13/09/2014 00:01 GMT+7

Phòng tránh đau mắt đỏ khi vào mùa

Nguồn: Bệnh viện Mắt Trung ương
Nguồn: Bệnh viện Mắt Trung ương

Cần biết - Để phòng tránh bệnh, người dân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, dùng riêng khăn, chậu rửa mặt và rửa mắt bằng nước muối sinh lý hằng ngày.

Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, số lượng bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ gần đây tăng cao, chiếm khoảng 25-40% tổng số bệnh nhân đến khám tại bệnh viện.

Bệnh đau mắt đỏ thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu (khoảng từ tháng 8 đến tháng 10), khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao, khi giao mùa… là những thời điểm mà cơ thể con người, nhất là những người nhạy cảm với thời tiết, dễ bị mệt mỏi, hệ thống miễn dịch yếu, nên dễ bị nhiễm bệnh.

Bên cạnh đó, môi trường nhiều khói bụi, điều kiện vệ sinh kém, sử dụng nguồn nước ô nhiễm, dùng chung đồ dùng sinh hoạt như khăn mặt, gối… cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển và bùng phát thành dịch.

Trẻ em là đối tượng thường nhạy cảm với các loại virus nên tỷ lệ trẻ dễ mắc bệnh rất cao. Trong khi, người già lại ít gặp đau mắt đỏ, do mô kết mạc đã xơ và lão hóa không thích hợp cho virus phát triển.

Bệnh đau mắt đỏ lây qua 3 đường chính là hơi thở và nước bọt, lây trực tiếp tay-mắt, quan hệ vợ chồng.

Dấu hiệu dễ nhận biết bệnh đau mắt đỏ là sốt nhẹ, gai rét, đau họng, nổi hạch dưới cằm hoặc trước tai. Bệnh toàn phát trong 5-7 ngày với các triệu chứng như: đỏ mắt, ra gỉ nhiều, cảm giác cộm rát, vướng mắt nhưng không gây giảm thị lực (trừ khi có biến chứng)…

pRa3aar4.jpg

Để phòng bệnh trong những ngày dịch bắt đầu vào mùa, các bác sĩ khuyến cáo người dân phải đảm bảo vệ sinh cá nhân thường xuyên bằng cách rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, rửa mắt hằng ngày bằng nước muối sinh lý (nước muối 0,9%), ngày ít nhất 3 lần vào các buổi sáng, trưa, tối; không dùng chung thuốc nhỏ mắt, đồ đạc với người đau mắt; hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt; hạn chế sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm, hạn chế đi bơi… Bên cạnh đó, khi mắc bệnh, người dân phải sử dụng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị.

Cách xử trí đau mắt đỏ theo hướng dẫn của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế):

- Lau rửa ghèn, dử mắt ít nhất 2 lần/ngày bằng khăn giấy ẩm hoặc bông, lau xong vứt bỏ khăn, không sử dụng lại.

- Không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn.

- Tránh khói bụi, đeo kính mát cho mắt.

- Những trẻ em bị bệnh nên nghỉ học, không đưa trẻ đến những nơi đông người.

- Khi trẻ bị đau mắt, thông thường sẽ bị 1 bên trước, người nhà cần chăm sóc trẻ tránh nhiễm bệnh cho mắt còn lại. Cho trẻ nằm nghiêng một bên, nhỏ mắt rồi dùng gạc y tế lau ngay ghèn, dử và nước mắt chảy ra (làm tương tự đối với người lớn).

- Tránh ôm ấp khi trẻ em bị bệnh; ngủ riêng.

- Trước và sau khi vệ sinh mắt, nhỏ mắt cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

- Người bệnh cần được nghỉ ngơi, cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc. Không tự ý mua thuốc nhỏ mắt. Không dùng thuốc nhỏ mắt của người khác.

- Không đắp các loại lá (lá trầu, lá dâu...) vào mắt.

- Nếu bệnh không thuyên giảm sau vài ngày phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị.

Nguồn: Bệnh viện Mắt Trung ương
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên