03/10/2010 05:47 GMT+7

"Phố Văn nhân tài tử" ở Hà thành - Kỳ 3: "Nhà số 4" - một địa chỉ văn chương

NGÔ VĨNH BÌNH (tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ Quân Đội)
NGÔ VĨNH BÌNH (tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ Quân Đội)

TT - Phố Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội là một phố cổ dài 1.090m, tính từ phía phố Phan Đình Phùng đến đầu giáp phố Trần Phú.

yw4HGoPd.jpgPhóng to
Những văn nhân nơi “nhà số 4” - Ảnh do tác giả cung cấp

Kỳ 1: “Xóm kịch nghệ” nơi phố Nguyễn Bỉnh KhiêmKỳ 2:Phố của “tài tử điện ảnh”

Độc đáo “nhà số 4”

Thời Pháp thuộc phố có tên là phố Tướng Giốp (rue maréchal Joffre), dân gian trìu mến gọi là “phố nhà binh” vì phố nằm dọc tường thành phía đông của thành Hà Nội triều Nguyễn, một thời là trại lính Tây và hơn 50 năm nay là đại bản doanh của Quân đội nhân dân VN (trụ sở Bộ Quốc phòng).

Phố có cổng doanh trại quân đội (cũng gọi Cửa Đông vì ở ngay đầu phố Cửa Đông), hai bên có nhiều khu tập thể của các sĩ quan quân đội và trụ sở nhiều cơ quan văn hóa của quân đội như báo Quân Đội Nhân Dân, Phát thanh - truyền hình quân đội, Điện ảnh Quân đội, tạp chí Quốc Phòng Toàn Dân, NXB Quân Đội Nhân Dân, Thư viện Quân đội... và “nhà số 4” - trụ sở tòa soạn tạp chí Văn Nghệ Quân Đội.

“Nhà số 4” là tòa biệt thự cổ đẹp vào loại nhất thủ đô nằm ở đầu “phố nhà binh” phía đường Phan Đình Phùng, bên vườn hoa Hàng Đậu, được xây dựng dưới thời bác sĩ Trần Văn Lai là thị trưởng Hà Nội theo thiết kế của một kiến trúc sư người Pháp. Đây từng là nơi ở của các sĩ quan Nhật, sau là Pháp.

Từ sau ngày thủ đô giải phóng (10-1954), “nhà số 4” trở thành ngôi nhà của các văn nghệ sĩ quân đội. Theo nhà thơ Thanh Tịnh, đích thân đại tướng Nguyễn Chí Thanh bấy giờ là chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã lệnh cho một số sĩ quan cấp cục của quân đội chuyển đi nơi khác ở, nhường tòa biệt thự này để làm trụ sở tạp chí Văn Nghệ Quân Đội.

Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội là tạp chí sáng tác văn học và bình luận văn học nghệ thuật của Quân đội nhân dân VN, xuất bản từ năm 1957. Những năm đầu tạp chí ra mỗi tháng một kỳ, phát hành rộng rãi trong và ngoài nước với số lượng “quá khủng” 150.000-200.000 bản/kỳ.

Trong những năm chiến tranh ác liệt, tạp chí vẫn có mặt ở hầu hết các mặt trận. Có những nhà văn mang hộ khẩu “nhà số 4” nhưng mang thẻ phóng viên mặt trận, thường trú nơi chiến trường.

Văn Nghệ Quân Đội có ba nhà văn được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải).

“Nhà số 4” cũng là nơi có những nhà văn được đeo lon tướng (Dũng Hà, Hồ Phương, Nguyễn Chí Trung) hay được gắn tên phố, tên đường (Thanh Tịnh, Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu).

“Quán văn” của một thời

“Nhà số 4”, kể từ sau giải phóng thủ đô, kể từ khi các nhà văn áo lính dọn đến và treo tấm biển đồng ghi dòng chữ tạp chí Văn Nghệ Quân Đội nơi cổng chính, ngay lập tức trở thành một địa chỉ văn chương. Nơi đây, theo cách nói của nhiều cộng tác viên, không chỉ là “mối tình đầu”, là “nơi cất cánh”, là “chốn trường thi”, là “nơi tỉ thí” đối với nhiều lứa nhà văn trẻ mà còn là diễn đàn của các nhà văn VN.

Trải qua hơn 50 năm hoạt động, tạp chí đã tổ chức hàng chục cuộc thi truyện ngắn và thơ, cuộc thi nào cũng phát hiện những tài năng văn học. Nơi đây như là một “quán văn”, “chốn đi về” của nhiều tên tuổi.

Đỗ Chu khi còn là lính cao xạ, chưa được gọi là “Pautovski VN”, những lúc đến đây còn phải làm cái việc... nhặt bóng cho các tay vợt đàn anh Thanh Tịnh, Từ Bích Hoàng, Xuân Sách... nhưng sau như người nhà, có thời gian đưa cả vợ là chị Nhu đến tá túc.

Bùi Bình Thi có hôm đến đưa bài đã... quát cả một nhân viên mới của tòa soạn khi anh này đòi xuất trình giấy tờ rằng: “Cậu nên nhớ cho kỹ, tớ đã đi mòn cả cái cầu thang gỗ nhà này hơn 30 năm rồi nhé!”.

Sinh thời khi biên tập cuốn Tuổi thơ im lặng, nhà thơ Trần Vũ Mai sáng trưa chiều tối “chén chú chén anh”, rồi lại cùng Duy Khán “tại trại” cả tuần lễ. Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ có đận chiều nào cũng có mặt ở đây.

Chị Quỳnh có lần nêu ý muốn “đầu quân” về Văn Nghệ Quân Đội, nhà thơ Vũ Cao nói vui: “Đây là cơ quan quân đội, cô về đây thì làm gì, làm tổng biên tập nhé?”. Xuân Quỳnh bảo: “Tưởng làm gì chứ làm tổng biên tập như anh thì dễ quá!”... Và câu “Văn Nghệ Quân Đội là trụ sở thứ hai của Hội Nhà văn VN” là chị nói.

Văn Nghệ Quân Đội thành “nơi hội tụ”, thành “quán văn”, thành “chốn đi về” và được xem như “trụ sở thứ hai” của văn giới VN tại Hà Nội... không chỉ do đã đứng được nơi “mặt tiền của đại lộ báo chí” (theo cách nói của nhà báo lão thành tài năng Phạm Phú Bằng), mà còn do có sự ưu ái đặc biệt dành cho văn nghệ của quân đội, thêm vào nữa do “phố nhà binh” là phố của các văn nghệ sĩ áo lính.

Những nhà văn miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 như Thanh Tịnh, Nguyễn Thi - Nguyễn Ngọc Tấn, Hà Mậu Nhai, Trần Kim Trắc, Lưu Trùng Dương... đã qua những “đêm Nam, ngày Bắc”, đã “ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân” nhiều năm ngay tại “trại số 4” (câu thơ Thanh Tịnh: Trải qua mấy chục năm trường/ Ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân. Thống nhất sớm về Văn Lâu/ Thống nhất lâu về Văn Điển).

Nơi đây, theo đại tá Khắc Tuế, chính là nơi Hoàng Việt đã viết bài Tình ca với tình cảm da diết hướng về Nam. Nguyễn Khải, Xuân Thiều trước khi ra ở riêng ngoài “bãi Phúc Xá năm nào cũng lụt”, Phùng Quán sau “tai nạn nghề nghiệp” chạy ra nơi “lầu ngắm sóng” bên hồ Tây cũng nhiều năm tá túc nơi này.

Đằng sau tòa biệt thự, bên ngõ số 4 liền kề là những khu gia binh, hiện các nhà văn Dũng Hà, Anh Ngọc, Trần Anh Thái, Nguyễn Bình Phương... còn cư ngụ. Cũng bên số chẵn “phố nhà binh”, trong khu tập thể quân đội số 8 hiện có tư dinh của Nguyên Ngọc, Nam Hà, Phạm Phú Bằng và cụ thân sinh Phạm Phú Tiết; trước đó trong xóm này còn có Lê Lựu, Chu Lai...

Kế bên số 10 đầu những năm 1950 còn một biệt thự rất đẹp, nghe nói là nơi ở của tướng quân thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ.

Tiếp theo, vẫn bên số chẵn là các khu tập thể nhà binh khác, nơi đứng tên có các “chủ hộ” là nhà văn Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Bảo, Xuân Thiều, Văn Phác... Bên đối diện có nhà riêng của Chu Lai - Vũ Thị Hồng, Nguyễn Trí Huân... Tiếp đến là trụ sở Điện ảnh Quân đội, số 17, nơi ở ngày xưa của Phù Thăng, Hoàng Văn Bổn...

“Nhà số 4”, “phố nhà binh” - tức số 4 phố Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội không chỉ là ngôi biệt thự với những nét kiến trúc độc đáo mang phong cách Á - Âu hài hòa nổi tiếng ở thủ đô (được xếp hạng di tích kiến trúc) với những vòm mái cong, ô cửa tròn, ống khói lấp ló bên màu đỏ tươi của lớp ngói ống cùng nội thất hiện đại (cầu thang gỗ liền khối uốn lượn mềm mại, có lò sưởi, vòi tắm sen) với đôi cây đại già nơi cổng chính đã đi vào thi ca: Nơi tôi ở hoa đại rơi trắng đất/ Có ai nhìn hoa ngỡ tóc bạc trên đầu/ Cái thùng thư mấy lần thay ổ khóa/ Bác thường trực già năm cũ giờ đâu? (thơ Nguyễn Đức Mậu), mà nơi đây còn là một địa chỉ văn hóa đã in dấu chân của rất nhiều tên tuổi lớn của văn học cách mạng VN thế kỷ 20.

________________________

Đó là nơi “quần anh hội tụ”. Có họa sĩ Nguyễn Sáng cô đơn cùng bầu bạn với Bùi Xuân Phái, Trần Văn Cẩn rồi qua lại với những bạn hiền Nguyễn Bính, Trần Dần, Văn Cao...

Kỳ tới: Phố danh họa

NGÔ VĨNH BÌNH (tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ Quân Đội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên