Các vali tiền ở những “thiên đường né thuế” - Ảnh minh họa: Guardian
Thông qua những công ty bình phong, nhiều nhân vật quyền lực trên thế giới đã che giấu thành công của cải kếch xù của mình ở nước ngoài, một số trường hợp chỉ trả ít hoặc không phải trả thuế.
18 tháng đào bới tài liệu
Trong số những nhân vật quyền lực có dính líu tới các thiên đường thuế Panama, Dubai, Monaco, Thụy Sĩ, quần đảo Cayman..., có 35 người là các lãnh đạo quốc gia đương nhiệm hoặc đã về hưu bao gồm: Nhà vua Abdullah của Jordan, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Thủ tướng Czech Andrej Babis, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, cựu thủ tướng Anh Tony Blair... và hơn 100 người là doanh nhân, tỉ phú, người nổi tiếng, ngôi sao nhạc rock. Ngoài ra có hơn 330 người là chính trị gia như bộ trưởng, thẩm phán, thị trưởng, tướng quân đội ở 91 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Các tài liệu liên quan đến hồ sơ Pandora ban đầu được tiết lộ với ICIJ. Sau đó, mạng lưới này chia sẻ quyền tiếp cận tài liệu với một số đối tác báo chí gồm: The Guardian (Anh), BBC Panorama (Anh), Le Monde (Pháp), Washington Post (Mỹ)... để tiến hành một cuộc điều tra xuyên quốc gia lớn nhất từ trước đến nay.
ICIJ không cho biết bằng cách nào họ có được nguồn tài liệu liên quan đến nhiều yếu nhân rất nhạy cảm này. Tuy nhiên, khoảng 600 nhà báo đã phải đào bới trong núi tài liệu hỗn độn trong hơn 18 tháng liên tục. Họ phải phân tích các hồ sơ ngân hàng, những tài liệu rời rạc tưởng như không liên quan, thư từ và hồ sơ chỉ ra chủ sở hữu thực sự phía sau các công ty bình phong.
Nhiều tài liệu được viết bằng tiếng Tây Ban Nha, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Hy Lạp...
The Guardian, 1 trong hơn 140 cơ quan báo chí tham gia điều tra, cho biết không phải tất cả mọi người có tên trong các hồ sơ Pandora đều bị nghi ngờ có hành vi sai trái nhưng những người họ chọn nêu tên là các trường hợp nghi vấn. Tờ báo tin rằng họ có trách nhiệm nêu tên những chính trị gia này, chí ít, cũng là để cử tri chất vấn các vấn đề tài chính bí mật của họ.
Khi những người giàu có và quyền lực cất tiền của mình ở các thiên đường thuế như quần đảo Cayman và Monaco, về cơ bản, họ đang mua sự bí mật, muốn tránh khỏi sự giám sát của công chúng. Tuy nhiên, sau khi hồ sơ Pandora được công bố, họ đang đối mặt với sự giám sát của người dân.
Báo The Guardian
Tài sản lên đến hàng nghìn tỉ USD
Hãng tin AFP dẫn lời giám đốc ICIJ, ông Gerard Ryle, cho biết: "Hồ sơ chứng tỏ những người có thể chấm dứt những bí mật, xóa bỏ những gì đang diễn ra, lại chính là những người đang hưởng lợi từ nó. Chúng tôi đang nói đến hàng nghìn tỉ USD".
Theo những gì được báo chí công bố, Quốc vương Jordan Abdullah sở hữu nhiều tài sản bí mật trị giá khoảng 100 triệu USD ở Malibu, Washington và London. Vua Abdullah từ chối trả lời các câu hỏi cụ thể nhưng khẳng định việc ông sở hữu tài sản thông qua các công ty nước ngoài là không có gì sai trái.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và vợ Mehriban Aliyeva cũng có giao dịch mua bất động sản trị giá gần 400 triệu bảng Anh trong những năm gần đây tại Anh. Một trong những tài sản của họ đã được bán cho Tập đoàn Crown Estate, nơi tập hợp các bất động sản thuộc về nữ hoàng Anh nhưng không phải là tài sản của chính phủ và cũng không phải tài sản riêng của nữ hoàng.
Hiện Crown Estate đang phải xem xét để giải trình về quá trình họ trả 67 triệu bảng Anh cho công ty bình phong của gia đình tổng thống Azerbaijan, quốc gia thường xuyên bị cáo buộc tham nhũng.
Ngăn chặn che giấu tài sản ra sao?
Đài BBC cho biết nhiều kẽ hở trong luật pháp hiện hành cho phép một người tránh nộp các khoản thuế hoàn toàn hợp pháp bằng cách chuyển tiền hoặc thành lập công ty tại các thiên đường thuế. Tuy việc này hợp pháp, nó thường bị xem là phi đạo đức. Có những lý do chính đáng buộc người giàu có phải giữ tiền và tài sản ở nước ngoài, như để tránh bị cướp bóc hoặc do không muốn đặt tài sản ở nơi có nhiều bất ổn chính trị. Tuy nhiên, việc sử dụng một mạng lưới phức tạp các công ty bí mật để chuyển tiền và tài sản có thể vì mục đích che giấu tài sản do phạm tội mà có.
Người dân ở nhiều quốc gia đã nhiều lần kêu gọi phải làm cho việc né thuế hoặc che giấu tài sản ở nước ngoài khó khăn hơn. Tuy nhiên, theo giám đốc ICIJ, thách thức chính là những người có khả năng chấm dứt các thiên đường thuế có thể là những người hưởng lợi từ nó, vì vậy họ không có động lực để chấm dứt nó.
Theo ước tính, các chính phủ bị thất thoát từ 400 - 800 tỉ USD mỗi năm do thất thu thuế từ các tập đoàn và cá nhân do các thiên đường thuế (thực chất là thiên đường né thuế). Con số cụ thể khó có thể đo đếm chính xác nhưng mỗi một đồng tiền bị mất đi là những đồng tiền lẽ ra đã được chi cho trường học, bệnh viện hoặc chuyển đổi sang nền kinh tế ít gây ô nhiễm môi trường.
.Cá nhân, quốc gia bị nêu tên lên tiếng
Hoàng gia Jordan khẳng định việc vua Abdullah có tài sản trị giá lớn ở Mỹ và Anh không có gì là bí mật nhưng họ không công bố vì liên quan đến quyền riêng tư và lý do an ninh, trong khi Thủ tướng Cộng hòa Czech Andrej Babis đăng tweet phủ nhận mọi hành vi sai trái có liên hệ với tiết lộ của hồ sơ Pandora.
Người phát ngôn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từ chối bình luận. Tương tự, gia đình tổng thống Azerbaijan từ chối lên tiếng về các thông tin báo chí nêu trong hồ sơ Pandora. Trong khi đó, Thủ tướng Pakistan Imran Khan cam kết sẽ điều tra những công dân bị nêu tên.
Tuy nhiên, hồ sơ Pandora không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn ảnh hưởng đến cả quốc gia. Theo Hãng tin AFP, những tiết lộ từ hồ sơ Pandora có thể làm tổn hại sâu hơn nữa uy tín của Panama. Hình ảnh của quốc gia Trung Mỹ này từng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do xuất hiện trong hồ sơ "Panama" cách đây 5 năm về những bê bối tài chính của nhiều chính trị gia và người giàu có. Chính phủ Panama thông qua một công ty luật đã gửi thư đến cho ICIJ khẳng định: "Thiệt hại liên quan đến việc công bố hồ sơ Pandora có thể lớn đến mức không thể vượt qua". Thư cho biết bất cứ cơ quan báo chí nào củng cố "nhận thức sai lầm" về việc Panama là thiên đường thuế "sẽ gây ra những hậu quả tàn khốc cho Panama và người dân" của nước này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận