02/10/2008 07:05 GMT+7

Phòng chống bão số 8 (Higos): Kiên quyết buộc tàu thuyền vào bờ

Q.KHẢI
Q.KHẢI

TT - Các biện pháp chỉ đạo đã quyết liệt hơn sau sự khinh suất đối với cơn bão số 7 khiến thiệt hại nặng về người và của. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương chiều 1-10, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương phải coi việc đưa tàu thuyền vào bờ phòng tránh cơn bão số 8 (Higos) là việc “tối quan trọng”.

pHnOJkNB.jpgPhóng to
Dự báo đường đi của bão Higos - Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương
TT - Các biện pháp chỉ đạo đã quyết liệt hơn sau sự khinh suất đối với cơn bão số 7 khiến thiệt hại nặng về người và của. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương chiều 1-10, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương phải coi việc đưa tàu thuyền vào bờ phòng tránh cơn bão số 8 (Higos) là việc “tối quan trọng”.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Theo đó, chính quyền các cấp phải kiên quyết cưỡng chế các trường hợp ngư dân cố tình không chịu vào bờ để bảo vệ tính mạng cho người dân, phải coi việc đưa dân lên bờ là pháp lệnh. Chính quyền phải kiên quyết không để dân ở lại tàu thuyền.

Theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, trên các vùng ven biển vẫn còn 1.377 tàu và 11.578 ngư dân đang hoạt động đánh cá. Trong đó, ở vùng biển Hoàng Sa vẫn còn 16 tàu với 190 ngư dân nằm trong vùng có thể chịu ảnh hưởng của cơn bão số 8. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đề nghị với 16 tàu trên, chính quyền nên vận động ngư dân trở về đất liền. Nếu ngư dân ở lại phải xác định rõ đảo gần đó, liên hệ với các nước để có thể lên tránh bão an toàn trên các đảo của họ.

Hôm qua, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương cũng đã có công điện gửi ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, TP ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa yêu cầu: thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí của bão để không di chuyển vào vùng nguy hiểm (khu vực bắc vĩ tuyến 13 và từ 110 kinh độ Đông). Bên cạnh đó, cần đề phòng bão diễn biến phức tạp, có thể thay đổi hướng, yêu cầu các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi cần chủ động các phương án đối phó với bão, mưa lũ.

Theo thông tin từ văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, sau hai lần nỗ lực cứu nạn không thành, Quân chủng hải quân đã sử dụng tàu HQ 629 đi kéo tàu Yinson Power 2 (tám thuyền viên) bị hỏng máy từ trưa 29-9 tại vùng biển cách tây bắc đảo Tri Tôn 27 hải lý. Dự kiến 6g sáng nay (2-10) tàu HQ 629 đưa tàu bị nạn về đến Đà Nẵng.

Bão số 7 gây thiệt hại nặng

Bão Higos hoạt động mạnh trên biển Đông

Ông Vũ Anh Tuấn - phó phòng dự báo ngắn hạn thuộc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương - cho biết càng vào sâu khu vực biển Đông, bão Higos càng mạnh hơn và hướng đi của bão chưa ổn định. Tuy nhiên, hiện bão chưa có khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh ven biển khu vực phía Bắc.

Dự báo hôm nay (2-10), bão Higos di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 20-25km với cường độ mạnh cấp 9, giật cấp 11. Đến ngày 3-10, bão Higos hoạt động mạnh cấp 11, giật trên cấp 13 khu vực phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực phía đông biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, giật cấp 11. Biển động rất mạnh.

Chiều 1-10, nguồn tin từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa cho biết trong cơn bão số 7 vừa qua có bốn ngư dân của địa phương, đều trú tại xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, mất tích do tàu chìm hoặc bị sóng to hất rơi xuống biển. Chính quyền địa phương cùng bộ đội biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An nỗ lực tìm kiếm thi thể các ngư dân mất tích, nhưng đến cuối giờ chiều 1-10 vẫn chưa có kết quả. Bên cạnh đó, đội cứu nạn của tỉnh cũng đang trục vớt hai tàu của ngư dân bị chìm.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa, đến chiều 1-10 đã có 1.447ha lúa, 1.611ha rau, màu bị ngập, đổ, 18 ngôi nhà tốc mái, hàng chục hecta đồng nuôi trồng thủy sản bị ngập. Ước tính tổng thiệt hại toàn tỉnh hơn 20 tỉ đồng.

* Bộ đội biên phòng Nghệ An đã cứu nạn được sà lan mang ký hiệu HN 6701 GEMADEPJ20 của Công ty cổ phần thi công cơ giới và dịch vụ, Bộ Giao thông vận tải đứt dây neo tại cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa) bị mắc cạn tại xã Diễn Kim (Diễn Châu, Nghệ An). Bảy thuyền viên trên sà lan đã được đưa vào bờ an toàn. Lúc 7g ngày 1-10, hai tàu tuần tiễu của bộ đội biên phòng Hà Tĩnh đã tìm thấy thuyền của ông Nguyễn Văn Chất (ở xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) bị chìm cách cửa Sót 5 hải lý.

Hồi 8g30 ngày 1-10, nhân dân vùng biển xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị phát hiện bảy ngư dân đang trôi dạt cách bờ biển hơn 1km, Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh đã kịp chỉ đạo cứu nạn cho bảy ngư dân và đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Vĩnh Linh. Bảy ngư dân nói trên là thuyền viên của tàu đánh cá BĐ-5625 TS bị bão đánh chìm sáng 30-9 trên vùng biển cách cảng sông Gianh (Quảng Bình) 2 hải lý và bị trôi dạt hơn một ngày đêm trên biển đến sáng 1-10 thì được cứu thoát. Cũng trong ngày 1-10, trong số năm ngư dân mất tích đã tìm thấy hai thi thể là anh Võ Văn Dưỡng quê ở Vĩnh Quang (Vĩnh Linh) và ông Hoàng Văn Xuân (Bố Trạch, Quảng Bình) của tàu QB 2229 bị chìm sáng 30-9.

* Để tìm thi thể hai cháu nhỏ ở xã Phú Lộc bị lũ cuốn trôi sáng 30-9, lực lượng phòng chống lụt bão tỉnh Hà Tĩnh đã huy động 100 dân quân huyện Can Lộc. Mãi tới 9g ngày 1-10, lực lượng cứu hộ mới tìm thấy thi thể hai cháu trong một hốc đá của khe suối sâu, cách nhà 300m. Tên hai cháu được xác định là Nguyễn Văn Mạnh, 3 tuổi và Nguyễn Thị Cẩm, 5 tuổi.

* Mưa bao phủ địa bàn toàn tỉnh Nghệ An với mật độ trung bình 160mm từ 30-9 đến 1-10. Sông Cả và sông Hiếu đều ở mức báo động 1. Rất nhiều đoạn tỉnh lộ ở huyện miền núi Nghĩa Đàn bị tắc nghẽn giao thông do nước ngập các cầu tràn. Cầu tràn xã Nghĩa Thịnh tại km46+300 ngập sâu nhất 1,3m, cầu tràn Nghĩa Bình ngập 1,1m. Công an tỉnh và Sở GTVT đã huy động lực lượng giải tỏa ách tắc giao thông nhưng cũng rất khó khăn vì trời liên tục mưa và nước tiếp tục dâng.

* Ngày 1-10, ông Nguyễn Hữu Hoài, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết đã ổn định được điện, thông tin liên lạc trên toàn tỉnh, một số tuyến đường như quốc lộ 12A, đường Hồ Chí Minh bị sạt lở gây ách tắc cũng đã được khai thông. Ngay sau cơn bão số 7, UBND tỉnh đã chỉ đạo trích từ ngân sách dự phòng của tỉnh và huyện để hỗ trợ các gia đình với mức 3 triệu đồng/người chết, 1 triệu đồng/người bị thương, mỗi căn nhà bị sập đổ 5 triệu đồng.

Người dân trong vùng bị ngập lụt, bị trôi lương thực sẽ được cứu đói 15kg gạo/người/tháng. Các sở Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã cử các đoàn công tác về xã thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm nước sạch sinh hoạt và chăm sóc sức khỏe cho bà con vùng bị ngập. Số hộ nông dân bị thiệt hại về con nuôi, cây giống và bà con ngư dân bị hư hỏng tàu thuyền sẽ được hỗ trợ giống cho vụ sản xuất đông xuân tới và được vay vốn ưu đãi sửa chữa tàu thuyền.

Trường tự quyết định cho học sinh nghỉ khi mưa lũ

Ngày 1-10, Phó chủ tịch UBND tỉnh kiêm trưởng ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Quảng Ngãi Trương Ngọc Nhi cho biết do địa phương có nhiều sông suối, vùng trũng khi mưa lũ nước dâng cao nhưng muốn cho học sinh nghỉ học phải chờ thông báo của Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh nên đã xảy ra nhiều bất cập, có trường hợp học sinh đến trường hay từ trường về nhà bị lũ cuốn hoặc bị sụp nước chết. Rút kinh nghiệm từ thực tiễn này, ông Nhi cho biết sẽ hoàn chỉnh văn bản thông báo cho ngành giáo dục trong mùa mưa lũ năm nay, tùy theo tình hình mưa lũ ở địa phương mình, ban giám hiệu các trường có quyền quyết định cho học sinh nghỉ học, đồng thời có trách nhiệm lên kế hoạch triển khai dạy bù các tiết học đã nghỉ vì mưa lũ.

Q.KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên