31/01/2019 23:26 GMT+7

Phù Bài - rền vang tiếng đóng bánh khô

THANH BÌNH
THANH BÌNH

TTO - Cứ vào độ giáp tết, khắp thôn trên xóm dưới của làng Phù Bài lại rộn ràng những tiếng gõ. Đó là tiếng búa đóng vào chày để làm ra những đòn bánh khô truyền thống.

Phù Bài - rền vang tiếng đóng bánh khô - Ảnh 1.

Thanh niên trong làng đang đóng bánh khô - Ảnh: THANH BÌNH

Làng Phù Bài nằm ở phía nam TP Huế, thuộc xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế. Trải qua hơn 500 năm, dân làng vẫn lưu giữ phong tục và lễ hội cổ truyền. Và bánh khô là một trong những thứ sản vật truyền thống đặc sắc của làng vẫn còn gìn giữ.

Bánh khô là loại bánh làm bằng hạt nếp rang nổ, tẩm với nước đường, đậu phộng và gừng, rồi đóng vào cái khuôn hình vuông, nén chặt tạo thành một đòn bánh.

Kỹ thuật làm bánh khô được lưu truyền từ nhiều thế hệ cho đến hôm nay.

Ông Trần Đình Long, 55 tuổi (thôn 8B, xã Thủy Phù), cho biết cứ tết về là gia đình ông lại đóng bánh khô để cúng ông bà và tặng bà con. Sau này, do bánh nhà ông Long ngon nên nhiều người đặt mua.

"Mỗi đòn giá 40.000 đồng, mỗi năm gia đình tui bán được khoảng 200 đòn. Như rứa vừa giữ gìn nghề truyền thống, vừa có thêm có thêm tiền tiêu tết", ông Long nói.

Phù Bài - rền vang tiếng đóng bánh khô - Ảnh 2.

Đòn bánh khô cắt thành từng lát - Ảnh: THANH BÌNH


Phù Bài - rền vang tiếng đóng bánh khô - Ảnh 3.

Công đoạn đầu tiên là rang gạo nếp trong máy rang bằng hộp sắt, nung trên lò lửa - Ảnh: THANH BÌNH

Theo ông Long, nếu nói bánh này có gì đặc biệt thì đó là cách thức làm bánh.

Để làm ra được đòn bánh khô thơm ngon, chất lượng phụ thuộc vào nguyên liệu được trộn và tay nghề "đóng" của thợ làm bánh.

Gạo nếp thường được thợ bánh chọn là nếp vàng, có độ dẻo cao và hương thơm đậm đà. Cho gạo nếp vào máy rang, đặt máy lên than lửa giữ đều nhiệt, rang đều tay, gạo nếp nổ bộp bộp, khoảng 10 phút thì dùng búa đánh mạnh vào cò máy, nếp đã được rang nổ sẽ văng ra.

Mỗi lần, từ 5 lon gạo nếp sẽ nổ ra hơn 20 lon hạt nổ.

Phù Bài - rền vang tiếng đóng bánh khô - Ảnh 4.

Gạo nếp sau khi rang nổ - Ảnh: THANH BÌNH

Tiếp đó, trộn đều hạt nếp đã rang nổ, đường, đậu phộng, gừng. Một phần nguyên liệu như vậy được gọi là một "bùm". Để bánh ngon hơn, thì khi trộn thì thêm vào một ít nước chanh.

Khâu cuối cùng là đóng bánh. Khuôn đóng bánh bằng gỗ hoặc thép chịu lực tốt. Mỗi lần đóng, "bùm" được đổ ngang miệng khuôn, rồi đặt chày phía trên bùm cho lọt khuôn theo hướng thẳng đứng, sau đó dùng búa để đóng ép bùm lại.

Tiếp tục đổ "bùm", đóng sao cho đòn bánh cao gần miệng khuôn là được.

Cuối cùng, dùng bột năng chà nhẹ vào các mặt để bảo quản bánh được lâu.

Phù Bài - rền vang tiếng đóng bánh khô - Ảnh 5.

Đòn bánh khô sau khi đóng - Ảnh: THANH BÌNH


Phù Bài - rền vang tiếng đóng bánh khô - Ảnh 6.

Công đoạn cuối cùng - Ảnh: THANH BÌNH

Bà Văn Thị Thú, 82 tuổi ở thôn 8A (xã Thủy Phù) cho biết thuở ban đầu bánh được làm từ gạo "mót", tức những hạt lúa còn sót ngoài đồng sau khi thu hoạch được mót về, giã ra lấy gạo làm bánh.

Sau đó dư dả dần, dân mới lấy lúa nếp làm nguyên liệu chính để bánh ngon hơn.

Bánh khô là một nét văn hóa truyền thống của làng Phù Bài đã tồn tại hàng trăm năm. Cứ sau khi đưa ông Táo về trời, trong làng lại vang rền âm thanh đóng bánh khô.

Người dân làng nói rằng nếu một ngày không còn nghe tiếng đóng bánh khô thì tết sẽ nhạt đi nhiều phần là vì vậy.

Phù Bài - rền vang tiếng đóng bánh khô - Ảnh 7.

Những đòn bánh khô chuẩn bị đóng gói để bảo quản - Ảnh: THANH BÌNH



THANH BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên