Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng trao bằng khen cho các tổ chức, cá nhân trực thuộc Cục Quản lý thị trường TP.HCM tại hội nghị - Ảnh: N.TRÍ
Tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý thị trường (QLTT) năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Cục QLTT TP.HCM, bà Thắng nói năm 2022, QLTT phải là cơ quan chủ trì để có những tham mưu, phối hợp chặt với công an, biên phòng, hải quan, địa phương, đặc biệt địa phương có chợ đầu mối, để đánh tổng lực hàng lậu, nhái, giả.
"Chúng ta kiểm tra ở chợ, điểm bán để xử phạt nhưng đó chỉ là cái ngọn. Cần phối kết hợp với các cơ quan, địa phương kiểm tra từ việc xuất nhập khẩu ở cảng, kho, các địa bàn... Không có cảnh sát khu vực nào là không biết những kho hàng ở địa bàn", bà Thắng nói.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Văn Ba - cục trưởng Cục QLTT TP.HCM - thừa nhận vẫn có những cán bộ QLTT chưa nắm rõ địa bàn, còn loay hoay khi được truy.
"Kho, bãi lớn với phương tiện, người bán mua ra vào liên tục thì không thể không biết. Sang năm 2022, công tác quản lý địa bàn sẽ là chỉ tiêu để xếp loại việc hoàn thành nhiệm vụ", ông Ba khẳng định.
Theo ông Ba, trong năm tới đơn vị sẽ tiếp tục ký hợp tác với các lực lượng như hải quan, công an, địa phương... để tăng cường phối hợp trong hoạt động thanh kiểm tra.
Phó chủ tịch UBND TP cũng đề nghị sang năm 2022, lực lượng QLTT phối kết hợp với các đơn vị để tăng cường kiểm tra nguồn gốc hàng hóa tại các chợ tự phát, đặc biệt xung quanh 3 chợ đầu mối. Đồng thời, không để cho xăng dầu giả, kém chất lượng xuất hiện tại TP.HCM.
Đại diện Cục QLTT TP.HCM cho biết hầu hết hàng hóa đi qua biên giới đều đưa về TP tiêu thụ, hàng giả phần lớn sản xuất tại đây nhưng trong năm 2021 cơ bản đơn vị đã quán xuyến được địa bàn, phát hiện và bắt giữ nhiều vụ án.
Tuy vậy, cái khó hiện nay là lực lượng còn mỏng, và chưa có một kho chính thức nào để cất giữ tang vật. Do đó, đơn vị kiến nghị TP hỗ trợ quỹ đất xây dựng kho chứa.
"Chỉ riêng năm 2021 đơn vị đã chuyển 29 vụ cho cơ quan điều tra với giá trị tang vật trên 30 tỉ đồng, chưa kể tang vật của các vụ án tồn đọng. Do đó, nếu điều kiện cất giữ tang vật không tốt sẽ tiềm ẩn nguy cơ hư hỏng, cháy nổ", ông Ba nhận định.
Định hướng năm 2022, Cục QLTT TP cho biết sẽ tập trung kiểm soát các nhóm hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, có thuế suất cao và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm, bia rượu, thuốc lá...; sản phẩm phục vụ phòng chống dịch COVID-19.
Xử phạt hành chính hơn 29,5 tỉ đồng
Theo Cục QLTT TP.HCM, trong năm 2021 đơn vị đã kiểm tra 1.977 vụ, xử lý 1.325 vụ, số tiền phạt vi phạm hành chính là gần 29,5 tỉ đồng; số vụ chuyển cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khởi tố vụ án hình sự là 25 vụ với tang vật, phương tiện vi phạm ước tính khoảng 30 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận