22/10/2022 08:50 GMT+7

Phụ nữ làm chủ, góp phần tăng tài chính Việt

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ngày càng đóng góp quan trọng cho nền kinh tế. Các nước đã thực hiện nhiều quy định, chính sách chắp cánh cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ra sao?

Phụ nữ làm chủ, góp phần tăng tài chính Việt - Ảnh 1.

Một nữ chủ doanh nghiệp làm từ thiện trong dịch COVID-19 - Ảnh: TỰ TRUNG

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện bình đẳng giới, từng bước có các quy định, chính sách hướng tới các doanh nhân nữ, doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ (WSMEs).

Vấn đề tiếp cận tín dụng

Tham dự hội nghị Thượng đỉnh lãnh đạo nữ ASEAN lần thứ hai ngày 12-10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những đóng góp của doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo trong việc phát triển và phục hồi kinh tế của Việt Nam và khu vực.

Ông Chính nhấn mạnh cam kết của Việt Nam trong việc hợp tác với các nước ASEAN về việc thúc đẩy hơn nữa bình đẳng giới, tăng cường quyền năng cho phụ nữ, đóng góp vào tương lai ngày càng bền vững, bao trùm, tự cường của khu vực và thế giới.

Luật bình đẳng giới của Việt Nam từ năm 2006 quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trong việc thực hiện bình đẳng giới, các biện pháp bảo vệ phụ nữ. Theo đánh giá của giới quan sát, Việt Nam thậm chí có những quy định cụ thể, tiến bộ hơn về bình đẳng nam - nữ so với các nước trên thế giới, đặc biệt ở Đông Nam Á.

Trên thực tế, phụ nữ Việt Nam tham gia lực lượng lao động bình đẳng như nam giới, các doanh nhân nữ cũng cho thấy ít có sự khác biệt về quy mô hoạt động, về khả năng sinh lời so với các doanh nghiệp do nam giới điều hành.

Tuy nhiên, tiếp cận tín dụng vẫn là một trong các khó khăn đối với doanh nghiệp WSMEs, cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) nói chung.

Theo đánh giá của các chuyên gia, một số hạn chế trong đó xuất phát từ đặc điểm chung của doanh nghiệp SMEs như năng lực tài chính, năng lực quản lý dòng tiền, vấn đề quản lý... và đặc biệt thiếu hoặc không có đầy đủ giấy tờ về tài sản đảm bảo.

Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng dành cho SMEs trong thời gian gần đây luôn được duy trì với tốc độ tăng trưởng trên 10%/năm. Đến cuối tháng 7-2022, tín dụng cho SMEs tăng khoảng 7,7% so với tháng 12-2021. 

Hệ thống ngân hàng đã thực hiện một số giải pháp hỗ trợ SMEs tiếp cận tín dụng ngân hàng, đặc biệt trong giai đoạn gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19, nhưng không có giải pháp, sản phẩm thiết kế riêng cho các WSMEs.

Luật hỗ trợ SME (loại hình doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ) lần đầu tiên có định nghĩa riêng về WSMEs, và có quy định một số các giải pháp chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp SMEs nói chung, nhưng cũng chưa có chính sách, quy định riêng về hỗ trợ tín dụng cho WSMEs.

Nhiều sáng kiến hỗ trợ

Một số ngân hàng đã đánh giá khách hàng doanh nhân nữ, doanh nghiệp WSMEs là khách hàng vay thận trọng, nên mức độ rủi ro thấp hơn các doanh nghiệp của nam giới.

Chất lượng các khoản vay của WSMEs tốt và tỉ lệ nợ xấu thấp hơn đáng kể so với SMEs nói chung.

Nắm được sự phát triển của nhánh này, cũng như khó khăn WSMEs gặp phải, nhiều ngân hàng đã có sự điều chỉnh hướng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Có ngân hàng có các sáng kiến hỗ trợ bao gồm xây dựng ưu đãi, đơn giản hóa quy trình, tạo thuận lợi cho nhóm khách hàng WSMEs...

Một số ngân hàng khác cũng triển khai đánh giá khoảng trống về giới trong khuôn khổ hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Ông Donald Lambert, trưởng Ban phát triển khu vực tư nhân của ADB tại Việt Nam, chia sẻ với Tuổi Trẻ: "ADB là một trong các đối tác phát triển đã đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong xây dựng và triển khai Chiến lược tài chính toàn diện. 

Các hỗ trợ kỹ thuật cũng như hỗ trợ về tài chính nêu trên đối với các WSMEs là sự nối tiếp của nỗ lực chung của ADB trong việc tăng cường tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, góp phần tăng cường tài chính toàn diện ở Việt Nam".

Thời gian gần đây, bên cạnh hỗ trợ chính phủ về xây dựng khuôn khổ pháp lý chính sách thúc đẩy tài chính toàn diện, phát triển thị trường tài chính, thị trường trái phiếu, ADB cũng tăng cường các hoạt động tài trợ thương mại, và đặc biệt các khoản vay trực tiếp cho các ngân hàng thương mại để tài trợ cho doanh nghiệp SMEs và WSMEs.

"ADB sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong việc hoàn thiện chính sách, khung pháp lý tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của WSMEs, nhất là các giải pháp tăng cường tiếp cận tài chính cho các WSMEs. 

Bên cạnh đó, một loạt các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho WSMEs cũng đang và sẽ tiếp tục được triển khai, như chương trình tăng tốc kinh doanh cho 30 doanh nhân nữ, chương trình tư vấn kinh doanh cho các WSMEs bị ảnh hưởng COVID-19, chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho 500 WSMEs trong đó có các doanh nhân nữ thuộc dân tộc thiểu số ở một số tỉnh", ông Lambert nói thêm.

Giảm thiểu tác động của COVID-19

Đặc biệt, để hỗ trợ kịp thời cho các WSMEs có khó khăn về tài chính trong giai đoạn COVID-19, ADB đã triển khai Dự án giảm thiểu tác động của COVID-19 đến các WSMEs với tổng giá trị 5 triệu USD từ tháng 4-2021 với cơ quan chủ quản là Ngân hàng Nhà nước và năm ngân hàng tham gia thực hiện (BIDV, ACB, SHB, TPB và VPBank). Đến cuối tháng 9-2022, trên 330 WSMEs đã được các ngân hàng tham gia dự án thực hiện tái cơ cấu nợ hoặc cho vay mới với sự hỗ trợ của khoản viện trợ nêu trên.

Đồng thời, các WSMEs cũng được tham gia các khóa tư vấn kinh doanh trực tiếp, thiết kế theo nhu cầu riêng của doanh nghiệp, cũng như có cơ hội tham gia các khóa học online nhằm nâng cao năng lực quản lý kinh doanh, vượt qua khó khăn tác động của COVID-19, tiến tới xây dựng định hướng kinh doanh bền vững.

Khi phụ nữ lãnh đạo hãng hàng không Khi phụ nữ lãnh đạo hãng hàng không

Hãng hàng không nỗ lực mang tới giá trị mới tốt đẹp cho cộng đồng.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên