Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức - Ảnh: DUYÊN PHAN
Mở đầu hội nghị, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - điểm lại nhiều dấu ấn đậm nét của ngành y trong các chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ; nâng cao năng lực y tế cơ sở; vận động người dân tiêm vắc xin và bắt đầu lộ trình của đề án chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho người dân hậu COVID-19.
Nhiều thách thức
Trong đó, đề án nâng cao sức khỏe tinh thần sau mắc COVID-19, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, đang trong quá trình hoàn thiện và dự kiến trong tuần này sẽ được trình lên UBND TP xem xét, phê duyệt.
"Đây là vấn đề được ngành y tế nhận thấy sau đại dịch và việc ra đời đề án sẽ giúp cho các bệnh nhân từng mắc COVID-19 có thể sớm phục hồi và vượt qua các di chứng" - bác sĩ Dũng nhấn mạnh.
Nhắc lại tròn 1 năm về trước (ngày 12-7-2021) TP.HCM chính thức tuyên bố triển khai Trung tâm hồi sức tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (TP Thủ Đức), ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - nói rằng cùng với sự chi viện từ cả nước, các bệnh viện của TP.HCM đã cử nhân viên y tế làm việc suốt ngày đêm.
Tuy vậy, ông Thượng cũng nhấn mạnh ngành y tế đang đứng trước 3 nguy cơ, gồm dịch chồng dịch (khi dịch sốt xuất huyết bùng phát, số ca mắc và chuyển nặng của COVID-19 có xu hướng tăng); thiếu thuốc và thiếu hụt nhân viên y tế công lập. Tính từ đầu năm 2021 đến nay có trên 2.000 nhân viên y tế nghỉ việc, đa phần chuyển dịch sang bệnh viện tư.
Khó khăn thử thách, nhưng ông Thượng bảo rằng chưa bao giờ lãnh đạo TP.HCM và lãnh đạo Sở Y tế lại có mật độ nhắn tin chỉ đạo dày đặc như thế, nhằm để nắm bắt, tháo gỡ các khúc mắc đang xảy ra. Trong đó có điển hình là nghị quyết được Hội đồng nhân dân TP.HCM thông qua đã "mở đường" nhiều cơ chế, chính sách để củng cố ngành y tế sau đại dịch.
Ghi nhận nỗ lực của ngành y
Ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ông Dương Anh Đức cho rằng để có được kết quả như ngày hôm nay, ngành y tế đã cùng với cả hệ thống chính trị của TP.HCM nỗ lực rất lớn.
Ghi nhận và đánh giá cao kết quả 6 tháng đầu năm 2022, ông Đức cho rằng ngành y tế là một trong các lực lượng chủ lực của hệ thống chính trị trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19. Và điều vui mừng sau đại dịch, không chỉ ngành y đạt được các thành tựu tốt đẹp, các ngành khác cũng đạt kết quả khả quan.
Cụ thể theo phó chủ tịch UBND TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm chỉ số GRDP đạt 3,81%, trong đó đáng mừng tốc độ tăng trưởng quý 1 dương, quý 2 gấp 3 lần quý 1. "Đây là tín hiệu tốt và để làm được điều này, công của cán bộ, nhân viên ngành y không hề nhỏ" - ông Đức nhấn mạnh.
Song song với các thành quả này, ông Đức nhắn nhủ ngành y tế không chủ quan, đặc biệt là nguy cơ xâm nhập của các biến chủng BA.4, BA.5. "Tháng 6-2021 cũng giống như hiện nay khi số ca mắc giảm và tăng dần. Nhưng sự khác biệt hiện nay là chúng ta có thuốc, có vắc xin và số ca chuyển nặng tử vong chưa cao, nhưng không vì thế mà chủ quan" - ông Đức nhấn mạnh.
Về tình hình sốt xuất huyết bùng phát, ông Đức nhắc ngành y tế TP.HCM cần kiểm điểm lại mình, xem liệu có phải lo chống dịch COVID-19, hoặc do ảnh hưởng sức khỏe từ các đợt chống dịch hay không mà "quên thời gian đỉnh dịch của sốt xuất huyết", vốn chỉ là một bệnh thường quy hằng năm đều xảy ra.
Trung tâm mua sắm sẽ giải quyết được vấn đề gì?
TP.HCM quyết tâm trong tháng 7-2022 sẽ đưa vào hoạt động Trung tâm mua sắm tập trung ngành y tế. Hiện Sở Y tế đã xây dựng xong danh mục thuốc và chỉ chờ phê duyệt là bắt tay ngay vào thực hiện.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho rằng khi Trung tâm mua sắm tập trung của ngành y tế đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết được việc thiếu một số loại thuốc quý hiếm; một số thuốc các đơn vị ít sử dụng, các công ty ít đấu thầu.
Trước mắt, ngành y tế sẽ tập trung vào triển khai gói thuốc dành cho y tế cơ sở, từng bước mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung, đấu thầu vật tư y tế và trang thiết bị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận