15/10/2015 13:17 GMT+7

TP.HCM cần chương trình đột phá về y tế

MAI HƯƠNG - TRẦN MẠNH
MAI HƯƠNG - TRẦN MẠNH

TTO - Bên cạnh 7 chương trình đột phá dự kiến thực hiện trong nhiệm kỳ mới, nhiều đại biểu đề nghị TP.HCM đột phá vào khâu phát triển y tế, đưa TP.HCM trở thành trung tâm y tế của khu vực.

Bệnh nhi nằm dưới nền gạch ngoài hành lang khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 để điều trị bệnh - Ảnh: Hữu Khoa
Vì quá tải, bệnh nhi phải nằm dưới nền gạch ngoài hành lang khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 để điều trị bệnh - Ảnh: Hữu Khoa

Sáng 15-10, các đại biểu dự đại hội đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2015-2020 đã thảo luận tổ, góp ý cho văn kiện đại hội X đảng bộ TP.

Đặt chỉ tiêu khi nào hết quá tải bệnh viện

Đứng trên quan điểm xem giáo dục, y tế là hai yếu tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân, đại biểu Trần Khiêm Tuấn - thuộc Đảng bộ Tổng Công ty Điện lực TP.HCM đặt vấn đề:

“Giáo dục chúng ta đã dám nói ra là cần đổi mới căn bản và toàn diện. Còn y tế thì chưa dám nói. Tôi cho rằng TP cần có chương trình đột phá về y tế để cải thiện và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân”.

Theo ông Tuấn, dù TP.HCM “mang tiếng” là đô thị đặc biệt, là trung tâm kinh tế, tài chính của cả nước nhưng thực trạng y tế còn quá nhiều vấn đề.

Cứ đi đến cổng các bệnh viện là thấy nhốn nháo y như cái chợ. Bệnh viện thì quá tải, người dân phải chờ đợi rất lâu. Trong khi đó, các mục tiêu dành cho y tế trong 5 năm tới của TP còn khiêm tốn quá.

“Chúng ta đặt chỉ tiêu có 20 bác sĩ/ 10.000 dân, 42 giường bệnh/ 10.000 dân. Những con số này chưa mang ý nghĩa thực chất.

10.000 dân này là dân có hộ khẩu TP hay tính cả dân các nơi khác về chữa bệnh. Và thực tế TP đã đón nhận người bệnh từ các nơi khác đến chữa trị rất nhiều. Cả bên Lào, Campuchia người ta cũng qua mình” - ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, TP nên có những chỉ tiêu thực chất hơn: chẳng hạn như vạch ra lộ trình đến năm nào thì không còn quá tải bệnh viện. Ngoài ra, y tế TP phải có một số nơi đạt chuẩn quốc tế.

Đại biểu Phạm Quốc Bảo đồng tình: “Nếu chỉ đặt ra chỉ tiêu về xây bao nhiêu bệnh viện, có thêm bao nhiêu giường bệnh thì không khéo chỉ làm lợi cho bên bất động sản hay nhà thầu xây dựng.

Cần có những chỉ tiêu mà dân dễ đo lường, giám sát hơn. Chẳng hạn như bao nhiêu người dân được khám chữa bệnh, khi nào giảm tải bệnh viện”.

Điều dưỡng muốn học lên cao phải qua Thái Lan?

Đại biểu Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở y tế TP.HCM thì cho rằng cần nâng cao năng lực của bệnh viện quận huyện.

Một trong những biện pháp để đảm bảo chấm dứt tình trạng quá tải các bệnh viện tuyến trên là nâng cao năng lực và sự thu hút bệnh nhân của các bệnh viện tuyến quận huyện.

Tuy nhiên, đây lại là vấn đề mà thời gian qua làm chưa tốt. Nguyên nhân ở chỗ lãnh đạo các quận huyện có quan tâm sâu sát hay không, nếu thực sự quan tâm sẽ quyết định đến thành công của các bệnh viện quận huyện.

Việc bổ nhiệm cán bộ quản lý bệnh viện, luân chuyển cán bộ quản lý bệnh viện giữa các nơi chưa được chặt chẽ nên vẫn có tình trạng cán bộ quản lý thiếu năng lực dẫn đến hiệu quả hoạt động của các bệnh viện quận huyện chưa cao.

Đây là điều cần thay đổi và thay đổi trong thời gian tới để nâng cao năng lực khám chữa bệnh của bệnh viện quận huyện, thu hút được bệnh nhân qua đó giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Mặt khác, thời gian qua thành phố đã có những chương trình hỗ trợ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ y tế nhưng lại chưa có chương trình hỗ trợ đào tạo cho nhóm bác sĩ có trình độ muốn nâng cao tay nghề chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, những người trực tiếp khám chữa bệnh cho người dân.

Do đó, trong nhiệm kỳ tới cần đưa nội dung hỗ trợ này vào chương trình hỗ trợ đào tạo ngành y tế.

Lĩnh vực đào tạo nhân viên điều dưỡng của thành phố thời gian qua vừa thừa vừa thiếu. Trong khi các trường tư mở ra rất nhiều để đào tạo chuyên ngành này nhưng chất lượng còn là vấn đề nên những điều dưỡng muốn học lên cao phải sang Thái Lan để học rất tốn kém. 

Cả nước mới chỉ có một đại học chuyên đào tạo về điều dưỡng tại Nam Định, do đó, TPHCM nên xem xét mở một trường đại học chuyên về ngành điều dưỡng để đáp ứng nhu cầu.

Các đại biểu trao đổi sau phiên thảo luận tổ sáng 15-10 - Ảnh: T.T.Dũng

Đại biểu Lê Ngọc Phượng, Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn (Sagri):

Xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn

Trong nhiệm kỳ vừa qua, thành phố đã đạt được nhiều thành tựu đột phá. Nhưng trong một số lĩnh vực vẫn còn nhiều tồn tại như vệ sinh an toàn thực phẩm, tình trạng ngập nước, công tác phòng chống ngập, các vấn đề ô nhiễm môi trường...

Hiện nay các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch cho người dân thành phố chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ so với tổng nguồn cung.

Vì vậy, các doanh nghiệp nhà nước cần tiên phong trong việc tái cơ cấu để mở rộng, phát triển kinh doanh trở thành nơi cung ứng các sản phẩm an toàn cho người dân.

Cần có những chính sách và hỗ trợ để doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi cung ứng thực phẩm, đặc biệt là xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến thực phẩm để nâng cao chất lượng cho tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.

MAI HƯƠNG - TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục