02/01/2018 14:20 GMT+7

Phòng bệnh cho trẻ khi trời nồm

Nguồn: Sở Y tế TP. Hà Nội
Nguồn: Sở Y tế TP. Hà Nội

Thời tiết nồm, ẩm ướt kéo dài là một trong nhiều tác nhân khiến người già, trẻ em dễ mắc bệnh hơn.

Phòng bệnh cho trẻ khi trời nồm - Ảnh 1.

Giữ ấm cho trẻ để phòng bệnh trong mùa đông-xuân. Ảnh: khoahoc.tv

Hô hấp là nhóm bệnh hàng đầu

Điều kiện môi trường trong khoảng thời gian mùa đông, xuân làm cho trẻ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như: cảm, cúm, viêm phế quản và viêm phổi, trong khi đó, trẻ bị viêm phổi nặng có thể dẫn đến tử vong. Với những trẻ có cơ địa dị ứng, bị hen phế quản rất dễ lên cơn hen trong thời tiết này do tác động của không khí ẩm, lại thêm tác nhân nấm mốc ở ngay trong nhà khiến cơn hen bùng phát. Sốt vi rút cũng là một bệnh thường phát ở trẻ em mùa nồm. Khi trẻ em mắc bệnh này sẽ có tình trạng ho, sốt kéo dài, tuy nhiên, đây là bệnh không ảnh hưởng lâu dài hay nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ. Bệnh có thể khỏi nhanh nếu được chăm sóc tốt.

Trong thời điểm này, những cơn ho dai dẳng không dứt của trẻ khiến bố mẹ sốt ruột nhất. Nhất là với bệnh lý viêm tiểu phế quản, trẻ ho rất lâu, dễ phù nề đường thở gây khó thở, trong khi bệnh lại không đặc hiệu với kháng sinh nên việc điều trị phải rất kiên trì, tái khám thường xuyên khiến bố mẹ có tâm lý lo lắng. Không ít bố mẹ có tâm lý chạy vòng quanh, khám bác sĩ này thấy uống vài ngày thuốc con chưa đỡ lại ôm con đi khám bác sĩ khác.

Ngoài các bệnh liên quan đến hô hấp, thời tiết nồm, ẩm cũng khiến trẻ mắc bệnh tiêu chảy cấp do vi khuẩn, do nấm, do ký sinh trùng hoặc do nhóm vi rút đường ruột, đặc biệt là vi rút rota, bệnh sởi, thủy đậu, viêm da,…

Chú ý chăm sóc trẻ

Việc chủ động giữ ấm cho trẻ để phòng bệnh là điều các gia đình cần quan tâm. Theo đó, khi đưa trẻ đi ra ngoài trời, đưa trẻ đi tiêm chủng phải cho trẻ mặc quần áo đủ ấm, đi tất, đeo khẩu trang, đội mũ, quàng khăn ấm, tránh để trẻ nhiễm lạnh dẫn đến bị ốm, mắc các bệnh như cảm, cúm, viêm phế quản, viêm phổi... Nên có người lớn bế, tránh gió và ủ ấm cho trẻ, nhưng lưu ý không nên bọc trẻ quá kín hoặc dùng áo mưa bọc trẻ làm cho trẻ toát mồ hôi, sẽ dễ gây cảm lạnh và bị bệnh.

Không cho trẻ tiếp xúc với những trẻ hoặc người lớn đang có dấu hiệu bị các bệnh cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu;…hạn chế cho trẻ đến những chỗ đông người.

Cho trẻ ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Cho trẻ uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.

Khi trẻ có các dấu hiệu ho, sốt… cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Giữ gìn vệ sinh môi trường sống

Những trường hợp khám vì viêm mũi dị ứng, viêm tiểu phế quản liên tiếp, nhiều trường hợp được xác định do môi trường sống bị ẩm, mốc. Vi khuẩn, nấm mốc có thể có trong chính đồ dùng như chăn, nệm, thảm sàn, rèm cửa, quần áo của trẻ nhỏ do không khí ẩm, đồ giặt không khô. Đặc biệt nhiều gia đình gầm giường thấp, gặp phải trời ẩm, sàn nhà đổ mồ hôi khi lật đệm lên thì cả ổ mốc xanh dưới đệm. Đây là những yếu tố khiến trẻ tăng kích thích, dễ nhiễm bệnh.

Vì thế thời tiết ẩm, các gia đình cần tích cực dọn dẹp nhà cửa. Trong nhà nên xếp các đồ dễ bị ẩm mốc lên cao, không tiếp xúc trực tiếp với mặt đất. Để thoáng gầm giường, tủ tránh mọc nấm mốc không biết. Nên đóng kín các của phòng, dùng các khăn thấm hút nước tốt lau khô sàn nhà.

Trong phòng ngủ của trẻ nên dùng máy hút ẩm, quần áo khi mặc nên sấy, là khô lại nhằm loại bỏ những dị nguyên có thể gây cơn hen phế quản cho trẻ.

Theo các chuyên gia, các biện pháp giảm bớt sự nồm ẩm trên là rất cần thiết để phòng bệnh cho trẻ.

Nguồn: Sở Y tế TP. Hà Nội
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên