![]() |
Xưởng chế biến hạt điều ở Trung tâm Phú Văn - Ảnh: Xuân Hùng |
Bốn giờ sáng, chiếc xe trở chúng tôi khởi hành trong cái lạnh cuối đông. Đến Trung tâm, đập vào mắt chúng tôi là một màu xanh bạt ngàn của những đồi cây công nghiệp và hương thơm ngào ngạt của các loại cây ăn trái do chính những bàn tay học viên trồng..
Trung tâm Phú Văn, có diện tích 365 ha đã được qui hoạch theo mô hình nông trại, gồm chăn nuôi, trồng trọt và chế biến nông sản... Khu sản xuất tập trung rộng 4.000 m2 để gia công các mặt hàng may, thêu xuất khẩu, nơi chế biến điều, tiêu, cà phê..., giải quyết việc làm cho trên 1.000 học viên.
“Vừa làm, vừa học, vừa giải trí” là biện pháp trị liệu tốt cho các học viên cai nghiện và hậu cai nghiện - ông Nguyễn Bắc Việt - Phó giám đốc Trung tâm giải thích.
Thành phố đã đầu tư gần 20 tỷ đồng để xây dựng Khu định cư Phú Văn dành cho người hoàn thành giai đoạn sau cai nghiện, lập nghiệp. Khu định cư này, nằm trên hai qủa đồi với 5 khối phòng ở, sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, phòng y tế, tư vấn, đọc sách, hội trường, nhà ăn... vườn cây ăn trái, vườn kiểng.
Mỗi phòng trong khu định cư đều được trang bị một ti vi, bàn làm việc và các dụng cụ phục vụ cho cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày. Các học viên cai nghiện đặt cho Khu định cư này một cái tên khá ấn tượng “khu trưởng thành”.
Khu trưởng thành đáp ứng nhu cầu ăn ở, sinh hoạt cho khoảng 300 người hoàn thành giai đoạn cai nghiện 48 tháng. Trước mắt, Trung tâm bố trí 8 hộ gia đình vừa kết hôn năm trước về xây “tổ ấm”; 41 học viên đầu tiên hoàn thành giai đoạn sau cai 48 tháng và 132 người có quá trình cai nghiện tốt về ở.
Tại đây, chúng tôi tình cờ gặp nghệ sĩ hề Văn Quang, một thời vang bóng trên sân khấu Kim Chung 5. Ông Quang tâm sự: "Tôi bị dính vào ma tuý từ những năm 70 của thế kỷ trước. Đến năm 2000, tôi quyết định khăn gói vào đây với quyết tâm làm lại cuộc đời. Năm năm qua, tôi vừa làm, vừa sáng tác các tiểu phẩm hài, góp vui cho những đêm văn nghệ của Trung tâm. Tôi nguyện sẽ gắn bó hết phần đời còn lại ở đây, bởi không còn chỗ nào tốt hơn chỗ này. Chính nơi đây, tôi đã tìm được “một nửa” kia cho mình, tìm được hạnh phúc, mùa xuân và tuổi trẻ mà trước đây tôi đã tự đánh mất”.
Còn rất nhiều người cùng tâm trạng như anh Quang, coi đây là “quê hương thứ hai” của mình. Hằng, Phương, Mai, An, Khánh... thì không đủ tự tin hòa nhập cộng đồng. Khởi, Loan, Minh, Nguyên... thì sợ tay nghề yếu, học vấn thấp... ra “đời” không lo nổi miếng ăn, lại quay trở lại với ma tuý. Mỗi người, một suy nghĩ nhưng họ có chung một quyết định coi Phú Văn là “quê hương thứ 2“ của mình.
Ông Tạ Vạng Đức - Giám đốc Trung tâm Phú Văn cho biết: “Lãnh đạo thành phố, các sở, ngành và Trung tâm đang nỗ lực kêu gọi các nhà đầu tư đến mở rộng sản xuất, đa dạng hóa các ngành nghề, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người tái định cư.
Sắp tới, Trung tâm sẽ xây dựng xưởng sản xuất giày da Phú Văn - Khánh Hội; thành lập trại nuôi trồng, chế biến nấm; hỗ trợ vốn cho các học viên sản xuất nông nghiệp và giao đất cho người định cư tự quản lý, chăm sóc...; giải quyết cho những người có quá trình cai nghiện tốt tái hòa nhập cộng đồng và về thăm gia đình... Sắp tới, thành phố sẽ đầu tư kinh phí để biến Phú Văn thành nơi định cư ổn định, lâu dài cho những người hoàn thành giai đoạn sau cai nghiện”.
Mùa xuân lại về, tôi biết có nhiều người đã ăn hai, ba, bốn... cái Tết ở nơi đây và những giọt nước mắt đã rơi trong đêm giao thừa vì nhớ nhà, nhớ người thân, ân hận cho quãng đời lầm lỡ. Nhưng đó là những giọt nước mắt hướng về một ngày mai tươi sáng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận