24/07/2017 15:20 GMT+7

​Sốt - một triệu chứng phổ biến nhưng đừng chủ quan

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn

Sốt là tình trạng thân nhiệt trung tâm cao hơn bình thường, nếu dùng nhiệt kế thủy ngân đo ở nách thì nhiệt độ từ 37,5 độ C trở lên mới coi là sốt.

Sốt là một triệu chứng thường đi kèm với các dấu hiệu, triệu chứng khác tùy theo từng loại bệnh hoặc hội chứng bệnh lý cụ thể. Mặc dù là một triệu chứng phổ biến, đơn giản nhưng đừng xem thường.

Xác định triệu chứng sốt

Bình thường, con người có khả năng duy trì nhiệt độ trung tâm của cơ thể ở mức 37 độ C là một chỉ số hằng định, không phụ thuộc vào sự thay đổi của nhiệt độ ở môi trường chung quanh.

Trong thực hành lâm sàng, thường đo nhiệt độ ngoại vi để gián tiếp phản ánh nhiệt độ trung tâm. Hiện nay, cách đo nhiệt độ ở nách được sử dụng nhiều nhất. Mặc dù nhiệt độ đo được ở nách có thể thấp hơn từ 0,5 – 1 độ C so với nhiệt độ trung tâm nhưng vẫn là cách đo tương đối chính xác. Cách đo nhiệt độ ở miệng rất dễ có sai lệch nếu được đo ngay sau khi người bệnh uống nước nóng; trong trường hợp này nhiệt độ có thể tăng lên đến 38,1 độ C. Trái lại, nếu bệnh nhân thở bằng miệng do mũi bị tắc nghẽn thì nhiệt độ ở miệng lại giảm xuống 36 độ C. Đo nhiệt độ ở miệng cũng có thể gây mất vệ sinh nếu nhiệt kế tiệt trùng không bảo đảm, nếu nhiệt kế sử dụng đo cho nhiều người thì có nguy cơ lây bệnh từ người này sang người khác. Chưa kể đến một số trường hợp người bệnh cắn làm vỡ nhiệt kế trong miệng rất nguy hiểm. Vì vậy hiện nay đã có khuyến cáo không dùng cách đo nhiệt độ ở miệng theo thường quy mà sử dụng cách đo nhiệt độ ở nách.

Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến nhiệt độ cơ thể như tuổi, giới, tình trạng vận động cơ và nhiệt độ môi trường. Tuổi già có thân nhiệt thường thấp hơn bình thường, trẻ sơ sinh có nhiệt độ biến động nhiều theo môi trường chung quanh. Phụ nữ ở trong giai đoạn giữa của chu kỳ kinh nguyệt có nhiệt độ thường tăng khoảng 0,3 - 0,5 độ C; nếu ở trong giai đoạn cuối của thời kỳ thai nghén có thân nhiệt tăng khoảng 0,5 - 0,8 độ C.

Tình trạng vận động của cơ thể càng lớn thì nhiệt độ càng tăng cao. Trong môi trường quá nắng hoặc quá lạnh thì nhiệt độ cơ thể cũng tăng lên hay giảm xuống nhưng không nhiều lắm.

Triệu chứng sốt được xác định khi nhiệt độ cơ thể ở trung tâm cao hơn bình thường, nếu đo bằng nhiệt kế thủy ngân ở nách thì nhiệt độ từ 37,5 độ C trở lên mới được xem là sốt.

Sốt có mấy loại ?

Triệu chứng sốt có thể phân loại theo mức độ, theo thời gian và theo tính chất của sốt. Sốt bình thường khi thân nhiệt từ 37,5 - 38,4 độ C và sốt cao khi thân nhiệt từ 38,5 độ C trở lên. Sốt kéo dài là sốt liên tục, ngày nào cũng sốt và kéo dài từ 7 ngày trở lên.

Về tính chất sốt: sốt liên tục khi nhiệt độ cơ thể luôn giữ ở mức cao trong một thời gian, nhiệt độ sáng chiều thay đổi không vượt quá 1 độ C; sốt dao động khi nhiệt độ cơ thể thay đổi trong ngày, sụ chênh lệch nhiệt độ sáng chiều vượt quá 1 độ C; sốt cắt quãng hay còn gọi là sốt cách nhật là sốt có sự luân phiên giữa thời kỳ sốt và thời kỳ không sốt, thời kỳ không sốt có thể từ 1-3 ngày; sốt hồi quy là sốt cũng có sự luân phiên giữa thời kỳ sốt và thời kỳ không sốt nhưng thời kỳ không sốt kéo dài hơn so với sốt cắt quãng, thường từ 5-7 ngày.

Các dấu hiệu, triệu chứng đi kèm với sốt

Quan sát trong thực tế lâm sàng, sốt có thể chia làm ba giai đoạn là sốt tăng, sốt đứng và sốt lùi. Trong mỗi giai đoạn có các biểu hiện khác nhau, diễn ra liên tiếp tạo ra một cơn sốt thống nhất. Giai đoạn sốt tăng có dấu hiệu run rẩy, sởn da gà, rung cơ, da tái nhợt, co giật, không tiết mồ hôi. Giai đoạn sốt đứng có dấu hiệu da trở nên đỏ và nhiệt độ ngoại vi tăng. Giai đoạn sốt lui có dấu hiệu ra nhiều mồ hôi, nhiệt độ cơ thể hạ xuống cho đến khi trở về bình thường; trong giai đoạn này có thể thân nhiệt hạ đột ngột do tiểu tiện, đại tiện nhiều hoặc ra nhiều mồ hôi làm mất nước, khối lượng tuần hoàn giảm, có thể bị hạ huyết áp, trụy tim mạch.

Tùy theo từng loại bệnh hoặc hội chứng bệnh lý cụ thể, sốt có thể đi kèm với một hoặc nhiều dấu hiệu, triệu chứng với các mức độ khác nhau từ nhẹ cho đến nặng như: đau họng, nuốt khó và đau; ho, đau ngực, khạc đờm, khạc mủ, khạc ra máu hoặc mủ lẫn máu; nhức đầu, nôn mửa, co giật, cứng cổ; phát ban, da mẩn đỏ hoặc mọng nước; vàng da, đau tức vùng gan, gan to và đau; tiểu buốt, tiểu rắt, phù; tiểu ra máu, ra mủ; bán hôn mê hoặc hôn mê; đau nhức xương khớp, hạn chế vận động, sưng nóng cơ khớp; mạch tăng hoặc giảm; rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, táo bón hoặc tiêu chảy; lách to; mệt mỏi, đau mình mẩy.

Sốt đi kèm dấu hiệu, triệu chứng nào cần đến ngay cơ sở y tế ?

Sốt là một triệu chứng phổ biến nhưng nếu nó đi kèm với các dấu hiệu, triệu chứng khác có tính chất nặng và nguy kịch thì không được chăm sóc tại nhà mà phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh một cách kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Các trường hợp phải đến ngay cơ sở y tế khi người bệnh bị sốt cao liên tục từ 2 ngày trở lên, đã dùng thuốc hạ sốt nhưng không đáp ứng; sốt cao trên 39 độ C; sốt kéo dài trên 7 ngày; sốt nghi ngờ bị mắc bệnh sốt rét, sốt Dengue, sốt xuất huyết Dengue, sởi...

Ngoài ra, nếu triệu chứng sốt xảy ra trên đối tượng như trẻ em dưới 2 tháng tuổi, trẻ bị suy dinh dưỡng, có dấu hiệu mất nước, cổ cứng, co giật, hôn mê... cũng phải đến ngay cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

Đối với trường hợp đặc biệt như trẻ nhỏ dưới 1 tuổi bị sốt, cần chú ý thêm các triệu chứng như thóp phồng, bú kém hoặc bỏ bú, không uống nước, có dấu hiệu lơ mơ, ngủ li bì khó đánh thức... để đưa trẻ nhanh chóng, kịp thời đến cơ sở khám, chữa bệnh thuận tiện nhất.

Ngoài các dấu hiệu, triệu chứng đi kèm với triệu chứng sốt có tính chất nguy hiểm cần đến ngay cơ sở y tế đã nêu ở trên; hầu hết các trường hợp sốt khác đều có thể theo dõi, chăm sóc tại nhà nhưng phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản như người bệnh phải được nghỉ ngơi trong phòng thoáng mát, chườm mát hay lau mát bằng nước ấm ở trán, nách, bẹn; sử dụng thuốc hạ sốt khi cần thiết, bảo đảm đủ nhu cầu nước uống, chế độ ăn; theo dõi diễn biến của cơn sốt, phát hiện tình trạng mất nước...

Một điều cần phải đặc biệt quan tâm là khi phát hiện được các dấu hiệu nguy hiểm, cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế phù hợp để được khám, chữa bệnh kịp thời; đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe, kể cả tính mạng. Sốt là một triệu chứng phổ biến, đơn giản nhưng đừng xem thường.

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục