01/03/2017 11:00 GMT+7

​Phòng ngừa té ngã ở người cao tuổi

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương

Ngã thường xảy ra ở người lớn tuổi, tỷ lệ và độ trầm trọng của té ngã tăng lên từ từ, bắt đầu từ tuổi 60.

Do tuổi tác, các cơ quan trong cơ thể suy giảm chức năng: cơ teo yếu, khớp thoái hóa, thị lực giảm, trí tuệ sa sút, thiếu máu lên não… khiến cho việc đi lại ở người cao tuổi khó khăn và dễ bị ngã. 

Mắc các bệnh như tiểu đường, tai biến mạch máu não, bệnh tim, cao huyết áp hoặc sử dụng một số thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc trị cao huyết áp, bệnh tim, thần kinh hoặc do dùng nhiều loại thuốc khác nhau cũng một lúc là những nguyên nhân khiến người cao tuổi hay chóng mặt, mất thăng bằng khi đi, đứng, thường xuyên té ngã. 

Té ngã ở người cao tuổi còn do các nguyên nhân khác như tình trạng mất ngủ, tâm trạng mệt mỏi, buồn bã, thiếu dinh dưỡng hoặc dinh dưỡng không hợp lý... làm ảnh hưởng đến việc giữ thăng bằng của cơ thể khi di chuyển ở người cao tuổi. 

Bên cạnh đó, nguy cơ khiến người cao tuổi bị té ngã còn do nơi ở, điều kiện sống không an toàn như nền trơn, thiếu ánh sáng, thiếu thông thoáng, giày dép không vừa chân, thảm lau chân lỏng lẻo, cầu thang quá cao, bậc thang không có tay vịn...

Ngã có thể gây thương tích nghiêm trọng như gãy xương và chấn thương sọ não, thậm chí có thể làm tăng nguy cơ tử vong sớm. 

Gãy xương gây ra nhiều biến chứng và di chứng. Phổ biến nhất là gãy xương cột sống, hông, cánh tay, chân, mắt cá chân, xương chậu, bắp tay và bàn tay. Đáng nói là nhiều người khi bị ngã, dù không bị thương nhưng cũng sẽ có cảm giác luôn sợ bị ngã. Chính nỗi sợ hãi này khiến người cao tuổi hạn chế các hoạt động, dẫn đến ngại luyện tập thể dục, từ đó lại tăng nguy cơ bị ngã.

Để phòng tránh té ngã, các bác sĩ khuyên rằng, người cao tuổi nên đi khám sức khỏe định kỳ để không chỉ theo dõi tình hình sức khỏe hiện tại mà còn sớm phát hiện bệnh về mắt, tai, khớp, tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim… từ đó có phương pháp điều trị kịp thời. 

Đối với những trường hợp có bệnh, đang điều trị và theo dõi thì cần đi khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa nhằm có hướng điều trị và xử lý kịp thời khi bệnh có chiều hướng xấu. Tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ về việc làm thế nào để giảm tác dụng phụ cũng như giảm sự tương tác giữa các loại thuốc điều trị đối với sức khỏe người cao tuổi.

Thay đổi môi trường sống cho phù hợp với sức khỏe người cao tuổi như nhà cửa thông thoáng; nền nhà và thảm chùi chân chống trơn; nhà vệ sinh nên gần phòng ngủ; trong nhà đủ ánh sáng; thêm các thanh vịn bên trong và bên ngoài bồn tắm hoặc vòi hoa sen và bên cạnh nhà vệ sinh, thêm lan can hai bên cầu thang; cất bỏ các chướng ngại vật trên lối đi như giày dép, sách báo, đồ chơi; không thả súc vật như chó, mèo trong nhà… 

Ngoài ra, người cao tuổi cần dùng giày dép phù hợp, không nên mặc quần quá dài; nên có dụng cụ trợ giúp như gậy, khung đi, xe lăn... để đi lại (nhất là những người mắt kém, khớp thoái hóa, yếu cơ). 

Đồng thời, người cao tuổi nên tập thể dục đều đặn, vừa sức. Tập luyện làm tăng cường sức mạnh của cơ, cải thiện thăng bằng và dáng đi. Đi bộ, bơi lội, tập dưỡng sinh, thái cực quyền... là những môn thể dục phù hợp với sức khỏe người cao tuổi. Người cao tuổi cũng cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, nhất là cần bổ sung đầy đủ canxi và vitamin D từ thức ăn hoặc từ các chất bổ sung nhằm đề phòng loãng xương và suy dinh dưỡng.

Các bác sĩ lưu ý, khi người cao tuổi thay đổi tư thế như nằm chuyển sang ngồi, đang ngồi lại đứng dậy, hoặc các tư thế quay phải, quay trái đều phải thật từ từ, để có đủ thời gian giúp máu lên tới não. Khi thức giấc giữa đêm, người cao tuổi cần nằm yên khoảng một vài phút cho tỉnh táo mới ngồi dậy. Khi ngồi dậy cũng nên ngồi thêm một vài phút để máu lên não, lúc này mới bỏ chân xuống giường, từ từ đứng dậy và di chuyển. 

Ngoài ra, nên thiết kế hệ thống chiếu sáng ở ngay khu vực giường ngủ, để khi tỉnh giấc giữa đêm, người già có thể bật đèn, tránh tình trạng dò dẫm đi trong đêm. 

Khi bị té ngã, nếu thấy rằng có thể bị thương ở chân hay xương sống thì không nên cố đứng dậy mà nên nằm yên rồi gọi giúp đỡ. Trái lại, khi trong người không đau đớn, có thể từ từ đứng dậy. Trước khi đứng dậy, nắm chặt bàn tay, cọ quậy đầu ngón chân để máu dồn về trung tâm cơ thể.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: té ngã