 và phát triển cực thịnh ở thể kỷ 17 dưới thời Lê-Trịnh qua thương cảng Vạn Lai (cảng này ngày nay đã biến mất). Từ một cảng - thị nội địa, dần dần phố Hiến đã trở thành một cảng - thị quốc tế sầm uất với trên 20 phường, thị (gần giống như quy hoạch của Kinh kỳ - Kẻ chợ đương thời).

Dự án phục dựng phố Hiến cổ đã bắt đầu từ năm 2002. Song cho đến nay, những việc làm được thì chưa có gì đáng kể. Bởi lẽ trên dọc phố Hiến hôm nay, những dãy nhà cao đẹp, hiện đại đã mọc lên, dấu vết của cái gọi là phố Hiến thuở xưa có còn gì nữa đâu.

Chúng ta biết rằng, khi sông Hồng đổi dòng và ngày càng lùi xa, thì phố Hiến đã mất đi vị trí là cảng sông và chỉ còn lại một quần thể kiến trúc cổ gồm 60 di tích, mà phần lớn đã được xây dựng lại vào giai đoạn thế kỷ 19 - 20 và gần 100 bia ký. Tất cả các di tích đó không đủ để phác họa lại hình ảnh thương cảng cổ xưa.

GS Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN) cũng cho rằng: "Tư liệu về phố Hiến hiện chỉ được khai thác từng phần và hầu như chưa được tập hợp. Về quy mô, quy hoạch và cấu trúc của phố Hiến cũng là một vấn đề còn cần được làm sáng tỏ”.

Tại cuộc hội thảo quốc tế đầu tiên về phố Hiến cách đây hơn mười năm, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã rất cố gắng hình dung phố Hiến trên giấy tờ, tư liệu, hình ảnh, và làm rõ nhiều vấn đề xã hội, kinh tế, thương mại... Thế nhưng trong số hơn 30 tham luận dày dặn, không bản nào bàn tới việc có nên phục dựng phố Hiến của thế kỷ 17.

Khó nhất là tìm ra dấu vết thương điếm cổ

Theo PGS, TS Hán Văn Khẩn (Chủ nhiệm bộ môn Khảo cổ học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Hà Nội), để phục dựng phố Hiến với vai trò như một thương cảng cổ thì quan trọng nhất là phải xác định được vị trí, cấu trúc, quy mô của các thương điếm cũng như mối giao thương của VN với nước ngoài qua phố Hiến.

Theo sử liệu, năm 1673, thương điếm đầu tiên được người Hà Lan xây dựng. Thương điếm khi ấy như những khu quân sự, có hào bao quanh với lính bảo vệ, ngay sát bến thuyền nhưng lại xa khu dân cư.

Nhằm làm sáng tỏ về các thương điếm, vừa qua Trung tâm Nghiên cứu VN và Giao lưu Văn hóa cùng Bảo tàng Hưng Yên đã thám sát khảo cổ học ở Hồng Nam và Hồng Châu (Hưng Yên). Tuy nhiên, sau khi đào bốn hố thám sát thì di vật thu được rất nghèo nàn. Toàn bộ di vật thu được chỉ là đồ gốm và không hề có hiện vật nào liên hệ trực tiếp đến thương điểm trừ bốn đồng tiền kim loại và một số gốm sứ Trung Quốc, chủ yếu thuộc các thế kỷ 18,19.

Theo ông Khẩn, tìm lại dấu vết thương điếm sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức. Bởi lẽ diện mạo đất đai ở đây đã biến dạng do đắp đê kè hằng năm, do người dân đào ao thả cá, lấy đất tôn nền nhà, vườn tược, đường sá...

Có tài liệu khẳng định "khu vực thương điếm người phương Tây ở phía đông Cột cờ đến con đường trước đền Ngọc Thanh nối với đê". Song giờ đây khu vực này chỉ còn là ruộng nước, phần phía nam bị chân đê đè lên, phần phía bắc thì người dân đã cư trú.

“Không ai biết thương điếm ra sao, chả lẽ lại mô phỏng theo thương điếm ở Hội An, ở Trung Quốc và Nhật Bản?” - một quan chức tỉnh Hưng Yên phát biểu .

Theo Thể thao và Văn hóa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên