03/05/2015 09:20 GMT+7

​Phim truyền hình Việt: sống nhờ chuyển thể

HOÀNG LÊ
HOÀNG LÊ

TT - Một loạt bộ phim truyền hình phát sóng gần đây cũng như đang chuẩn bị sản xuất đều có kịch bản chuyển thể từ phim nước ngoài, tác phẩm văn học hoặc tác phẩm sân khấu...

Phim có kịch bản chuyển thể đã và đang phát sóng Ra giêng anh cưới em - Ảnh: ĐPCC

VTV3 đang phát sóng phim Ðam mê nghiệt ngã chuyển thể từ kịch bản phim Pasión de Gavilanes của Colombia. Sau khi phát sóng Hai khối tình (chuyển thể từ tác phẩm của Hồ Biểu Chánh), giờ phim 20g trên HTV7 phát sóng Vẫn có em bên đời với kịch bản do tác giả Hoàng Thu Dung chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của mình.

Không có gì và không một ai đang phát sóng trên HTV9 cũng do chính nhà văn Nguyễn Ðông Thức chuyển thể từ tiểu thuyết của mình. Kênh Vĩnh Long 1 cũng vừa phát sóng xong bộ phim Giông tố cuộc đời, kịch bản do Nguyễn Thị Mộng Thu chuyển thể từ tiểu thuyết Ðáy ao oan hồn của chính tác giả. 

 Những người viết kịch bản hiện nay chiếm từ 70-80% là người trẻ. Họ có ý tưởng đột phá nhưng những chi tiết xử lý tình huống kém vì không được học bài bản, chưa có kinh nghiệm, vốn sống
Bà BẢO TRÂM

Đáp ứng thị hiếu phim xưa

Không chỉ dựa vào nguồn kịch bản từ văn học hay nước ngoài, các vở kịch, cải lương hiện cũng được tận dụng để cho ra đời các phim như Ra giêng anh cưới em, Sông dài... và sắp tới đây là Tần Nương Thất, Người nhà quê...

Ðạo diễn Trương Dũng đang có kế hoạch chuyển thể loạt vở cải lương của tác giả Hà Triều - Hoa Phượng thành phim Tấm lòng của biển, Nắng sớm mưa chiều (đang quay)...“Tôi rất thích những câu chuyện về tình mẫu tử trong những vở cải lương của Hà Triều - Hoa Phượng. Thông qua việc chuyển thể này tôi muốn lưu giữ lại câu chuyện cảm động ấy bằng hình thức phim ảnh” - ông nói.

Trong tương lai, dòng phim chuyển thể sẽ tiếp tục lấn át. Ðạo diễn Hồ Ngọc Xum cho biết sau Hai khối tình, ông đang quay Tơ hồng vương vấn cho Hãng phim TFS và triển khai chuyển thể Con nhà giàu, Những điều nghe thấy, Oan trái của Hồ Biểu Chánh thành kịch bản phim.

Ông nói: “Phim Việt sản xuất nhiều, những kịch bản sáng tác không còn tốt thì việc chuyển thể các kịch bản văn học là điều đương nhiên. Truyện của Hồ Biểu Chánh có văn phong xưa, từ ngữ cổ nhưng tư tưởng lại rất hiện đại, vì thế khai thác tác phẩm của ông là điều dễ hiểu”.

Bà Bích Liên - giám đốc Công ty Sóng Vàng, đơn vị triển khai một loạt kịch bản chuyển thể - nhận định: “Xu hướng khán giả đang thích xem kiểu phim xưa, tình cảm lãng mạn. Các bộ phim chuyển thể đáp ứng được thị hiếu này”.

Bà Liên đưa ra ví dụ: “Ra giêng anh cưới em từng ăn khách trên sân khấu kịch với sự có mặt của Hoài Linh, khi được chuyển thể thành phim cũng có Hoài Linh tham gia, bộ phim này đã trở thành một trong những phim đạt rating cao nhất từ trước đến nay trên VTV9. Sau này nếu nhu cầu khán giả thay đổi thì chúng tôi lại tìm cách thay đổi”.

Ở góc độ khán giả, chị Tâm Thanh (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) nhận xét: “Thường thì những phim chuyển thể khai thác bối cảnh xưa, mang đậm yếu tố miền quê, nhất là miền Tây sông nước nên hình ảnh đẹp, tươi tắn. Câu chuyện phim xưa cũng nhẹ nhàng, sâu lắng, đặc biệt khai thác số phận phụ nữ khá hay. Tuy nhiên một số phim có yếu tố xưa... nửa vời. Ví dụ như các cô gái quê trang điểm quá đậm, lời thoại không ra chất quê. Một số phim rơi vào trạng thái lòng vòng, tiết tấu chậm quá cũng khiến khán giả nản”.

Phim có kịch bản chuyển thể đã và đang phát sóng Vẫn có em bên đời - Ảnh: ĐPCC

Đỡ phải... cày bừa

Việc sản xuất phim từ kịch bản văn học hoặc sân khấu là chuyện rất bình thường. Ðây là nguồn kịch bản dồi dào để tạo ra những bộ phim hấp dẫn, nếu khâu chuyển thể và diễn viên diễn xuất tốt. Tuy nhiên, việc xuất hiện khá nhiều phim chuyển thể trong thời gian qua càng cho thấy tình trạng thiếu hụt kịch bản mới cho phim truyền hình hiện nay.

Viết lách là nghề vất vả. Ðể viết 30 tập phim, biên kịch làm việc liên tục từ ngày này qua ngày khác.

Vì lý do sức khỏe mà các biên kịch lớn tuổi có kinh nghiệm hiện nay đã không còn viết nhiều nữa. Biên kịch cứng cỏi nhiều kinh nghiệm như Châu Thổ (từng viết Người giúp việc, Cha dượng, Trở về 1, 2, 3...) tự nhận mình đang rất sung sức mà mỗi năm chỉ có thể viết được ba kịch bản phim, chỉ đủ cung cấp kịch bản cho Hãng phim Sena của mình.

Trong khi đó, mỗi năm phim Việt cần mấy chục bộ phim với hàng ngàn tập phim mới phát sóng, đòi hỏi một đội ngũ biên tập rất đông đảo.

Biên kịch Quý Dũng - tác giả kịch bản của nhiều bộ phim ăn khách như Giấc mơ biển, Vật chứng mong manh, Con gái vị thẩm phán... - cho biết: “Từng làm công tác biên tập nên tôi thấy nhiều tác giả viết kịch bản ẩu lắm. Họ ngồi ở nhà rồi tưởng tượng ra, sao chép phim Hàn Quốc một chút, phim Ðài Loan một chút... Tuy nhiên cũng cần nói thêm là nhà sản xuất và nhà đài duyệt kịch bản quá khắt khe. Những vấn đề nhạy cảm trong xã hội, những ý tưởng lạ, hư cấu một chút là bị nhà đài gạt ngay. Ðiều này làm thui chột sự sáng tạo của biên kịch”.

Bộ phim Cha rơi - phim hiếm hoi không chuyển thể - do anh viết kịch bản đã liên tiếp gặt nhiều thành công tại Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 34, giải Cánh diều vàng; nhưng trước đó, khi đưa đề cương đến một số nhà sản xuất lẫn nhà đài đều nhận những cái lắc đầu từ chối, cho đến khi đạo diễn Phương Ðiền và Công ty Sóng Vàng nhận lời thực hiện.

Biên kịch Hoài Hương cho rằng: “Mâu thuẫn giữa biên kịch, biên tập và nhà đài nhiều hằng hà sa số. Theo tôi, mâu thuẫn với nhà đài không quan trọng lắm, mỗi đài có tiêu chí phát sóng khác nhau và đây là khâu cuối cùng rồi. Mâu thuẫn giữa biên kịch và biên tập mới quan trọng nhất. Biên kịch yếu lại phải cần biên tập giỏi hơn. Hiện nay cả biên kịch lẫn biên tập phần lớn không giỏi khiến kịch bản phim có nhiều điều bị phàn nàn”.

Trước tình trạng trên, chuyển thể kịch bản phim trở thành giải pháp “cứu” cho nhiều hãng phim là điều dễ hiểu, như ý kiến bà Bảo Trâm - giám đốc Hãng phim Vietcom: “Kịch bản hay khan hiếm nên nhà sản xuất chúng tôi phải quơ quào đủ nguồn mới có thể làm phim được. Kịch bản chuyển thể đã có sẵn thông điệp, đường dây câu chuyện rõ ràng nên nhà sản xuất đỡ phải... cày bừa hơn. Tốc độ làm phim vì thế cũng nhanh hơn nhiều”.

Phim có kịch bản chuyển thể đã và đang phát sóng Không có gì và không một ai - Ảnh: ĐPCC

* Biên kịch CHÂU THỔ:

Chuyển thể cũng phải có nghề

Phim chuyển thể từ tác phẩm văn học có thuận lợi là cấu trúc chặt, tính cách nhân vật định hình, tình huống tâm lý có sẵn. Với tác phẩm tiểu thuyết thì đường dây câu chuyện đã có sẵn, với truyện ngắn đòi hỏi người chuyển thể cần phải sáng tác nhiều.  

Còn với các tác phẩm sân khấu - bị bó gọn trong không gian, thời gian, xung đột diễn ra chủ yếu qua lời thoại chứ không có nhiều hình ảnh... khi chuyển thể thành phim truyền hình - vốn diễn đạt bằng hình ảnh - lại càng không đơn giản, đòi hỏi người chuyển thể phải có nghề và có kinh nghiệm để biết cài cắm tình huống qua các tập phim.

Hiện nay người làm công tác chuyển thể chủ yếu là các nhà văn. Họ chưa thật sự nắm được quy tắc tạo ra kịch bản phim truyền hình thu hút khán giả.

H.LÊ ghi

HOÀNG LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên