Tác phẩm sắp đặt Máy nước thời gian của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn với vòi nước thật, gợi nhớ về những vòi nước công cộng một thời phổ biến ở Hà Nội, được hội đồng nghệ thuật yêu cầu chỉ vẽ hình vòi nước
Tôi ủng hộ việc thực hiện các tác phẩm cả tranh tường lẫn sắp đặt nghệ thuật trên phố Phùng Hưng. Nghệ thuật sắp đặt rất phù hợp với đời sống hôm nay, cũng như nhiều nơi làm bích họa rồi, nếu phố Phùng Hưng chỉ làm bích họa sẽ nhàm chán
Họa sĩ LÊ THIẾT CƯƠNG
Hội đồng nghệ thuật, do ông Trần Khánh Chương - chủ tịch Hội Mỹ thuật VN - làm chủ tịch hội đồng, đã họp lần cuối để nhận xét về các tác phẩm.
Tác giả Nguyễn Trí Mạnh đề xuất làm tranh gốm sứ kể câu chuyện tình yêu trên bối cảnh chợ Đồng Xuân. Tác phẩm có tên Nụ hôn. Nhưng hội đồng nghệ thuật yêu cầu đổi tên thành Chợ Đồng Xuân
"Tác phẩm không nên có xé, xóa, xoạc..."
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nghệ sĩ chèo Nguyễn Quốc Chiêm, phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao Hà Nội, cho biết hội đồng nghệ thuật yêu cầu dự án nghệ thuật trên phố Phùng Hưng phải lấy chủ đề Ký ức Hà Nội.
Trong đó, tác phẩm của họa sĩ Trần Hậu Yên Thế biến một ô vòm cầu Long Biên thành bức tường của căn nhà 63 Phùng Hưng với những sắp đặt đồ thật, nhằm gợi nhớ về Hà Nội một thời với những ngôi nhà có kiến trúc phương Tây quyến rũ, đã bị hội đồng loại bỏ.
"Khi xem tác phẩm, khán giả lại nghĩ ngày xưa nhà mặt phố của Tây đẹp thế. Bây giờ phải xé cái bên ngoài của ta đi thì mới thấy cái đẹp của Tây ở bên trong à? Tôi không nói về chính trị, nhưng về thẩm mỹ thì tác phẩm không nên có xé, xóa, xoạc..." ông Chiêm giải thích.
Bút phê của hội đồng nghệ thuật không cho làm sắp đặt rạp Lạc Việt mà chỉ được vẽ
Bút phê của hội đồng nghệ thuật không đồng ý làm sắp đặt các bộ phận xe máy gợi nhớ về chợ xe máy Phùng Hưng xưa. Hội đồng nghệ thuật cũng không đồng ý làm sắp đặt vòi nước công cộng
Tác phẩm của hoạ sĩ Trần Hậu Yên Thế (dưới) dù được nhiều người đánh giá cao nhưng vẫn bị hội đồng nghệ thuật loại bỏ
Một tác phẩm khác cũng bị loại là Kim vàng giọt lệ của họa sĩ Dương Mạnh Quyết.
Tác phẩm sắp đặt trưng bày chiếc xe Honda một thời cùng những phụ kiện xe máy, gợi nhớ chợ xe máy nổi tiếng Phùng Hưng những năm mở cửa sau bao cấp.
Tuy nhiên, ông Trần Khánh Chương đặt vấn đề ai sẽ trông giữ tác phẩm sắp đặt? Còn ông Chiêm lại nhận định chợ xe máy chưa hẳn đã tiêu biểu để làm thành tác phẩm.
Tác phẩm sắp đặt Kim vàng giọt lệ với chiếc xe Honda thật và các phụ kiện xe máy, đã bị hội đồng nghệ thuật loại bỏ - Ảnh: V.V.TUÂN
Ngoài hai tác phẩm chính thức bị loại, gần như tất cả tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của các họa sĩ dự định thực hiện trên các vòm cầu phố Phùng Hưng đều bị hội đồng nghệ thuật yêu cầu sửa đổi.
Như với tác phẩm Phố nhuộm màu hoa vẽ những phụ nữ tất tả với gánh hàng hoa, bán hàng rong trên phố Hà Nội - nét tiêu biểu trong cuộc sống thường nhật nơi đây, theo ông Chiêm, phải sửa lại là những cô gái mặc áo dài gánh hoa ở làng hoa Ngọc Hà.
Hai tác phẩm của các hoạ sĩ Hàn Quốc cũng bị hội đồng nghệ thuật đặt vấn đề chưa ổn về nội dung và có ý kiến cho rằng có phải do công an đuổi nên hình ảnh người bán hoa mới tất tả như vậy - Ảnh: V.V.TUÂN
Có thành viên hội đồng nghệ thuật còn đặt nghi vấn có phải những người gánh hàng hoa bị công an đuổi nên mới chạy tán loạn như thế không!
Tác phẩm ông đồ ngồi viết câu đối tết cũng không được chấp nhận vì ngày tết phải đông vui, chứ sao lại để ông đồ cô đơn như vậy!
Rồi tác phẩm sắp đặt rạp Lạc Việt, bên trong là những con rối, khách tham quan có thể trực tiếp chơi múa rối cũng bị chê không có cây cối và không được sắp đặt múa rối...
Tác phẩm sắp đặt Rạp lạc Việt cũng không được hội đồng chấp thuận bởi cho rằng không thể để những con rối vào trong vòm cầu mà chỉ cần vẽ tái hiện lại rạp này
Dựng tượng đồng người bán phở, bán hoa...
"Chúng tôi không đồng ý làm sắp đặt nghệ thuật, tương tác ở đây vì không gian không ổn. Nếu làm tác phẩm nghệ thuật sắp đặt ở đó thì ai sẽ trông coi, nếu bị lấy cắp thì sao?" ông Chiêm nói rõ quan điểm.
Ông Trần Khánh Chương cũng không đồng ý làm nghệ thuật sắp đặt, mà chỉ làm bích họa. "Không thể sắp đặt ra vỉa hè. Về lâu dài có thể dựng những bức tượng đồng người nặn tò he, người bán phở, người gánh hoa... tỉ lệ như người thật đặt vào đó" ông Chương nói.
Tuy nhiên, ông Vi Kiến Thành - cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, thành viên hội đồng nghệ thuật - vẫn bảo lưu quan điểm cá nhân: không loại bỏ tác phẩm của Trần Hậu Yên Thế. "Để tác phẩm tồn tại lâu dài với cộng đồng phải nhìn từ góc độ thưởng thức của công chúng".
Tác phẩm của Cấn Văn Ân với đề xuất vẽ một bức tranh giả lập bức tường như chưa hề bị xây bịt kín với một con đường đi xuyên qua, và tác giả như hình bóng của một thnah niên hiện đại đang đối diện với những giá trị lịch sử. Tuy nhiên, tác phẩm này gây khá nhiều tranh cãi bởi một số ý kiến cho rằng tác giả thể hiện cái nhìn bi quan
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, trưởng nhóm các tác giả Việt Nam tham gia dự án, không đồng tình với quyết định của hội đồng nghệ thuật.
"Hội đồng nghệ thuật đang hiểu rất hẹp về khái niệm bích họa, trong khi đây là dự án nghệ thuật công cộng. Khi lên ý tưởng, tôi đưa ra ba yêu cầu với tác phẩm: phải tương tác với lịch sử bức tường Phùng Hưng hoặc lịch sử khu phố Kẻ Chợ; phải tương tác với người xem; các họa sĩ Việt Nam - Hàn Quốc phải tương tác với nhau.
Chủ đề chung của dự án là ký ức tập thể của người Hà Nội qua các thời kỳ. Nhưng hội đồng nghệ thuật lại muốn các nghệ sĩ phải làm bích họa chỉ để dễ bề quản lý" họa sĩ Nguyễn Thế Sơn bức xúc.
Tác phẩm chung của các hoạ sĩ Việt Nam và Hàn Quốc với hình ảnh hai người đàn ông Hàn Quốc đi trên phố Hàng Mã, Hà Nội
Không tham gia dự án nhưng họa sĩ Lê Thiết Cương đánh giá nội dung các bức bích họa tốt và cho rằng không nên can thiệp quá nhiều vào sự sáng tạo của các nghệ sĩ.
Đồng thời, họa sĩ Lê Thiết Cương nêu ý kiến: "Tác phẩm sắp đặt hồi tưởng về chợ xe máy Phùng Hưng và bức tranh vẽ ngôi nhà với những vết rách, tượng trưng cho sự ghép nối giữa quá khứ - hiện tại đều hay, đẹp. Không thể bỏ hai tác phẩm này". Nhưng ông cũng lưu ý không nên sắp đặt chiếm quá nhiều không gian vỉa hè.
Tác phẩm gợi lại ký ức một thời với nụ cười rạng rỡ trên nền của khung cảnh Hà Nội thời xưa
Trước những nhận xét của hội đồng nghệ thuật và sự bức xúc của các họa sĩ, ông Phạm Tuấn Long, phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho biết dự án đang trong giai đoạn thử nghiệm và tiếp thu ý kiến để hoàn thiện.
"Chúng tôi sẽ thuyết phục hội đồng ủng hộ các nghệ sĩ. Có những góp ý của hội đồng các nghệ sĩ đã sửa. Quận sẽ tiếp tục làm việc với cả hai phía để có phương án phù hợp nhất" - ông Long cho hay.
Với lo ngại về việc bảo vệ, chống mất cắp các tác phẩm sắp đặt nghệ thuật, ông Long khẳng định khi lên ý tưởng xây dựng phố đi bộ nghệ thuật Phùng Hưng, đơn vị này đã có phương án bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật.
Theo ông Long, đây không phải là vấn đề quá đáng lo ngại bởi các phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, khu đi bộ trong phố cổ Hà Nội đơn vị này quản lý được thì cũng sẽ có phương án quản lý tốt phố đi bộ Phùng Hưng.
Tác phẩm giới thiệu về Việt Nam với hình ảnh em bé kể câu chuyện trên trang sách của hoạ sĩ Hàn Quốc
Phố bích họa cùng nghệ thuật sắp đặt Phùng Hưng (dài hơn 1km) do UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội phối hợp với Chương trình định cư con người Liên Hiệp Quốc (UN-Habitat) và Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc (Korea Foundation) thực hiện.
Dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 trong năm 2017, với 19 tác phẩm bích họa và sắp đặt nghệ thuật được xây dựng ở vòm cầu Long Biên.
Năm 2018, quận Hoàn Kiếm sẽ xin thỏa thuận triển khai mở thông các vòm cầu và thí điểm không gian đi bộ nghệ thuật trên phố Phùng Hưng.
Người dân, du khách đến đây được tương tác trực tiếp trong không gian nghệ thuật cùng các nghệ sĩ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận