Sông Nước Lah (xã Trà Don, huyện Nam Trà My) đang được đề xuất xây dựng nhà máy thủy điện - Ảnh: Việt Hùng |
Những vụ động đất trong lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 ở huyện Bắc Trà My chưa làm yên lòng người dân thì huyện kế bên Nam Trà My lại đang xin phép đầu tư thêm 4 dự án thủy điện, khiến dư luận âu lo.
Bớt 1, thêm 4
UBND tỉnh Quảng Nam đã có tờ trình gửi HĐND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung nghị quyết HĐND tỉnh về quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ. Theo đó, tỉnh chỉ đề nghị đưa khỏi quy hoạch thủy điện Nước Xa (xã Trà Mai, huyện Nam Trà My) có công suất 1,2MW, nhưng lại đề nghị bổ sung 4 dự án thủy điện ở huyện này.
4 thủy điện tỉnh Quang Nam đề nghị xây mới: - Trà Linh 1 (xã Trà Linh và Trà Cang) công suất 26,2MW - Tăk Lê (xã Trà Nam) công suất 11,6MW - Nước Lah (xã Trà Vân và Trà Don) công suất 11MW - Trà Leng (xã Trà Dơn) công suất 30MW. 4 dự án có tổng công suất 78,8MW, tổng diện tích đất rừng 144,3ha - bình quân 1,83ha/MW) |
Lý do tỉnh đề xuất HĐND xây dựng 4 dự án thủy điện nêu trên là việc cấp điện cho huyện Nam Trà My chỉ có một đường dây 35kV từ huyện Bắc Trà My kéo qua, gây tổn thất điện lớn, không ổn định cấp điện vào mùa mưa và thường xuyên xảy ra sự cố.
Hiện tỉnh Quảng Nam đã có tổng cộng 42 dự án thủy điện gồm 10 dự án lớn, 32 dự án nhỏ và vừa.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hồ Quang Bửu, chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, nhìn nhận: “Làm cái gì cũng có hai mặt. So sánh cái lợi, cái hại thì cái hại không đáng là bao nhiêu so với cái lợi về kinh tế - xã hội.
Các dự án này chiếm đất rừng nhỏ hơn so với quy định, không ảnh hưởng đến người dân, diện tích làm hồ trữ nước không bao nhiêu”.
Ông Bửu còn nói các chủ đầu tư dự án thủy điện cam kết họ bỏ tiền làm đường dây 110kV, nếu Nhà nước làm phải mất 400 tỉ đồng. Khi đó điện sẽ đáp ứng ổn định cho Nam Trà My, từ 30% hộ dân dùng điện lưới hiện nay sẽ lên 80%...
Đập ngăn nước thủy điện Tà Vi nằm giáp ranh giữa hai huyện Nam Trà My và Bắc Trà My, gây khô hạn cho vùng hạ lưu của đập - Ảnh: V. Hùng |
Chưa lấy ý kiến dân
Ghi nhận ngày 13-7 tại xã Trà Don - nơi dự kiến xây dựng thủy điện Nước Lah, đa số người dân đều không hề biết xã sắp tới sẽ xây dựng thủy điện. Bà Hồ Thị Ni (55 tuổi, người dân xã Trà Don) cho rằng dân mới nghe thông tin huyện khảo sát và đề xuất xây dựng một thủy điện ở xã.
“Làm sao cũng được nhưng phải đảm bảo rằng không làm mất đất sản xuất, đảm bảo sinh kế cũng như chỗ ở cho chúng tôi, không phá rừng nhiều” - bà Ni nói.
Ông Hồ Văn Lai - phó chủ tịch UBND xã Trà Don - cho biết tháng 6-2017 có đoàn cán bộ huyện, phòng tài nguyên - môi trường đến khảo sát khu vực đề xuất xây dựng thủy điện Nước Lah. Thủy điện này sẽ lấy nước trên sông Nước Lah.
Ông Lai nói hiện tại nguồn điện cung cấp cho dân sử dụng trên địa bàn xã vẫn tốt, ổn định, chỉ khi mưa gió mới có các sự cố.
“Khi làm thủy điện ở đây sẽ sử dụng hơn 1km lưu vực sông làm hồ tích nước. Nương rẫy của người dân nằm ven sông sẽ bị ảnh hưởng. Do đoàn mới khảo sát nên xã chưa họp để lấy ý kiến người dân” - ông Lai nói.
Ông Hồ Thanh Bá, nguyên bí thư Huyện ủy Nam Trà My (từ năm 2006-2014), cũng cho biết chưa nghe thông tin xây dựng thêm 4 dự án thủy điện ở huyện.
Đây là việc lớn nhưng rất không ổn khi cán bộ không được thông tin và nhất là chưa họp dân để lấy ý kiến. |
Ông Hồ Thanh Bá |
Tránh thổi phồng hiệu quả kinh tế
GS.TS Nguyễn Thế Hùng - tổ trưởng bộ môn cơ sở kỹ thuật thủy lợi (khoa xây dựng thủy lợi - thủy điện Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng) - cho rằng cần phải xem xét toàn diện việc Quảng Nam đề nghị bổ sung vào quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ 4 dự án thủy điện trên địa bàn huyện Nam Trà My, đặc biệt là trong tính toán thiết kế của dự án, tránh trường hợp thổi phồng hiệu quả kinh tế.
Theo GS Hùng, những thủy điện có vị trí xây dựng tốt thì các nhà đầu tư đã xây dựng hết rồi, còn những thủy điện xây trong những năm gần đây hiệu quả kinh tế không cao.
“Vấn đề đặt ra là hiệu quả kinh tế tính có chân thực, xác thực không. Tức là những số liệu điều tra cơ bản, tính toán về thủy văn, thủy lực có chính xác hay là được thổi phồng” - GS Hùng nói.
Nghiên cứu kỹ vị trí đặt nhà máy Ông Trần Viết Ngãi, chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho biết “phong trào” xây dựng thủy điện ồ ạt của những năm 2010 - 2014 nảy sinh những bất cập, tồn tại, đó là tình trạng lợi dụng mặt bằng đường sá của các dự án thủy điện để khai thác gỗ bừa bãi, gây tác hại môi trường rừng. Các chủ đầu tư dự án thủy điện nhỏ và vừa chủ yếu là tư nhân nên công tác khảo sát, địa chất, thủy văn không tốt; lập hồ sơ đầu tư qua loa, không chặt chẽ; lập dự án thiết kế, bản vẽ, thi công không chuẩn mực, không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật... Cho nên việc phê duyệt các dự án thủy điện nhỏ và vừa phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng. Trong đó, đặc biệt lưu ý ưu tiên dự án không gây ảnh hưởng đến môi trường rừng, không để chặt phá nhiều cây rừng, dự án không nằm trong rừng lõi, rừng sâu hay gần khu dân cư. Đối với 4 thủy điện mà Quảng Nam đang kiến nghị thực hiện, ông Ngãi khuyến cáo cần phải có nghiên cứu kỹ lưỡng vị trí đặt nhà máy. Bởi đây là khu vực từng có dư chấn về địa chất nên phải khảo sát địa chất, địa hình, có thiết kế, bản vẽ thi công và được thẩm định bởi cơ quan chuyên môn có năng lực giỏi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận