24/12/2023 23:32 GMT+7

Phụ nữ mà cũng vẽ vũ trụ á?

Khi biết họa sĩ Hiền Nguyễn vẽ tranh sơn mài về đề tài vũ trụ, có người nói: Phụ nữ mà cũng vẽ vũ trụ á?

Họa sĩ Hiền Nguyễn trong xưởng nghệ thuật của chị - Ảnh: NVCC

Họa sĩ Hiền Nguyễn trong xưởng nghệ thuật của chị - Ảnh: NVCC

Sau Mở năm 2021 tại TP.HCM, họa sĩ Hiền Nguyễn vừa trở lại với triển lãm Toảo, khai mạc chiều tối 24-12 và kéo dài đến hết ngày 30-12 tại Nhà triển lãm mỹ thuật, số 16 Ngô Quyền, Hà Nội.

Cả hai đều được Hiền Nguyễn thực hành trên chất liệu sơn mài, đều vẽ về đề tài vũ trụ nhưng ở triển lãm lần này, họa sĩ tiến hành một cuộc thám hiểm mới với chiều kích thật khác.

Vũ trụ tưởng tỏ mà lại hóa ảo

Hiền Nguyễn kể đây không phải là lần đầu tiên có người hỏi chị: Phụ nữ mà cũng vẽ về vũ trụ á? Đề tài vũ trụ có bị khô khan quá không? Sao không vẽ "hoa lá cành", tĩnh vật, chân dung… như những nữ họa sĩ khác? 

Nhưng với Hiền Nguyễn, đây là một đề tài lãng mạn nhất quả đất. Chị ngưỡng mộ những nhà thiên văn học, những nhà vật lý vì họ là những người mơ mộng và có khả năng chạm tới những điều tưởng chừng không thể thông qua nghề nghiệp của mình.

Đề tài vũ trụ đến với Hiền Nguyễn hết sức tình cờ trong những lần dịch chuyển qua những tầng trời khác nhau. Lúc ngồi trên máy bay, ngắm trái đất bé xíu và bầu trời qua ô cửa sổ, chị tự hỏi: Có một nơi chốn nào khác ngoài trái đất tồn tại sự sống không?

Người họa sĩ đầy tò mò lẫn háo hức tự hỏi rồi tự trả lời bằng những suy tư miên man không dứt. Bức tranh về vũ trụ đầu tiên ra đời, Hiền Nguyễn đặt tên là Nơi chưa biết.

Hiền Nguyễn thám hiểm cái nơi chốn mà chị gọi là "chưa biết" đó suốt 5 năm qua. Tưởng chừng đã tỏ nhưng hóa ra không. Những gì lâu nay mình tạo ra, có khi chỉ là một cơn mộng của mình mà thôi.

Cái thực tồn tại nhưng cái ảo cũng song hành. Đó là lý do chị đặt tên cho triển lãm cá nhân mới nhất là Toảo, ghép từ "tỏ" và "ảo".

Để rồi, ở trạng thái hư thực đó, Hiền Nguyễn khước từ những nhãn dán dán lên số phận của mình - một nữ họa sĩ thực hành nghệ thuật ở Việt Nam, nơi mà người nữ thường được/bị gắn với những gì đèm đẹp, nữ tính thông thường và dễ nhân bản, để bước vào một bờ cõi sáng tạo mới, một cõi "đẹp" thật khác.
Triển lãm Toảo sẽ được trưng bày từ 24 tới hết 30-12 tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội - Ảnh: BTC

Triển lãm Toảo sẽ được trưng bày từ 24 tới hết 30-12 tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội - Ảnh: BTC

Một bờ cõi khác

Triển lãm Toảo gồm tác phẩm sơn mài trên vóc Vô cực có tổng diện tích 20m2 và series Đường cong sơn mài trên toan gồm 8 tác phẩm nhỏ có kích thước 120x150cm. Trong đó, với Vô cực, Hiền Nguyễn đã mất hai năm trời để hoàn thành tác phẩm khổ lớn này.

Ngắm tác phẩm trong quầng sáng vừa đủ ở gian phòng triển lãm, nhìn sâu vào mặt vóc, thấy non sông gấm vóc, vũ trụ diễm lệ và huy hoàng tràn đầy sắc màu dưới nhiều tầng, nhiều lớp của sơn ta. Ở đó, ngay cả một ánh rạng hoàng hôn, một tia sấm chớp… cũng là một bài ca tái sinh và vận động không ngừng của đất trời.

Và ở cái chốn không cùng, không bến bờ vô thủy vô chung đó, mây núi hợp quần, trời đất gặp nhau hoan ca, đôi lứa tình tự, âm dương hòa hợp. Hiền Nguyễn nói Vô cực là một khoảnh khắc thăng hoa nhất trong tình yêu.

Bên cạnh Vô cực, Hiền Nguyễn vẽ 8 bức sơn mài trên toan và gọi là series Đường cong.

Hoa hậu Ngọc Hân bất ngờ có mặt ở triển lãm Toảo. Xem tranh, người đẹp chia sẻ "đề tài và cách thực hành nghệ thuật cho thấy đây là một con người cá tính, một người có tâm hồn khoáng đạt, rộng lớn” - Ảnh: BTC

Hoa hậu Ngọc Hân bất ngờ có mặt ở triển lãm Toảo. Xem tranh, người đẹp chia sẻ "đề tài và cách thực hành nghệ thuật cho thấy đây là một con người cá tính, một người có tâm hồn khoáng đạt, rộng lớn” - Ảnh: BTC

Loạt 8 tranh này như tên gọi series của nó, có rất nhiều đường cong gợi cảm. Tính nữ chảy tràn trên bề mặt vũ trụ. Nhìn bức nào cũng bắt gặp những thời khắc giao hòa hoặc sắp chạm tới nhau, đu đưa qua những vùng đất vùng trời. Có bức ái tình là một bông hoa nở rộ và chín rực.

Ở một số bức họa sĩ dùng hóa chất làm nhăn tấm toan tạo ra hiệu ứng về thị giác, giống như một khoảnh khắc ngưng đọng của không - thời - gian và như muốn lưu trữ cảm xúc vĩnh viễn.

Họa sĩ Nguyễn Gia Trí từng nói sơn mài không có khu vực. Nhiệm vụ của nghệ sĩ là phá các bờ cõi.

Hiền Nguyễn, trong một nhân duyên tình cờ, đã đắm say thuần túy quả địa cầu ban sơ ấy. Chị dùng sơn mài - chất liệu mà bản thân yêu nhất, gần gũi nhất - để kể về câu chuyện nghệ thuật khác thường của mình.

Xem thêm loạt tranh của họa sĩ Hiền Nguyễn:

Phụ nữ mà cũng vẽ vũ trụ á?- Ảnh 5.

Phụ nữ mà cũng vẽ vũ trụ á?- Ảnh 6.

Phụ nữ mà cũng vẽ vũ trụ á?- Ảnh 7.

Phụ nữ mà cũng vẽ vũ trụ á?- Ảnh 8.

Phụ nữ mà cũng vẽ vũ trụ á?- Ảnh 9.

Phụ nữ mà cũng vẽ vũ trụ á?- Ảnh 10.

Phụ nữ mà cũng vẽ vũ trụ á?- Ảnh 11.

Phụ nữ mà cũng vẽ vũ trụ á?- Ảnh 12.

Phụ nữ mà cũng vẽ vũ trụ á?- Ảnh 13.

Bộ sưu tập tranh sơn mài của Trần Phúc Duyên lần đầu hồi hương: Chữ Duyên kỳ diệuBộ sưu tập tranh sơn mài của Trần Phúc Duyên lần đầu hồi hương: Chữ Duyên kỳ diệu

TTCT - Hơn 20 năm kể từ khi nằm lặng lẽ trên căn gác xép của lâu đài Jegenstorf ở ngoại ô thủ đô Bern, Thụy Sĩ, di sản khoảng 300 tác phẩm, hiện vật, tài liệu, sổ sách của họa sĩ Trần Phúc Duyên (1923-1993) cuối cùng đã trở về Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên