15/11/2016 09:22 GMT+7

​Phòng ngừa và điều trị gai cột sống

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương

Chế độ dinh dưỡng đầy đủ; không vận động, bưng vác quá sức; không ngồi lâu trong tư thế không dựa lưng, thiếu điểm tựa và giữ cân nặng lý tưởng… là lời khuyên của các bác sĩ nhằm phòng ngừa bệnh gai cột sống.

Cột sống là trụ cột của toàn thân, bao gồm 33 đốt sống (7 đốt sống cổ, 12 đốt sống lưng, 5 đốt sống thắt lưng, 5 đốt sống hông, 4 đốt sống cụt). Cột sống tạo thành khung để bảo vệ tủy sống và các rễ thần kinh phía sau. 

Gai cột sống là sự phát triển thêm ra của xương trên thân đốt sống, đĩa sụn hay dây chằng quanh khớp. Nguy cơ mắc bệnh tăng theo độ tuổi và thường gặp ở những người trên 60 tuổi. Gai cột sống có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào của cột sống nhưng thường thấy là khu vực đốt sống thắt lưng và đốt sống cổ. Nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh này do viêm khớp cột sống mạn tính, thoái hóa cột sống, do chấn thương liên tục làm hư hại xương hoặc khớp ở cột sống.

Theo các bác sĩ, gai cột sống thường chỉ có chiều dài vài milimet và phần lớn xuất hiện ở mặt trước và bên, hiếm khi mọc ở phía sau, do đó ít chèn ép vào tủy và rễ thần kinh. Chính vì vậy, không phải ai bị gai cột sống cũng có triệu chứng và người bệnh có thể không phát hiện ra bệnh trong nhiều năm. Chỉ khi gai cọ xát với xương khác hoặc các phần mềm ở xung quanh như dây chằng, rễ dây thần kinh thì người bệnh mới thấy đau và khó chịu. 

Triệu chứng thường gặp là đau thắt lưng, đau vai hoặc cổ, lan xuống cánh tay, tê tay... đôi khi làm giới hạn vận động ở cổ, vai, thắt lưng. Tùy vào mỗi vị trí mọc gai mà người bệnh cảm thấy đau khác nhau. 

Chẳng hạn, nếu gai cột sống thắt lưng thì bệnh nhân có thể thấy đau tập trung ở giữa thắt lưng hay lan tỏa xuống vùng hông. Hầu hết bệnh nhân có cơn đau thắt lưng ở mức độ thấp và chịu đựng được, dù thỉnh thoảng có cơn đau dữ dội kéo dài vài ngày ảnh hưởng tới đi đứng, hạn chế vận động và giảm bớt lúc nghỉ ngơi. 

Nếu gai cột sống xảy ra ở vùng cổ, bệnh nhân thường đau sau gáy, đau hai bên vai. Một số bệnh nhân bị gai cột sống cổ có thể bị đau buốt kéo lên đỉnh đầu, đau nửa đầu, chóng mặt, buồn nôn, mất ngủ. Gai cột sống cổ nặng, đặc biệt khi kèm theo thoát vị đĩa đệm vùng cổ, có thể chèn ép các rễ thần kinh, gây đau, tê lan xuống vai, cánh cẳng tay. Nếu chủ quan không điều trị, về lâu dài, bệnh nhân có thể bị biến chứng vẹo, gù cột sống và nếu có chèn ép rễ dây thần kinh cột sống kéo dài sẽ gây yếu cơ, teo cơ ở tay hoặc chân.

Để phòng ngừa bệnh gai cột sống, các bác sĩ khuyên rằng, nên ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, nhất là các chất giàu canxi. Tập thể dục đều đặn, đặc biệt là các bài tập thể dục cột sống cổ, cột sống thắt lưng hay những môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội nhằm giúp làm chậm quá trình thoái hóa cột sống.

Luôn giữ cột sống ở tư thế tốt, ngồi làm việc, lưng cổ có chỗ dựa, điều chỉnh màn hình hay sách vở ngang tầm mắt, luân phiên thay đổi tư thế. Tránh đứng, ngồi quá lâu ở những tư thế không tốt như ngồi hàng giờ trên bàn làm việc, ngồi xem ti vi hay đọc sách tư thế xấu, màn hình vi tính quá cao hay quá thấp, nằm ngủ tư thế không thoải mái. 

Hạn chế khiêng vác nặng gây ảnh hưởng đến cột sống thắt lưng, tránh đội những vật nặng trên đầu gây ảnh hưởng cột sống cổ. Tránh các chấn thương ở vùng cột sống do chơi thể thao hoặc lao động quá sức. Kiểm soát cân nặng để giảm chịu lực của cột sống. 

Khi bị gai cột sống, nếu gai không gây đau, không cần thiết phải điều trị. Chỉ điều trị khi có triệu chứng hoặc gây ra những biến chứng nghiêm trọng.Việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, làm chậm bớt quá trình thoái hóa cột sống, giúp bệnh nhân sống chung với bệnh. 

Cụ thể, bệnh nhân bị đau, bệnh nhân cần nghỉ ngơi và được cho uống thuốc giảm đau kháng viêm không steroid, thuốc giãn cơ hay sử dụng một số dụng cụ nâng đỡ như nẹp cổ, nẹp thắt lưng… nhằm giảm bớt gánh nặng lên các đốt sống bị bệnh.

Ngoài dùng thuốc nên kết hợp với phương pháp châm cứu, vật lý trị liệu, tập thể dục thường xuyên. Yoga là một phương pháp giúp giảm trọng lượng cơ thể lên phần đốt sống bệnh, đồng thời làm thư giãn vùng cơ bị ảnh hưởng. Cải thiện lối sống lành mạnh như ngưng hút thuốc, giảm cân, có chế độ ăn giàu can xi và nhiều rau xanh… Không làm việc nặng, hạn chế đi lại, nằm ngủ với nệm cứng, không dùng gối hoặc dùng gối đặc biệt…

Chỉ phẫu thuật đối với trường hợp có sự chèn ép vào tủy, làm hẹp ống tủy hoặc chèn ép hệ thần kinh, gây các dấu hiệu tê chân, tay, rối loạn đại tiểu tiện. Tuy nhiên, gai có thể mọc trở lại ở cùng vị trí cũ. Vì vậy, sau phẫu thuật, người bệnh phải thay đổi lối sống, chú ý tư thế khi học tập và làm việc nếu không nguy cơ tái phát rất cao.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: gai cột sống