VĐV của đội Quảng Ninh nấu cơm trưa - Ảnh: K.XUÂN |
Câu chuyện về những VĐV đi ở trọ để tập luyện môn đua thuyền (rowing, canoeing) đến từ nhiều tỉnh trên cả nước không còn xa lạ với những người dân sống quanh CLB đua thuyền Hồ Tây, Hà Nội. Đến đầu phố Xuân La hỏi nơi ở trọ của các VĐV này là người dân ở đây có thể chỉ đến đúng ngõ, đúng nhà.
Thầy trò cùng tập, cùng nấu nướng
CLB đua thuyền Hồ Tây là đại bản doanh của môn đua thuyền Hà Nội. Đây là rẻo đất bên cạnh hồ Tây ở đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ. Những năm qua nơi đây cũng là đại bản doanh của đội tuyển đua thuyền quốc gia và là mái nhà của nhiều đội tuyển đua thuyền trên cả nước.
Khi các địa phương như Đà Nẵng, Hải Phòng... chưa có hồ để tổ chức tập luyện, thi đấu môn đua thuyền thì CLB đua thuyền Hồ Tây gần như là địa chỉ duy nhất trên cả nước để các VĐV tập luyện, tổ chức các giải đua thuyền quốc gia từ nhỏ đến lớn.
Vì diện tích nhỏ, CLB chỉ có chỗ cho các VĐV tập luyện và nơi ở cho các VĐV của Hà Nội. Trong khi đó, các địa phương khác gửi quân về đây tập luyện phải thuê nhà bên ngoài. Hiện nay, hàng chục địa phương như Hải Dương, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bến Tre, Hải Phòng... đang gửi quân tập luyện ở đây và tất cả VĐV đều phải đi thuê nhà để ở, tự nấu cơm ăn hoặc ăn cơm bụi.
5g sáng mùa hè, từng tốp VĐV đã bật dậy khỏi giường, mặc quần áo, rời nhà trọ đi bộ ra CLB đua thuyền Hồ Tây vác thuyền xuống hồ bơi. Buổi tập kéo dài khoảng hai giờ dưới hồ, sau đó các VĐV lên bờ đi ăn sáng, trở về khu nhà trọ. Một ngày của VĐV xa nhà bắt đầu như thế. Sau buổi tập sáng, mỗi đội chia công việc, người đi chợ, người nấu cơm trưa phục vụ cả đội.
Vũ Lệnh Lai - VĐV 17 tuổi đến từ Hải Phòng - cho biết đã quen với cảnh đi trọ xa nhà để tập đua thuyền được một năm rồi. Hiện nay Hải Phòng có bốn VĐV được gửi lên tập cùng với HLV đua thuyền Hà Nội, trong đó có Lai. Vì chỉ có bốn người nên Lai cho biết các VĐV nam được đặt cơm bụi bên ngoài nhà trọ, mỗi bữa 25.000 đồng. Tiền ăn ít ỏi chỉ ăn cho no bụng chứ không thể giúp VĐV có đủ dinh dưỡng để tập luyện tốt được.
9g sáng, khu nhà trọ ở số 9, ngõ 23, phố Xuân La đã đông đúc vì 20 thành viên đội Quảng Ninh đi tập xong trở về nhà. Sau giờ tập, các VĐV đi bộ ra chợ mua đồ nấu cơm. Một tốp các VĐV nhỏ 13 - 14 tuổi đi chợ mua mướp đắng, khoai sọ, thịt để chuẩn bị cho bữa trưa. Khi đi chợ về, cả nhóm lại cùng nhau ngồi sơ chế thức ăn, chuẩn bị bếp lửa để nấu nướng. Không tivi, Internet hạn chế, thầy trò chỉ biết có tập, nấu nướng ăn xong là nghỉ ngơi để ngày mai tiếp tục tập. Có nhiều VĐV không biết nấu ăn khi đi tập đua thuyền, nhưng vài tháng sau khi đi ở trọ đã quen nấu nướng, quen cả việc đi chợ và trả giá.
HLV Đỗ Văn Hiệu của đội Quảng Ninh chia sẻ: “Là tỉnh ven biển nhưng Quảng Ninh không có chỗ để tập đua thuyền, hằng ngày các VĐV phải bơi thuyền ra vịnh Hạ Long để tập. Tập ngoài biển sóng to, nước muối mặn nên làm hư thuyền, ảnh hưởng đến thành tích của VĐV. Vì thế mỗi năm ba tháng, Quảng Ninh cho VĐV lên Hà Nội tập nhờ ở CLB đua thuyền Hồ Tây, chúng tôi phải thuê nhà trọ. Thầy trò cùng tập, cùng nấu nướng...”.
Con trai HLV Dương Thị Mai lớn lên tại nhà trọ của đội Thái Nguyên ở Hà Nội - Ảnh: K.Xuân |
Con theo mẹ khi mới 2 tháng tuổi
Đó là trường hợp của HLV Dương Thị Mai thuộc đội đua thuyền Thái Nguyên. Từ năm 2001, chị Mai được Thái Nguyên gửi về ở trọ tại Hà Nội để tập đua thuyền ở CLB đua thuyền Hồ Tây. Sau khi từ giã sự nghiệp, chị Mai được chuyển sang công tác huấn luyện cho đội đua thuyền Thái Nguyên và nhiều năm qua là chỗ dựa cho cả đội. Căn nhà trọ sạch sẽ mà chị đang trú ngụ tại ngõ 77 Xuân La lúc nào cũng rộn rã tiếng cười nói, tiếng bi bô của trẻ nhỏ vì ngoài 14 VĐV còn có bé trai 15 tháng tuổi - con chị Mai - cũng ở đây.
Chị Mai chia sẻ: “Năm 2014 tôi sinh con đầu lòng nhưng vì lúc đó đội đang chuẩn bị cho Đại hội TDTT toàn quốc nên khi mới sinh được hai tháng tôi đã bế con từ Thái Nguyên về nhà trọ ở Hà Nội để huấn luyện. Là HLV trưởng, nếu không có mặt khi các VĐV trong giai đoạn chuẩn bị quan trọng tôi không yên tâm. Thế là suốt từ đó đến nay con trai đã theo tôi đi khắp nơi, sống cùng VĐV, ra CLB cùng mẹ, cùng mẹ đưa VĐV đi thi đấu khắp trong Nam ngoài Bắc. Có đêm con sốt cao vì viêm phế quản phải vào viện cấp cứu, các VĐV cũng ở bên hỗ trợ tôi trông cháu”.
Với mức tiền ăn trung bình 50.000 đồng/2 bữa chính một ngày, các VĐV Thái Nguyên cho biết chỉ có cách nấu ăn mới giúp họ được ăn no. Còn việc ăn thế nào cho đủ chất thật sự là không thể bàn đến với số tiền ít ỏi này. Chị Mai cho biết mỗi tháng tiền thuê nhà cho cả đội đã hết 21 triệu đồng, bao gồm cả tiền điện, nước. Số tiền còn lại cô trò tự phân bổ để đi chợ “cho khéo”, để các VĐV no bụng, có sức tập. Đội tuyển có bàn tay người phụ nữ thu vén, có cả tiếng trẻ con bi bô trông chẳng khác gì một gia đình thật sự.
Mượn thuyền! HLV Đỗ Văn Hiệu cho biết Quảng Ninh có hai VĐV nữ là Vũ Thị Linh và Đinh Thị Trang được triệu tập vào đội canoeing quốc gia và giành HCĐ SEA Games 28 vừa rồi. Hai VĐV đang tập cùng đội tuyển quốc gia tại Thủy Nguyên, Hải Phòng nhưng khi lên đội quốc gia, địa phương phải cho VĐV mang thuyền từ Quảng Ninh lên vì đội tuyển quốc gia thiếu thuyền tập. Hiện Quảng Ninh có gần 20 VĐV canoeing nhưng chỉ có năm chiếc thuyền nhập khẩu, còn lại là thuyền VN. Giá mỗi chiếc thuyền rẻ cũng 100 triệu đồng, có cái 400 triệu đồng. Khi tập ở Quảng Ninh VĐV không dám tập thuyền tốt vì sợ nước muối làm hỏng thuyền. VĐV Vũ Thị Hiền cho biết trước khi xuống biển phải bôi dầu vào thuyền để tránh muối ăn mòn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận