11/06/2018 09:30 GMT+7

Phòng cúm A/H1N1 ra sao?

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TTO - Mới đây, một phụ nữ 26 tuổi, ngụ ở Q.Thủ Đức (TP.HCM) bị tử vong do nhiễm cúm A/H1N1. Trước đó, có một ổ dịch cúm A/H1N1với 28 người mắc tại Bệnh viện Từ Dũ… Làm cách nào để không bị cúm A/H1N1?

Phòng cúm A/H1N1 ra sao? - Ảnh 1.

Một bệnh nhân bị cúm A/H1N1 - Ảnh: HỒNG PHƯƠNG

Ngày 1-6, một bệnh nhân đầu tiên tại khoa nội soi Bệnh viện Từ Dũ đã được xác định nhiễm cúm A/H1N1. Sau đó, tại đây đã có tổng số 28 bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1, trong đó có 8 nhân viên của khoa. Hiện ổ dịch này đã tạm được khống chế.

Lo lắng khi bệnh nhân tử vong

Sau 5 ngày điều trị cúm A/H1N1 tại nhà, một phụ nữ đã tử vong. Khi bệnh trở nặng, chị được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM điều trị nhưng do diễn tiến bệnh nặng nên bệnh nhân đã tử vong sau vài giờ nhập viện.

Ngày 5-6, một bệnh nhân nam 49 tuổi, là tài xế, ngụ tại Bình Thuận, nhập Bệnh viện quận Thủ Đức trong tình trạng suy hô hấp nặng, sau 8 ngày tự điều trị tại nhà. Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TP.HCM, kết quả dương tính cúm A/H1N1. Hiện tại bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Ngay sau khi nhận được thông tin hai ca mắc cúm A/H1N1 trên, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã phối hợp với Viện Pasteur TP tiến hành điều tra dịch tễ, triển khai các biện pháp giám sát lây nhiễm tại bệnh viện và cộng đồng. Kết quả bước đầu ghi nhận đây là hai trường hợp bệnh cúm xảy ra trên đối tượng có nguy cơ diễn tiến nặng (béo phì, tiểu đường), không có mối liên hệ dịch tễ với nhau, không có mối liên quan đến ổ dịch tại Bệnh viện Từ Dũ mà nguồn lây nhiễm là từ cộng đồng.

"Nhiều người thắc mắc bệnh cúm A/H1N1 là cúm mùa, sao lại có những trường hợp tử vong?", PGS Phan Trọng Lân - viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM - cho biết cúm mùa thường do virút chủng A và B lưu hành, hay có các biểu hiện như sốt, ho, đau họng, đau đầu, đau cơ. Bệnh có khả năng lây nhiễm cao qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt dung dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Thông thường bệnh sẽ tự hồi phục trong vòng một tuần kể từ khi người bệnh mắc bệnh. Trên những đối tượng nguy cơ cao (phụ nữ mang thai, người già trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi, người mắc các bệnh mãn tính như HIV/AIDS, hen suyễn, bệnh tim, phổi, tiểu đường, béo phì...) có thể có diễn biến nặng, thậm chí tử vong.

Nên chích ngừa

Bác sĩ Lê Hồng Nga, trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cúm A/H1N1 là bệnh truyền nhiễm do virút H1N1 gây nên. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây truyền nhanh. Bệnh lây truyền trực tiếp từ người sang người. Bệnh cũng có thể lây gián tiếp khi bàn tay tiếp xúc với một số đồ vật, bề mặt bị dính chất dịch có chứa virút sau đó đưa tay lên mắt, mũi, miệng...

Ở những nơi tập trung đông người như nhà trẻ, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất, nhà trọ... bệnh càng dễ lây lan.

Khi mắc bệnh, người bệnh không nhất thiết phải xét nghiệm, trừ khi có chỉ định của bác sĩ.

Nếu không có nguy cơ diễn tiến nặng, người bệnh có thể được điều trị tại nhà và tự khỏi trong vài ngày. Trong thời gian mắc bệnh, người bệnh nên nghỉ ngơi ở nhà, không đi học, đi làm trong vòng 7 ngày sau khởi phát vì đây là khoảng thời gian virút cúm đào thải ra môi trường.

Không nên đi đến những nơi tập trung đông người, trừ trường hợp bất khả kháng thì phải mang khẩu trang che kín miệng và mũi, cần thay khẩu trang ngay khi bị ướt.

Rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng. Che miệng, mũi khi ho, hắt hơi, sau đó rửa tay bằng nước và xà phòng. Tốt nhất nên sử dụng khăn giấy, sau đó bỏ ngay khăn giấy vào thùng rác. Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, giàu vitamin để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý sử dụng thuốc kháng virút.

Theo dõi sát các biểu hiện của bệnh và đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay khi có các triệu chứng nặng.

Tiêm ngừa là biện pháp hiệu quả để phòng bệnh cúm. Văcxin cúm được phép chỉ định cho người từ 6 tháng tuổi trở lên, sử dụng được cho thai phụ. Việc chích ngừa văcxin cúm chỉ có tác dụng trong một năm, năm sau phải chích ngừa lại.

PGS Phan Trọng Lân cho rằng để hạn chế những ca nhiễm cúm diễn tiến nặng, tử vong, những đối tượng nguy cơ cao kể trên nên được chích ngừa cúm hằng năm. Đối với các cán bộ y tế thường phải chăm sóc cho những người có nguy cơ cao mắc bệnh cúm, cũng như thường xuyên phơi nhiễm với cúm cũng cần được tiêm phòng hằng năm.

Tỉ lệ người mắc cao hơn mọi năm

PGS.TS.BS Phan Trọng Lân, viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết năm nay tỉ lệ người mắc cúm A/H1N1 tăng cao hơn so với các chủng khác. Ông cũng cho biết mỗi năm ở phía Nam có khoảng 30.000 người mắc bệnh cúm các loại. Do đó việc phòng chống cúm nói chung và cúm A/H1N1 phải thường xuyên liên tục.

Lo ngại cúm đại dịch quay lại?

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 10-6, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Trần Đắc Phu cho biết chủng cúm A/H1N1 xuất hiện lần đầu năm 2009 và được gọi là "cúm đại dịch" nay đã trở thành cúm mùa lưu hành. Tuy nhiên ông Phu cho rằng đến thời điểm hiện nay chưa có lo ngại dịch cúm quay trở lại.

Hiện hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế nghiệm thu sản phẩm văcxin ngừa cúm A chủng H1, H3 và cúm B do Viện Văcxin và sinh phẩm y tế (IVAC) nghiên cứu sản xuất. Sản phẩm này cũng đang được Bộ Y tế xem xét để cấp giấy phép lưu hành, dự kiến cuối năm 2018.

Theo ông Lê Văn Bé, giám đốc IVAC, đây là văcxin cúm thế hệ 2, dạng mảnh, ý nghĩa của công nghệ này là giảm tai biến và cập nhật với công nghệ quốc tế, có thể dùng cho nhiều nhóm đối tượng, kể cả phụ nữ có thai. Ông Bé cũng cho hay văcxin này không dùng chất bảo quản và trong trường hợp có dịch cúm, VN sẽ sử dụng 90% công suất sản xuất văcxin, 10% sẽ hỗ trợ cho các quốc gia chưa sản xuất được văcxin cúm.

L.ANH

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên