01/10/2010 01:27 GMT+7

"Phố Văn nhân tài tử" ở Hà thành - Kỳ 1: "Xóm kịch nghệ" nơi phố Nguyễn Bỉnh Khiêm

NGUYỄN THỊ MINH THÁI
NGUYỄN THỊ MINH THÁI

TT - Ngoài 36 phố phường cho bán buôn, thương mại..., Hà Nội còn có những khu phố riêng độc đáo của nhiều văn nhân, tài tử. Ở nơi ấy, những cư dân mà “ai cũng biết” đã chung sống, cùng tạo dựng một môi trường sáng tạo, cùng góp phần làm nên cốt cách tinh thần cho Hà Nội hôm nay. Những câu chuyện nổi tiếng của những người nổi tiếng.

GHkOuGMm.jpgPhóng to
Vợ chồng NSND Thế Lữ trên gác thượng căn nhà số 50 phố Nguyễn Bỉnh Khiêm - Ảnh tư liệu gia đình

Cùng đoàn quân như sóng tiến về Hà Nội ngày giải phóng thủ đô là những văn nghệ sĩ kháng chiến. Từ đó, ở Hà Nội mọc lên các khu văn nghệ lớn nhỏ, như khu văn công Cầu Giấy, khu văn công quân đội. Các ngôi biệt thự trong lòng Hà Nội cũng được tiếp quản hoặc được xây mới thành khu tập thể nghệ sĩ.

Nhà 50 và bức thư của Thủ tướng

Năm 1989, Tổng bí thư Đỗ Mười và Bộ trưởng Bộ VHTT Trần Hoàn đến chúc tết, cảm thông sinh hoạt thiếu tiện nghi ấy của xóm nghệ sĩ mà đề nghị Chính phủ thông qua Bộ VHTT cấp tiền cơi nới hai phòng ở của hai gia đình nghệ sĩ cứng tuổi nhất ngôi nhà: Thế Lữ và Đào Mộng Long, nhà được “vẩy ra” khoảng 7m2 làm khu phụ.

Thế là các căn hộ khác nhân đấy mà “nước nổi bèo nổi”, mỗi căn đều có khu phụ riêng tư...

Đầu năm 1954, nghệ sĩ Song Kim và Dương Viết Bát được giao nhiệm vụ tìm thuê chỗ ở cho cả Đoàn Kịch nói trung ương.

Hai nghệ sĩ thuê được ngôi biệt thự vừa mới xây xong của viên tổng đốc Hà Đông, số 50 Nguyễn Bỉnh Khiêm, chưa kịp ở đã vội chạy vào Sài Gòn.Ngôi biệt thự thành ngôi nhà chung của Đoàn Kịch nói trung ương. Nơi ở, nơi tập của đoàn khép kín, chan hòa trong ngôi nhà này.

Và cả hai tầng gác ngôi nhà hoàn toàn dành cho sinh hoạt tập thể: tầng trên có hai phòng dành cho nam nữ diễn viên chưa lập gia đình. Tầng dưới là phòng thông suốt, dài rộng hết tầng một, dùng tập kịch. Cả ngôi nhà dùng chung hệ thống vệ sinh bếp núc thuộc dãy nhà phụ phía sau: ba phòng 10m2.

Gia đình Thế Lữ - Song Kim, Đào Mộng Long - Phạm Thị Thành được phân hai phòng 10m2 ấy để ở đều hài lòng vì được riêng tư.

Đến năm 1960, trong cuộc thăm hỏi đầu xuân, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Duy Hưng phát hiện gia đình Thế Lữ - Song Kim ở căn phòng quá chật, lại thiếu tiện nghi nên Thủ tướng đã gửi thư yêu cầu Chủ tịch Trần Duy Hưng cải thiện gấp tình hình.

Kết quả ngoài mong đợi. Cả ba phòng diễn viên nam nữ ở gác hai được chuyển giao cho ba gia đình Thế Lữ - Song Kim, Đào Mộng Long - Phạm Thị Thành và Dương Viết Bát - Ngọc Thoa.

Phòng cụ Thế Lữ và Song Kim ở đầu gác hai rẽ trái, được coi là đẹp nhất. Phòng đơn chỉ dùng để ở, không có diện tích phụ cho vệ sinh và bếp núc. Cả ba gia đình trên gác phải xuống nhà dưới, sau còn phải mở ba lần khóa mới có thể sử dụng diện tích phụ chung cho cả ngôi nhà.

Nghệ sĩ Song Kim lúc đó đã khóc vì sung sướng có phòng riêng, rộng gấp đôi căn phòng phụ ban đầu, song lại thương bọn trẻ của hai phòng nam nữ phải dọn đi chỗ khác.

Trường đại học sân khấu Thế Lữ

Tôi đến ngôi nhà này năm 1977, viết bài “Thế Lữ và sân khấu” cho tạp chí Sân Khấu sau ròng rã mấy ngày lấy tài liệu từ hai cụ NSND.

Hồi đó, căn phòng đơn sơ đồ đạc, Thế Lữ được bạn biếu cái tủ con đựng sách vở. Căn phòng chỉ có một giường nằm, bàn ghế đơn sơ tiếp khách. Cả nhà có năm bát ăn cơm, nếu có người thứ sáu cụ bà phải sang hàng xóm mượn tạm.

Để giảng giải cho tôi, một ký giả kịch trường tuổi ngoài đôi mươi chưa mảy may hiểu biết nghệ thuật đạo diễn, diễn xuất sân khấu kịch, cụ Thế Lữ luôn đứng bật dậy khỏi ghế ngồi, cao hứng diễn vai kịch để đời của mình: vai Ký Cóp.

Cụ bảo vai kịch cần mạnh về hình thể. Muốn diễn tính cách “mưu cao kế sâu” của Ký Cóp, cụ ngày đêm suy ngẫm, tìm được cách diễn: Ký Cóp quay lưng lại khán giả, những ngón tay đan vào nhau sau lưng, co duỗi đuổi nhau trong im lặng nghĩ suy.

Cụ bảo: “Diễn lúc nhân vật tính kế phải im lặng, dồn nén vào động tác hình thể, hiến cho cái xem của khán giả mới lấy được sự chăm chú của họ, để khi ra về mới để lại ấn tượng sâu sắc, làm khán giả phải nghĩ. Tiếng nói sân khấu cũng vậy, bác phải gọi đó là “nghệ thuật thốt lời”, diễn viên phải tròn vành rõ chữ, khán giả từ hàng ghế đầu đến hàng ghế cuối khán phòng phải nghe được lời thoại của nhân vật. Câu chuyện kịch viết theo cách phương Tây (mình không có truyền thống kịch kiểu này) phải được kể theo cách VN. Bác phải lòng bác Kim vì bác Kim đã diễn kịch như thế, dù không qua đào tạo bài bản về diễn kịch”.

Nghe Thế Lữ nói, Song Kim cười giòn, giọng ấm, vang, đầy truyền cảm, nói với tôi: “Trường đại học sân khấu kịch của bác chính là Thế Lữ đấy”. Thi sĩ Thế Lữ cũng cười, chứa chan hạnh phúc (hai cụ xưng hô “anh em” ngọt ngào với nhau cho đến khi... về cõi), thì thầm với vợ: “Em diễn đi”.

Song Kim đứng dậy, đi lại đong đưa ngúng nguẩy, cười lẳng lơ đưa tình, giọng trẻ trung lanh lảnh. Thế Lữ thì thào: “Vai vũ nữ đấy cháu, từ hồi Song Kim còn trẻ lắm. Bác là đạo diễn yêu cầu Song Kim phải lặn lội thâm nhập xóm vũ nữ, bí mật theo họ đến vũ trường, chịu quan sát, vào vai diễn thật sống động. Bao người xem vai ấy mê như điếu đổ”.

Bỗng Song Kim đổi tư thế, bà đổ sụp xuống, lưng còng, cầm cây phất trần, the thé giọng nữ cao mất dấu, đặc trưng ngữ âm của xứ Đoài mây trắng quê nội tôi, khúm núm thưa bẩm trước ai đó. Thoắt một giây thay đổi ngoại hình và giọng nói mà vai kịch khác hẳn ngay trước mắt tôi.

Chính Thế Lữ lại cười hồn hậu: “Được rồi Kim, em cho cháu biết rõ em diễn hai vai kịch đối lập nhau về tính cách trong cùng một vở: vai vũ nữ và vai bà già nhà quê ra tỉnh làm vú em: vú Nhè. Thật thú vị!”.

Ông vỗ tay khen và tôi cũng làm theo ông. Gian phòng nhỏ như bừng sáng một thế giới khác: thế giới của ánh đèn sân khấu.

Từ sau bài viết đó, tôi còn trở lại ngôi nhà này viết chân dung hàng chục nghệ sĩ: Đào Mộng Long, Phạm Thị Thành, Ngọc Thoa, Dương Viết Bát, Hoàng Uẩn, Bửu Tiến, Minh Nhu, Đam Ka... Tôi còn được NSƯT Đào Mộng Long cao hứng diễn vai phụ cho xem cũng ở căn phòng hàng xóm Song Kim - Thế Lữ.

Đây là “xóm nghệ sĩ kịch” lớn nhất miền Bắc trước năm 1975, với những NSND thế hệ thứ nhất của sân khấu hiện đại Việt, với số giải thưởng Hồ Chí Minh và Nhà nước chiếm tỉ lệ cao nhất.

Chỉ tiếc hầu như nghệ sĩ lớn của ngôi nhà này đều đã khuất núi. Con cháu không mấy ai theo nghiệp kịch của cha ông. Song trong tâm tưởng của người yêu kịch Hà Nội, ngôi nhà cũ kỹ này vẫn lưu giữ tinh thần của một bảo tàng sống về thăng trầm kịch nghệ ở thủ đô...

-----------------------------------------------

Phố Hoàng Hoa Thám với những tài tử điện ảnh, những đạo diễn nổi tiếng... phải cầm bát chờ tới lượt nhận cơm trong bếp ăn tập thể. Ở đó họ đã làm nên ký ức của một thời điện ảnh lẫy lừng...

Kỳ tới: Phố của “tài tử điện ảnh”

NGUYỄN THỊ MINH THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên