04/06/2015 13:28 GMT+7

Việt Nam kêu gọi hợp tác, chia sẻ và bảo vệ nguồn nước

THANH TUẤN - T.TÚ
THANH TUẤN - T.TÚ

TTO - Sáng 4-6, tại Bến Tre, Phó thủ tướng - bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì phiên Khai mạc Hội thảo ASEM về tăng cường phối hợp hành động quản lý nước.

Hội thảo do Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức, dự kiến diễn ra trong hai ngày 4 và 5-6.

Khoảng 180 đại biểu đến từ 53 quốc gia thành viên ASEM và các tổ chức khu vực, quốc tế liên quan như Ủy hội sông Mê công, Ủy ban quốc tế về bảo vệ sông Đa - Nuýp, Chương trình thập kỷ về nước của Liên hiệp quốc… tham gia hội thảo.

Dự kiến qua Hội thảo này, các đại biểu sẽ thông qua báo cáo trình các khuyến nghị lên Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEM lần thứ 12 tại Luxembourg (tháng 11-2015) và Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 11 tại Mông Cổ (năm 2016).

Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng Nước là khởi nguồn của sự sống. Thành bại của mỗi quốc gia trong sử dụng và quản lý bền vững tài nguyên nước không chỉ quyết định tương lai của dân tộc đó mà còn tác động đến vận mệnh chung của toàn khu vực. Tuy nhiên bức tranh toàn cảnh về vấn đề nước trên thế giới đang nổi lên nhiều gam màu xám.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đưa ra dẫn chứng thực trạng báo động là gần 750 triệu người và khoảng hơn 1/10 dân số thế giới vẫn chưa được tiếp cận với nước sạch.

Sự suy giảm đáng kể của nhiều lưu vực sông, trong đó có sông Mê Kông ngày càng gay gắt. Nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm vốn chiếm 95% nguồn cung nước sạch toàn cầu có nguy cơ đe dọa các thành phố lớn trong đó có TP.HCM của Việt Nam. Cùng với thiếu nước là tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn, nước thải chưa quan xử lý gây ô nhiễm nguồn nước đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sản xuất, sinh hoạt của người dân….

Phó thủ tướng kêu gọi các đại biểu cần thống nhất trong nhận thức và hành động để đảm bảo vấn đề nguồn nước có vị trí xứng đáng trong Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015. Phát triển tư duy mới và cách tiếp cận tổng thể, liên ngành về quản lý bền vững nguồn nước.

Cần tăng cường trao đổi kinh nghiệm hay, điển hình tốt và đưa ra khuyến nghị chính sách phù hợp về quản lý bền vững tài nguyên nước, chia sẻ các nguồn nước xuyên quốc gia. Thiết lập mạng lưới kết nối và chia sẻ thông tin giữa các trung tâm, các viện nghiên cứu về quản lý bền vững nguồn nước.

Cũng trong hội thảo này, các đại biểu sẽ trao đổi kinh nghiệm và thảo luận các bài học kinh nghiệm và thực tiễn trong quản lý nguồn nước tại Châu Á và châu Âu như xây dựng năng lực, quản trị nguồn nước, đổi mới công nghệ, quan hệ đối tác công tư, ứng phó thảm họa liên quan đến nước, hợp tác khu vực trong quản lý, sử dụng các nguồn nước xuyên biên giới.

Quan hệ đối tác Á - Âu hướng tới đảm bảo nguồn nước bền vững cho mọi người dân, đề xuất biện pháp cụ thể tăng cường đóng góp của hai châu lục Á- Âu vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế….

THANH TUẤN - T.TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên