21/08/2014 20:59 GMT+7

Tôi dứt khoát "3 không" với tờ rơi quảng cáo

HỮU CHƠN
HỮU CHƠN

TTO - Để không còn cảnh tờ rơi quảng cáo thành rác làm bẩn đường phố, nhiều ý kiến bạn đọc gửi về Tuổi Trẻ đồng tình "nói không" với tờ rơi, đề nghị xử phạt nghiêm người quảng cáo.

Phóng to
Tờ rơi vãi đầy dưới đất trước cổng trường

Việc phát tờ rơi trên đường: nhận nhưng đừng xả rác
Chủ động lắc đầu với tờ rơi phát trên đường

Tuổi Trẻ giới thiệu một số ý kiến bạn đọc:

Không chỉ ở các ngã tư có đèn tín hiệu giao thông, tờ rơi quảng cáo còn "gõ cửa" từng nhà, tạo nên "mê hồn trận quảng cáo".

Nhà tôi cũng là "nạn nhân" của việc này. Khi thì họ nhét vội vào cánh cổng, mặc cho gió cứ thổi bay tứ tung. Lúc thì buổi trưa ngủ dậy, mở cửa ra tự nhiên thấy có vô số tờ rơi.

Phiền nhất kiểu dán decal, cánh cửa phòng trọ phải mang trên mình chi chít tờ giới thiệu bán bình gas, bếp gas. Ngay cả ống thoát nước mưa của nhà tôi cũng phải khoác lên chiếc áo "rút hầm cầu". Gỡ ra không hết, trông rất nham nhở. Đến nỗi tôi đành mua sẵn một hộp sơn để "tân trang" lại những chỗ bị dán.

Quảng cáo rút hầm cầu dán khắp nơi

Quảng cáo này được dán ở cửa phòng trọ

Vậy nên, tôi luôn áp dụng phương châm "3 không" với những kiểu quảng cáo nói trên:

1. Không nhận: Mỗi khi gặp người đưa tờ rơi ở các ngã tư, tôi chỉ cám ơn và từ chối nhận. Nếu ai cũng làm như vậy, tôi tin rằng chuyện phát tờ rơi sẽ không còn.

2. Không xả rác: Nếu bị nhét vào giỏ xe, tôi mang đến nơi có thùng đựng rác để "giải quyết". Con gái tôi mỗi lần đi học về bằng xe đạp, trong giỏ xe không "chở đầy hoa phượng" mà toàn là tờ bướm. Nhưng cháu luôn mang về nhà, bỏ vào thùng rác.

3. Không sử dụng dịch vụ: Trong trường hợp "bất đắc dĩ" phải nhận tờ rơi (thường là họ phát tận nhà), tôi cũng không tham gia vào những gì được chào mời.

Năm ngoái, khi nhà tôi cần đến dịch vụ vệ sinh, tôi đã chọn một cơ sở trên trang quảng cáo của báo Tuổi Trẻ. Vừa đảm bảo độ tin cậy, vừa là cách khuyến khích những doanh nghiệp giới thiệu hoạt động của mình đúng qui định.

Tôi biết rất nhiều người đi phát tờ rơi quảng cáo là sinh viên, cũng chỉ vì mưu sinh nên mới làm việc này. Vậy nên, các cơ quan chức năng, trường học...cần chú trọng tuyên truyền, giúp người dân và sinh viên nhận thức đúng, tìm công việc khác, tránh tiếp tay cho việc làm gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến môi trường.

Đối với những nơi "phát tích" tờ rơi, cần xử lý theo qui định.

Nhiều lần tôi có dịp đến Đà Nẵng, nhưng không hề thấy cảnh tương tự thế này. Đường phố và bãi biển không có rác. Du khách và người dân ở đây luôn có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Lẽ nào, cùng một quốc gia nhưng TP.HCM không làm được như vậy?

Thực hiện điều này không khó, chỉ cần chúng ta đồng lòng, "chủ động lắc đầu" (Tuổi Trẻ 20-8) với tờ rơi quảng cáo.

Chọn cách ứng xử khác

Mỗi ngày bốn bận đi về từ nhà đến cơ quan và ngược lại, hầu như hôm nào tôi cũng gặp các bạn trẻ đứng phát tờ rơi quảng cáo giữa đường.

Lúc đầu khi được phát, tôi cũng cầm vì… lịch sự và vì thấy tội tội cho các bạn sinh viên đứng phát giữa trưa nắng chói chang, bụi đường mù mịt. Nhưng cầm rồi đem về nhà cũng vứt vô sọt rác. Cho nên sau này tôi chọn cách ứng xử khác : Cười với người phát tờ rơi và ra dấu không nhận.

Hai mươi người được tôi hỏi sẽ làm gì khi nhận được các tờ rơi quảng cáo phát ở góc đường hay cài trước cửa nhà thì hết mười sáu người trả lời là nhìn sơ rồi vứt xuống đường. Bốn người còn lại cho biết cũng nhìn sơ xong rồi gài vô giỏ xe để về nhà… bỏ vô sọt rác.

Đó cũng là nguyên nhân vì sao ở các ngã tư của thành phố thường xuyên trắng xóa rác là các tờ rơi quảng cáo - trông rất phản cảm.

Còn nhớ cách đây hơn mười năm, quảng cáo nơi công cộng bắt đầu xuất hiện nhưng đã bị người dân phản ứng. Đầu tiên là các ngài “khoan cắt bê tông” in đầy trên những bức tường, trụ cổng của nhà dân, cơ quan, công sở, nhà máy.

Ở đâu có tường là ở đó có những dòng chữ “khoan cắt bê tông” với số điện thoại to tướng chểm chệ. Gia đình nọ kế bên nhà vừa xây lại cổng rào, tường quét sơn nước trắng tinh bóng láng hôm trước thì hôm sau bị đóng dấu mấy chữ “khoan cắt bê tông” màu đen to vật vã đặt lên.

Khi dịch vụ "khoan cắt bê tông” thoái trào dần, bắt đầu xuất hiện “hút hầm cầu” in trên giấy đề - can được dán khắp nơi, từ tường rào, gốc cây, cột điện và các…các trụ đèn tín hiệu, biển báo giao thông… Người được thuê đi dán quảng cáo thường…lấm la lấm lét nhìn chung quanh trước khi hành sự và chỉ dám hành sự vào những giờ ít người qua lại.

Trái ngược với kiểu quảng cáo lén lút trên, việc đứng phát tờ rơi ở các giao lộ mang tính…đường đường chính chính hơn. Hầu hết người được thuê làm việc này là các bạn sinh viên ăn mặc lịch sự, ung dung đứng trên lề đường khi đèn xanh và bước xuống đường khi đèn đỏ để phát tờ rơi quảng cáo cho những người đang đứng chờ đèn đổi màu.

Con một người bạn hồi mấy năm học đại học cũng nhận công việc này để kiếm thêm thu nhập, em nói lúc đó được trả 70 ngàn đồng cho 2 giờ đứng ở ngã tư phát tờ rơi, mà phải phát cho hết trong 2 giờ đó. Em cũng thấy “sao sao” đó khi những tờ giấy quảng cáo mình phát vừa xong lại bị quẳng xuống lòng đường, gió cuốn bay tứ tung, nhìn rất phản cảm.

Thế là phát xong, em lại phải nán lại thêm vài mươi phút lượm cho sạch. Cho nên khi nhận được việc làm thêm khác, em nghỉ hẳn việc đi phát tờ rơi.

Trong thời buổi internet chiếm lĩnh mọi thứ, nhiều người cho rằng việc phát tờ rơi là không hiệu quả, lại góp phần không nhỏ trong vấn nạn “xả rác xuống đường phố” - vốn là hành vi pháp luật không cho phép.

Xử phạt nặng để quảng cáo văn minh hơn

Một điều thường thấy ở các địa điểm tập trung đông người sau khi có chiến dịch phát tờ rơi là…rác. Đặc biệt là các khu vực ngã tư thường ngập rác tời rơi, gây mất mỹ quan đô thị bởi những người đi phát tờ rơi thường tận dụng để phát cho nhanh.

Theo đó, cứ mỗi lần có đèn đỏ, đội ngũ phát tờ rơi lại tràn xuống “dúi” tờ rơi vào tay người tham gia giao thông. Việc làm này, một mặt nó gây mất mỹ quan đô thị, làm vất vả thêm cho đội ngũ lao công của các công ty dịch vụ môi trường.

Mặt khác, nó gây ra nguy cơ va chạm giao thông dẫn đến tai nạn vì mỗi lần nhận được tờ rơi, nếu người đi đường không xem thì họ vứt ngay xuống đường, nếu xem thì họ vừa chạy xe, vừa xem thông tin trên tờ rơi.

Theo những nghiên cứu của các nhà xã hội học, phát tờ là một trong những hình thức quảng cáo đem lại hiệu quả cao bởi đó là kênh kết nối trực tiếp giữa nhà sản xuất/ cung cấp dịch vụ đến người tiêu dùng.

Tuy nhiên, việc phát tờ rơi không tuân thủ đúng quy định của pháp luật là hành vi vi phạm Luật Quảng cáo, Luật Bảo vệ môi trường và bị xử phạt theo các điều luật do các luật này quy định.

Luật thì đã có, nhưng vấn đề xử phạt đối với những người, những tổ chức tổ chức quảng cáo bằng hình thức phát tờ rơi không đúng quy định hiện đang gặp những khó khăn nhất định do tính chất nhỏ lẻ, manh mún trong các chiến dịch quảng cáo sản phẩm của các công ty, tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm, dịch vụ.

Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trong đó có luật Quảng cáo, Luật Bảo vệ môi trường đến với mọi người dân để người dân có thể phân biệt được các hành vi, hành động quảng cáo đúng với quy định.

Từ đó, người dân có thái độ đúng, sẵn sàng tiếp nhận với các tờ rơi và cũng “nói không”, “lắc đầu” đối với các dạng quảng cáo không đúng quy định.

Bên cạnh đó, cần sửa đổi “thiết chế” theo hướng tăng mức phạt đối với những tổ chức, cá nhân tổ chức phát tờ rơi không đúng quy định để việc quảng cáo bằng hình thức tờ rơi dần dần đi vào quy củ, trở thành nề nếp trong đời sống vốn ngày càng văn minh của người dân cũng như của xã hội.

HỮU CHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục